Thư EURO: Roland Garros vẫn hái ra tiền mùa EURO
Giữa cái nắng mùa Hè, sân Roland Garros ngủ yên, trái ngược với bầu không khí EURO sôi sục ở sân Công viên các Hoàng tử chỉ cách đó vài trăm mét. Nhưng dù đang ngủ thì Roland Garros vẫn “đẻ” ra tiền.
Tôi đến thăm Roland Garros khi EURO trong giai đoạn nghỉ sau vòng knock-out. Cụm sân đất nện này, nơi tổ chức 1 trong 4 giải Grand Slam danh giá, được người Pháp đặt theo tên vị phi công huyền thoại của họ, Roland Garros, người đầu tiên một mình bay qua biển Địa Trung Hải hồi đầu thế kỷ trước và cũng được xem như phi công đầu tiên lái máy bay tấn công quân sự trong Thế chiến thứ Nhất.
Mới chỉ cách đây hơn 3 tuần, Roland Garros là nơi chứng kiến những màn so tài đỉnh cao giữa Djokovic, Murray, Wawrinka.… Khi đó, giải đấu còn có tên gọi khác, giải Pháp mở rộng, là tâm điểm của làng banh nỉ nói riêng và là sự kiện thể thao được quan tâm hàng đầu trên phạm vi toàn cầu.
Những con số thống kê cho thấy xấp xỉ 500.000 lượt khán giả đổ về các cụm sân ở Roland Garros theo dõi các tay vợt tranh tài trong 2 tuần, bắt đầu từ hôm 23/5.
Ngoài ra, có 1,346 triệu lượt người theo dõi tài khoản Twitter của Roland Garros. Trong khi 1,7 triệu lượt người thường xuyên cập nhật trang Facebook chính thức của giải.
Năm ngoái, doanh thu từ giải đấu đã đạt mức 187,3 triệu euro. Và năm nay, như Gilbert Ysern, Tổng giám đốc Liên đoàn quần vợt Pháp (FFT) và cũng là trưởng ban tổ chức Roland Garros chia sẻ: “Mùa giải Roland Garros vừa qua tương ứng với hoạt động thương mại giá trị tới 250 triệu euro cho thành phố. Và doanh thu của Roland Garros vẫn tăng ổn định từng năm”.
Quả thực, Roland Garros chẳng khác nào “con gà đẻ trứng vàng cho Paris”. Và bản thân giải đấu cùng thương hiệu Roland Garros cũng đã sinh lời cho chính nó với con số ấn tượng 60 triệu euro trong mùa vừa qua.
Trong đó, 2/3 số tiền sẽ nộp vào FFT giúp phát triển hệ thống sân bãi và bộ môn quần vợt trên khắp nước Pháp. 1/3 còn lại được sử dụng để nâng cấp cải tạo chính hệ thống cụm sân tại Roland Garros. Nói như ông trưởng ban tổ chức Ysern, “Roland Garros hoàn toàn tự chủ tài chính, chẳng cần ai nuôi hết!”.
Một trong những nguồn thu quan trọng cho Roland Garros đến từ hoạt động kinh doanh thương mại dựa trên thương hiệu giải đấu, mà cụ thể là từ các cửa hàng bán đồ lưu niệm, trang phục thi đấu gắn liền với logo giải đấu, cũng như tour thăm quan bảo tàng Roland Garros.
Và đó cũng chính là lý do thôi thúc nhiều khách du lịch tìm đến ngôi đền quần vợt của nước Pháp, ngay cả khi các mặt sân đất nện tại đây đã đóng cửa ngủ yên sau 2 tuần chứng kiến các tay vợt hàng đầu thế giới tranh tài nảy lửa.
Cụm sân Roland Garros nằm ở vị trí rất đẹp, được bao bọc bởi một không gian xanh mát mẻ trong lành tại khu vực Porte de Auteuil. Và ấn tượng đầu tiên, đó không chỉ là cổng vào chính tương đối khiêm tốn, không bề thế như danh tiếng Roland Garros, mà còn là tấm biển chỉ đường độc đáo ngay sau cánh cổng.
Nhìn vào đó, bạn có thể biết Roland Garros cách bao xa tới những địa điểm tổ chức 3 giải Grand Slam danh giá còn lại, như Wimbledon ở Anh (365 km), Flushing Meadows tại Mỹ (5.839 km) hay Melbourne Park ở Úc (16.950 km).
