Anh - Iceland: Kẻ thù đáng sợ nhất của Anh chính là... Anh
Không phải Iceland ở trận đối đầu rạng sáng mai (02h00, 28/6), mà có lẽ kẻ thù đáng sợ nhất của bóng đá Anh không ai khác ngoài chính bản thân họ.
Nếu hỏi người Anh vô địch World Cup năm nào, hay lần tiến xa nhất của bóng đá Anh trong lịch sử các kỳ EURO cách đây bao lâu, đều không khó để trả lời. Nhưng nếu lại hỏi, thất bại nào đối với Tam sư là cay đắng nhất tại một giải đấu lớn, thì đến các CĐV Anh cũng còn cảm thấy hóc búa.
Không hẳn vì chuyện đó đã xảy ra cách đây quá lâu hay có một chi tiết nào đó phức tạp. Chỉ đơn giản, chuyện đó với người Anh lại xảy đến quá thường xuyên mà thôi.
Đương nhiên nếu nói về thất bại thì thất bại nào mà chẳng khó, thậm chí là rất khó để nuốt trôi. Nhưng vấn đề ở đây chính là cái cách người ta đón nhận thất bại với tâm thế nào.
Và với người Anh, đất nước nổi tiếng với sự mã thượng, tinh thần hiệp sỹ cao ngất, họ luôn bước vào mỗi giải đấu với tâm lý vô cùng tự tin và lúc nào cũng được đánh giá (hay tự mình đánh giá) là một trong những ứng viên sáng giá cho ngôi vô địch. Để rồi khi phải nhận những kết quả ê chề, thì họ viện dẫn đủ lý do để bao biện cho thất bại đó.
Italia '90, người Anh đổ lỗi cho định mệnh khi cái chân của thủ thành Tây Đức, Bodo Illgner chặn được cú sút luân lưu cực mạnh của Stuart Pearce, rồi tiếp sau đó là cú đá lên trời của Chris Waddle.
20 năm sau, lại là trận thua trước Tuyển Đức, và lần này người Anh vu cáo trọng tài "không có mắt" khi không công nhận bàn thắng hợp lệ của Frank Lampard. Trong khi trước đó 4 năm, Cristiano Ronaldo biến thành "kẻ thù" của cả nước Anh khi khiến Wayne Rooney phải nhận tấm thẻ đỏ oan ức.
Và làm sao người Anh có thể quên được cú đá phạt bị cho là "ăn rùa" của Ronaldinho năm 2002, cũng như cho đến tận ngày nay nhiều người Anh vẫn còn ghét Diego Simeone và trò "tiểu nhân" khiến Beckham phải nhận thẻ đỏ năm 1998.
Đấy là World Cup, còn tại EURO người Anh cũng chẳng thiếu những bằng cớ để minh chứng cho sự đen đủi và oan ức của mình.
Nếu chẳng phải vì mặt sân như mặt ruộng và pha bắt bóng lập bập của Scott Carson, thì người Anh đã có thể dự EURO 2008 và chắc gì Tây Ban Nha đã có thể lên ngôi năm đó.
Sau mỗi lần Tam sư xách valy về nước sớm là một lần báo giới Anh nháo nhào lên thi nhau phân tích, đưa ra những nhận định, giả thiết và cả những thuyết âm mưu cho thất bại của đội nhà. Nhưng hầu như chỉ có rất ít trong số đó dám nhìn thẳng vào sự thật, người Anh thường "chết yểu" bởi vì bản lĩnh thi đấu yếu kém, hoặc đơn giải hơn cả là trình độ của họ không bằng đối thủ.
Năm 2004, Darius Vassell quỳ sụp xuống ngay sau khi đá hỏng cú đá luân lưu trước Bồ Đào Nha, dù trước anh cả 5 cầu thủ Anh đều thực hiện thành công. Chỉ 2 năm sau, Anh có cơ hội phục thù Bồ Đào Nha và cũng chính trên chấm luân lưu, nhưng rút cuộc họ sút hỏng... tới 3 trên 4 quả.
Và mới 4 năm trước thôi, ngay sau khi chứng kiến Andrea Pirlo thực hiện cú panenka thần sầu, Ashley Cole "tim đập chân run" cũng thực hiện không thành công cú đá 11m của mình, dù thời điểm đó anh là cầu thủ lớn tuổi nhất trong toàn bộ các cầu thủ Anh dự giải.
EURO 1996 được tổ chức tại Anh, hình ảnh đáng nhớ nhất giải có lẽ không phải là bàn thắng Vàng của Oliver Bierhoff ghi cho Tuyển Đức trong trận chung kết, mà là giây phút Paul Gascoine đã khóc như mưa sau khi người Anh thua trong trận bán kết.
Năm 1996, gười Anh lần đầu tiên và cũng là duy nhất vào tới bán kết một kỳ EURO với "cơn điên" của Gascoine, nhưng lại gục ngã trên chấm trắng 11m, mà sau này nhớ lại hậu vệ Gareth Southgate - người sút hỏng quả luân lưu quyết định - vẫn chưa thôi bị ám ảnh về ngày này cách đây tròn 20 năm về trước.
Hai thập kỷ, bóng đá Anh đã đạt được những thành tựu vượt bậc khi họ sở hữu giải VĐQG hấp dẫn nhất thế giới với trị giá khổng lồ, thu hút hàng loạt những siêu sao lớn. Nhưng hai thập kỷ qua vẫn là nỗi khắc khoải của người Anh, với những thất bại của ĐTQG tại các giải đấu lớn.