Thái Lan gọi 5 ngoại binh cho AFF Cup 2018, Việt Nam phải làm sao?
Người Thái, hay còn gọi là người Xiêm trước kia, một dân tộc phân nhóm của nhóm sắc tộc Thái, là dân tộc chiếm đa số sống tại lãnh thổ Thái Lan và một số khu vực miền nam Trung Quốc.
Nhiều người hẳn đang cảm thấy có sự nhầm lẫn ở đây. Vào trang web thể thao mà sao lại toàn thấy thông tin giống như môn địa lý, lịch sử. Nhưng xin mọi người hãy thư thả đọc tiếp.
Ngôn ngữ chính thức là tiếng Thái trung hay tiếng Xiêm. Tuy nhiên các nhóm địa phương ở Thái Lan vẫn có ngôn ngữ riêng của mình và các ngôn ngữ này có quan hệ gần gũi với ngôn ngữ chính thức. Tất cả chúng đều được phân loại vào ngữ hệ Tai-Kadai. Phần lớn người Thái theo Phật giáo Thượng tọa bộ.
Vâng, hai đoạn văn về Thái Lan kể trên đều được copy từ Wikipedia. Tuy nhiên, vẫn phải đọc thêm chút nữa để thấy được rằng Wikipedia đã… sai. Dưới đây là bằng chứng:
Người Thái phân làm bốn nhóm: Thái Trung tâm, Thái Nam (Tai), Thái Đông Bắc (Isản), Thái Bắc (Làn Nà).
Người Thái phân làm bốn nhóm, đó là định nghĩa cũ rồi. Theo thông tin mới nhất, người Thái đã phân làm 8 nhóm. Bốn nhóm mới của người Thái bao gồm: Người Thái gốc Đức, người Thái gốc Ý, người Thái gốc xứ Wales và người Thái gốc Thụy Điển.
Nói có sách mách có chứng: bản danh sách triệu tập chuẩn bị cho AFF Cup 2018 vừa được công bố của ĐT Thái Lan có tới 5 cầu thủ mang dòng máu châu Âu. Đó là Philip Roller và Manuel Bihr (đều gốc Đức), Mika Chunounsee (gốc xứ Wales), Marco Ballini (gốc Ý), Kevin Deeromram (gốc Thụy Điển).
Tân binh gốc Đức Philip Roller của ĐT Thái Lan chuẩn bị cho AFF Cup 2018
Cả 5 cầu thủ nêu trên đều đang chơi bóng tại giải Thai-League và tất nhiên đều đã sở hữu hộ chiếu Thái Lan. Với sự tăng cường đầy màu sắc toàn cầu hóa này, ĐT Thái Lan hứa hẹn sẽ bảo vệ thành công ngôi vị bá chủ bóng đá Đông Nam Á cho dù HLV Milovan Rajevac không gọi về 4 ngôi sao đang thi đấu tại Bỉ và Nhật Bản.
Không ít CĐV Việt Nam chắc chắn không thích việc làng cầu dẫn đầu trong khu vực sử dụng ngoại binh. Nếu mượn lời của lũ trẻ thì như thế là chơi ăn gian. Bao năm qua, Việt Nam nhất quyết nói không với ý tưởng đưa các ngôi sao gốc Âu, gốc Phi hay gốc châu Mỹ lên tuyển. Đùng một cái, người Thái lại đá với "Tây".
Không hiểu người Thái có chịu hiểu rằng, giả sử ĐT Việt Nam cũng "chơi xấu" bằng cách triệu tập những cầu thủ nhập tịch chất lượng cao như Đỗ Merlo, Hoàng Vũ Samson, Phan Van Santos, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Huỳnh Kesley Alves…, liệu ĐT mang biệt danh "Voi chiến" có thể làm mưa làm gió tại AFF Cup suốt thời gian qua hay không?
ĐT Việt Nam vẫn nói không với việc triệu tập ngoại binh
Nhưng thôi, không nên đi quá sâu vào chính sách dùng người ở mỗi quốc gia. Mỗi nơi đều có quan điểm riêng. Thái Lan muốn thay máu ĐTQG, đấy là việc của họ. Việt Nam chỉ cần cầu thủ gốc Việt, đó là chuyện của chúng ta.
Tương tự đồng tiền, mọi cách làm đều có hai mặt. Trên thế giới, vẫn có một CLB "cứng đầu" là Athletic Bilbao hoàn toàn cự tuyệt các cầu thủ không phải gốc xứ Basque. Có thể Athletic Bilbao không giành được nhiều danh hiệu như Barca hay Man City, nhưng họ cũng thu về được những điều ý nghĩa khác: giữ vững bản sắc, tạo điều kiện cho tài năng trẻ bản xứ phát triển và là một thứ "của lạ" trong một thế giới đang ngày càng trở nên đồng nhất.
Cứ để Thái Lan sử dụng cầu thủ ngoại. Singapore, Philippines hay Timor Leste đã làm như thế từ lâu và cũng chưa thấy gặt hái được thành tựu đặc biệt nào.
Chúng ta chỉ đơn giản là tiếp tục đặt niềm tin vào Công Phượng, Xuân Trường, Quang Hải…, những nhân tố đã giúp bóng đá Việt Nam gây tiếng vang tại U23 châu Á 2018 và ASIAD 2018.