Sau giải Pháp mở rộng kết thúc cách đây chừng 3 tuần, không còn giải đấu nào diễn ra ở Roland Garros. Nhưng bước qua cánh cổng chính, vẫn có thể cảm nhận phần nào hơi thở của giải đấu, khi tản bộ vào gian hàng chính bán đồ lưu niệm, trang phục mang thương hiệu logo của giải.
Những món đồ ở đây cực kỳ đa dạng, từ móc chìa khóa mang logo giải hay quả bóng tennis, cây vợt mini, cho đến quần áo, giầy, tất, mũ, khăn lau mồ hôi. Tất cả trang phục thi đấu dành cho một VĐV dự Roland Garros, thậm chí là trọng tài, bạn đều có thể mua sắm tại đây.
Chỉ có điều, giá không rẻ chút nào! Ví như một chiếc áo phông trẻ con từ 4-5 tuổi in màu vàng hoặc màu đỏ đặc trưng đất nện đã có giá 25 euro và tăng dần đến cỡ người lớn sẽ là 65 euro.
Bên cạnh đó, những chiếc mũ cũng có giá từ 30-50 euro. Một quả bóng tennis cỡ bự làm quà lưu niệm cũng có giá 35 euro. Một chiếc vợt không rẻ hơn 250 euro và một đôi giày ít nhất cũng có giá 120 euro.
Tóm lại, nếu chót “yêu” và hâm mộ cuồng nhiệt giải Grand Slam đất nện số 1 hành tinh này, chiếc ví của bạn sẽ ngót đi kha khá khi bước chân vào nơi được gọi là “Boutique Roland Garros”.
Sau khi thoải mái ngắm nghía và mua sắm ở “Boutique”, điểm dừng chân kế tiếp sẽ là Bảo tàng Roland Garros, nơi bắt đầu được xây dựng và mở cửa đón khách từ 2013.
Chỉ cần bỏ ra 8 euro mua vé, bạn có thể trải nghiệm cả chiều dài lịch sử giải đấu đã ra đời cách đây tận 125 năm và đã có cả thảy 115 lần giải được tổ chức.
Từ hình ảnh các nhà vô địch đơn nam/nữ qua từng năm, “sự tiến hóa” của cây vợt cho đến trái bóng cũng như cách xây dựng mặt sân ở cụm sân thi đấu của Roland Garros tỉ mỉ, cầu kỳ ra sao, tất cả đều rất thú vị khi được thể hiện bằng hình ảnh sống động.
Nếu có điều gì tiếc nuối nhất khi đến thăm quan Roland Garros những ngày này thì đó là không thể vào tận phía trong chiêm ngưỡng những sân đấu nổi tiếng như sân số 1, sân Philippe Chatrier - nơi diễn ra các trận đấu chính ở nội dung của nam, hay sân Suzanne Lenglen - nơi tổ chức các trận đấu chính nội dung của nữ.
Bởi kế hoạch cải tạo, hiện đại hóa cụm sân Roland Garros với kinh phí lên tới 275 triệu euro trong vòng 8 năm đang được triển khai. Một sân thi đấu mới hiện đại với 5.000 chỗ ngồi nhằm thay thế cho sân số 1 cổ kính đang được xây dựng ở khu vực nằm giữa 2 sân chính Philippe Chartrier và Suzanne Lenglen.
Riêng sân chính Philippe Chartrier sẽ được lắp hệ thống mái che để các tay vợt có thể thi đấu trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào, cả vào buổi tối. Ngoài ra, trung tâm tập luyện của LĐ quần vợt Pháp cũng sẽ được nâng cấp, nhiều cửa hàng bán đồ lưu niệm sẽ mọc lên và Bảo tàng Roland Garros cũng được mở rộng.
Tóm lại, tổ hợp tập luyện, thi đấu ở Roland Garros sẽ tăng thêm 60% diện tích sử dụng, sau quá trình cải tạo.
Đáng chú ý, khi thực hiện kế hoạch hiện đại hóa này, LĐ quần vợt Pháp nhận được 20 triệu euro từ chính quyền thành phố Paris và 20 triệu nữa từ chính phủ Pháp. Con số đó gộp lại chỉ chiếm 1/7 ngân sách thực hiện việc nâng cấp cụm sân ở Roland Garros.
Đương nhiên, số tiền lớn còn lại lấy từ quỹ của FFT. Nhưng với doanh thu khủng từ giải đấu hằng năm, cân đối và thu hồi vốn chỉ là vấn đề sớm muộn.
Mà chẳng nói đâu xa, dù những trận đấu ở đây đã kết thúc hơn 3 tuần, thì thánh địa đất nện của người Pháp, của thế giới, vẫn “đẻ” ra tiền với sức hút du lịch khó cưỡng.