Nữ hoàng Wushu Nguyễn Thúy Hiền: Ký ức đôi chân vừa tháo bột rước ngọn đuốc SEA Games cuối cùng của sự nghiệp
Nguyễn Thúy Hiền - cái tên mà mỗi lần nhắc tới đều khiến khán giả nhớ về một nữ tuyển thủ xinh đẹp, dáng người nhỏ nhắn tung hoành trên thảm đấu Wushu đã mang về những vinh quang vô tiền khoáng hậu cho thể thao Việt Nam.
Năm 1993, Nguyễn Thúy Hiền đánh dấu “phát súng” đầu tiên trong sự nghiệp với tấm HCV Thế giới tại Malaysia nội dung Đao thuật, mở đầu cho hành trình kéo dài 10 năm đứng trên đỉnh cao sự nghiệp. Cô trở thành vận động viên Việt Nam đầu tiên giành một chức vô địch thế giới.
Tính từ thành tích tại Malaysia năm 1993 tới trước SEA Games 22, Thúy Hiền giành tổng cộng 7 HCV Thế giới, 1 HCV Châu Á, 1 HCB ASIAD, 5 HCV SEA Games. Thế nhưng, niềm vui trong sự nghiệp của nữ vận động viên sinh năm 1979 khi ấy vẫn chưa thực sự trọn vẹn: cô chưa một lần được giơ cao lá cờ chiến thắng trên quê hương Việt Nam, ở một giải đấu tầm quốc tế.
Tưởng chừng SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam là cơ hội để Thúy Hiền có thể hoàn thành tâm nguyện. Nhưng trong một lần thực hiện động tác kĩ thuật bật cao, tư thế tiếp đất không được tốt đã khiến cô bị rách bao khớp - vốn là hệ quả của thời gian tập luyện lâu ngày dẫn tới căng cứng cơ bắp.
Chấn thương bất ngờ đã khiến Thúy Hiền phải ngừng tập luyện trong thời gian dài, ảnh hưởng trực tiếp tới khả năng dự SEA Games trên sân nhà.
“Mình đã phải bó bột trong 1 tháng, việc đi lại sau khi tháo bột cũng rất khó, gần như không co, duỗi và đi lại được bình thường. Lúc đó việc thi đấu rất khó, vì mình bị chấn thương chân phải, vốn là chân trụ - bật chính của mình.”
“Lúc ấy, mình đã chủ động xin ban huấn luyện sang Trung Quốc để làm vật lý trị liệu. Một năm chuẩn bị cho SEA Games khi ấy thực sự rất dài, mỗi ngày 3 buổi tập, có những hôm tập xong cũng phải ứa nước mắt vì đau quá. Mình cũng chưa có ý thức, kinh nghiệm về phục hồi, dinh dưỡng… rất nhiều kiến thức cũng chưa biết do lúc ấy còn trẻ, không có sự hướng dẫn của gia đình, xung quanh cũng chỉ có một vài huấn luyện viên, các chị em trong đội.” - Thúy Hiền tâm sự.
Trên thực tế, việc tham dự SEA Games vốn không phải điều gì xa lạ với Thúy Hiền. Ở hai kỳ đại hội trước đó, cô đã giành tổng cộng 5 HCV (2 HCV năm 1997, 3 HCV năm 2001) ở các nội dung sở trường là Đao thuật, Thương thuật và Trường quyền. Nhưng năm 2003 lại hoàn toàn khác, đó là cơ hội duy nhất và cũng có thể là cuối cùng trong sự nghiệp để cô có thể ăn mừng chiến thắng trước người thân.
“Khi đã bị như vậy, mình cũng ngại việc thất bại hoặc dính chấn thương lại nếu tiếp tục thực hiện các động tác khó. Lúc ấy cũng rất áp lực, bởi trong khoảng 10 năm trước đó mình đã thi đấu khá thành công, từ giải Thế giới, Châu Á, Đông Nam Á và cả SEA Games trước mình đều có huy chương Vàng. Nếu tới SEA Games ngay tại Việt Nam, ngay trước mắt người thân, bạn bè cổ vũ mà không đạt được huy chương Vàng mình sẽ rất buồn.”
Cuối cùng, vượt qua tất cả, Nguyễn Thúy Hiền vẫn thành công vượt qua chấn thương để nhận nhiệm vụ ở kỳ đại hội thể thao cuối cùng trong sự nghiệp. Cô còn nhận vinh dự là vận động viên trao ngọn đuốc tới tay thủ tướng Phan Văn Khải, để chính thức khởi động kỳ SEA Games 22 trên đất Việt Nam.
Tại đại hội năm đó, Thúy Hiền tiếp tục thể hiện phong độ hoàn hảo với 3 tấm huy chương Vàng nội dung Đao thuật, Thương thuật và Trường quyền. Sau đó, cô còn giành thêm một tấm huy chương Vàng tại giải Vô địch Thế giới cùng năm, chính thức khép lại kỉ nguyên vàng kéo dài 10 năm trong sự nghiệp.
“Khi ấy, để nói rằng mình không sợ thất bại thì không đúng, nhất là SEA Games khi ấy đối với mình không phải đấu trường quá khốc liệt về kĩ thuật. Nỗi sợ khi ấy chủ yếu là áp lực từ chính bản thân, kì vọng của mọi người. Mình đã khởi đầu 10 năm sự nghiệp với huy chương Vàng thế giới, và mình cũng muốn kết thúc cũng là huy chương Vàng.” - Cô gái vàng một thời của thể thao Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền nhớ lại.