Vụ “cưỡng hôn” cũng liên quan đến thủ môn Tấn Trường?

thứ tư 20-3-2019 12:19:00 +07:00 0 bình luận
Có hai mức phạt nhận được sự quan tâm gần đây dù liên quan đến những cá nhân khác nhau, trong những vụ việc khác nhau. Thứ nhất là câu chuyện thủ môn Tấn Trường của Bình Dương bị phạt treo găng ít nhất tới hết lượt đi với nghi vấn tiêu cực...

Thứ hai là là mức phạt chỉ 200.000 đồng với một người đàn ông có hành vi sàm sỡ (mà có nhiều báo gọi là “cưỡng hôn” dù nghĩa gốc của từ này không đúng tính chất vụ việc) với một phụ nữ trẻ trong thang máy. Đâu là án phạt nặng, đâu là án phạt nhẹ và chúng ta đang dùng luật gì để điều chỉnh hành vi trong xã hội?

Vụ 200.000 đồng nổi sóng vì có đầy đủ các yếu tố tạo ra một cơn sóng trên mạng xã hội: hành vi đáng lên án (dù nó không hề hiếm gặp trong đời sống), số tiền phạt quá thấp và thân thế bí ẩn của người đàn ông nọ. Số tiền và cách xử lý động chạm tới phẩm giá của một nửa thế giới, tức là những phụ nữ.

Về lý thì mức phạt 200.000 đồng cho hành vi sàm sỡ là đúng luật, đúng các quy định. Không thể bắt anh này phạt 2 triệu hoặc 200 triệu được trừ khi cơ quan chức năng xác định tội danh là cưỡng dâm thay vì chỉ là sàm sỡ.

Hiển nhiên, 200.000 đồng, tương đương 4 bát phở ở Hà Nội, chả thấm tháp gì với một người khá giả. Vấn đề là anh chàng kia phải đứng trước một “bồi thẩm đoàn” là hàng triệu tài khoản trên mạng xã hội. Các thành viên của mạng xã hội rất hào hứng với tư cách là một thành viên bồi thẩm đoàn, tha hồ luận tội và đòi hỏi pháp luật phải xử theo ý họ.

Khán giả rất thích đóng vai "Người phán xử"

Nếu không, họ sẽ có cách kết tội khác, ví dụ như có những ý kiến cho rằng: nếu việc xử lý của cơ quan chức năng chưa đủ tính răn đe, để không sợ bị kiện cáo, các nhà hàng, quán cafe, cơ sở kinh doanh có thể in ảnh đối tượng kèm thông tin: "Chúng tôi từ chối phục vụ khách hàng này vì đã có hành vi sàm sỡ phụ nữ trong thang máy". Hoặc tại các nơi công cộng khác có thể in ảnh kèm lời cảnh báo: "Mọi người hãy cảnh giác với người đàn ông này vì từng có hành vi sàm sỡ với phụ nữ trong thang máy".

Thậm chí, có thông tin chưa được kiểm chứng rằng cánh đàn ông ở tòa nhà nơi xảy ra vụ việc đã tạo thành một nhóm tìm gã đàn ông gây ra vụ “hôn tặc” kia để “thực thi công lý”.

Tôi tin nếu những ý định từ cộng đồng mạng được thực hiện thì anh chàng thích sàm sỡ kia lại mong bán nhà để nộp phạt và mong mọi người coi anh ta như những người bình thường.

Nhưng pháp luật sẽ ở đâu nếu “công lý mạng xã hội” liên tục được thực thi? Hoặc những quyết định thay vì theo luật lại đưa ra những án phạt rất cảm tính chỉ vì phải làm như vậy cho vừa lòng đám đông?

Từ đó, tôi nhìn vào cái cách mà CLB Bình Dương treo găng thủ môn Tấn Trường. Lý do là thi đấu dưới sức và có lỗi sơ đẳng dẫn đến những bàn thua của B.Bình Dương trước Ceres Negros hồi tuần trước. Tôi không bênh Tấn Trường nhưng nếu xem lại những clip ấy thì đầu tiên là ngạc nhiên vì tại sao một thủ môn dày dặn kinh nghiệm Như Trường lại mắc lỗi ngớ ngẩn như vậy? Có vấn đề gì không?

Tấn Trường liệu có đứng vững trước "bồi thẩm đoàn ảo"?

Thế nhưng xem kỹ thì có thể chỉ là một thoáng mất tập trung (vì nghĩ trợ trọng tài đã báo đối phương việt vị nhưng trọng tài chính đã đè cờ) và chủ quan. Cái giá phải trả là một bàn thua. Nhưng cái giá đắt hơn đối với Tấn Trường chính là một án phạt và quan trọng là cái nhìn, sự nghi ngờ của cả một cộng đồng với thủ môn này.

Tấn Trường chỉ là một cá nhân - xem ra rất nhỏ bé khi đứng trước những “bồi thẩm đoàn ảo”. Vấn đề là án phạt kia dựa trên cái gì? Nếu Tấn Trường bị oan thì ai sẽ đứng ra bảo vệ hay đòi quyền lợi cho mỗi cá nhân trong những trường hợp tương tự?

Bình Dương có cưỡng luật? Chỉ để hướng dư luận vào một cá nhân?

Đám đông không phải lúc nào cũng là chân lý vì thế nếu chỉ vì đám đông mà phải “cưỡng luật” thì khác nào một kẻ “cưỡng hôn”?

Song An
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Trần Thùy Chi

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội