10 tư duy tập luyện sai lầm thường xuất hiện trong Boxing (phần 1)

thứ sáu 24-7-2020 11:45:02 +07:00 0 bình luận
Nâng tạ, gập bụng, đấm gió, chạy bộ,… tất cả đều là những bài tập quen thuộc với Boxing. Thế nhưng, liệu có phải boxer nào cũng hiểu và áp dụng nó một cách phù hợp nhất.

Nếu so sánh giữa các môn võ đối kháng, Boxing có lẽ là bộ môn có sự chuyên biệt nhất. Óc nghĩ, đầu tránh né, tay đấm, chân di chuyển, thân xoay trở… mỗi bộ phận trên cơ thể người võ sĩ đều mang một nhiệm vụ khác nhau.

Chính vì vậy, việc lựa chọn và áp dụng các bài tập sao cho đúng là yếu tố then chốt giúp võ sĩ có một thể trạng tốt nhất trước khi bước lên sàn đấu. 

Tuy nhiên, không phải võ sĩ hay thậm chí các huấn luyện viên đều hiểu đúng chức năng, vai trò của các hình thức tập luyện, khiến cho thời gian cũng như thể lực tay đấm của họ bị phí phạm một cách vô ích. Chưa dừng lại ở đó, những nguy hiểm tiềm tàng từ việc không có thể chất tốt để chuẩn bị cho một trận đấu hay khóa huấn luyện căng thẳng cũng có thể xảy ra, ảnh hưởng trực tiếp tới quá trình thượng đài.

Và để tránh mắc phải những sai sót khi rèn luyện cho một Boxer, hãy điểm qua một số tư duy sai lầm điển hình dưới đây trong quá trình tập luyện.

1.    Nhảy dây, chạy bộ quá lâu

Nhảy dây, chạy bộ là một trong các hình thức khởi động quen thuộc của các Boxer trước mỗi buổi tập với cường độ cao. Tuy nhiên, việc nhảy dây vài chục phút hay chạy bộ hàng giờ lại không hữu hiệu đến thế.

Boxing là môn võ có nhịp thi đấu tương đối nhanh. Chính vì thế, một bài nhảy dây chỉ nên hạn chế trong thời gian ngắn khoản dưới 15 phút, đủ để cơ thể làm nóng và quen với nhịp độ tăng dần. Tương tự với các bài tập chạy bộ, trên thực tế, việc chạy bộ nhiều 3 hay 5km không hề tối ưu với việc khởi động cho một Boxer.

Chạy bộ có thể làm tăng cường sức bền, tuy nhiên, nhiều quá chưa chắc đã tốt.

Bởi một khi các bài nhảy dây – chạy bộ duy trì quá lâu, cơ thể sẽ làm quen với nhịp độ của chúng, từ đó, thay vì “làm nóng”, toàn bộ thân thể người võ sĩ sẽ dần rơi vào trạng thái mệt mỏi và chậm đi. Lúc này, nếu kết hợp với những bài tập tốc độ cao như footwork (bộ pháp), đánh đích (padwork)… cơ thể sẽ không hiểu và đáp ứng được yêu cầu của bạn.

Thay vì chạy bền, người tập Boxing có thể áp dụng các bài chạy biến tốc xen kẽ giữa các quãng nghỉ ngắn. Đây được xem như phương pháp mô phỏng nhịp độ trận đấu thực tế hơn là các bài tập chạy bền cự li quá dài.

2.    Tập trung vào số lượng thay vì chất lượng

Đây là điều thường gặp ở tư duy tập luyện truyền thống, tập trung quá nhiều vào “con số” thay vì “chất lượng”. 

Như đã đề cập ở trên, nhảy dây cả tiếng, chạy bộ hàng giờ không hề giúp cho võ sĩ có một thể chất hoàn hảo trước trận đấu. Và cơ thể cũng cần hồi phục sau quá trình rèn luyện lâu dài.

Thông thường, một trận đấu Boxing không kéo dài quá 1 tiếng đồng hồ. Vì thế, các bài tập chuyên biệt sau khởi động không nên vượt quá thời gian này nếu bạn muốn tập trung vào chất lượng của bài tập. “Chất lượng” ở đây có thể là các yêu cầu về thực hiện kĩ, chiến thuật trong tập luyện.

Thời gian rèn luyện kĩ chiến thuật không nên quá lâu để cơ thể có thể “nhớ” được chúng.

3.    Tập quá nhiều các bài bổ trợ chuyên biệt.

Nghe có vẻ nghịch lý, bởi ai cũng cho rằng, việc tập trung các bài chuyên biệt theo bộ môn (sport-specific workout) sẽ khiến cơ thể bạn “toàn tâm toàn ý” cho Boxing. Nhưng có ai đã nghĩ tới những rủi ro của “tập luyện quá độ”. 

Một ví dụ đơn giản là bài đập lốp xe. Đây là bài tập giúp phát triển nhóm cơ bụng chéo trong, một nhóm cơ quan trọng giúp ổn định cơ thể trong các động tác vặn mình. Rất hiệu quả với nhóm cơ này, nhưng đập lốp cũng tạo một yêu cầu áp lực làm việc không hề nhỏ lên cơ vai. Chính vì thế, việc lợi dụng bài tập này quá nhiều sẽ bắt vai bạn làm việc quá sức, dễ dẫn tới chấn thương. 

Các bài tập nặng như đập lốp không nên được sử dụng quá nhiều.

4.    Đấm gió với tạ

Khi theo dõi các video của Floyd Mayweather, Gennady Golovkin,… chắc hẳn ta không hiếm gặp trích đoạn tập luyện các võ sĩ này sử dụng tạ 1-2kg để đấm gió. Nhưng liệu đây có phải bài tập thực sự phù hợp?

Cách lí giải quen thuộc của bài tập này là để khiến đôi tay quen với sức nặng, từ đó khi tháo tạ sẽ ra đòn nhanh hơn. Tuy nhiên, việc bắt đôi tay phải thực hiện các đòn đấm cùng tạ sẽ khiến sự chính xác trong chuyển động cơ thể (movement patterns) bị ảnh hưởng không cần thiết.

Đặc biệt, những người tập chưa có sự chính xác về kĩ thuật, khi sử dụng tạ đấm gió sẽ càng khiến cơ thể khó chỉnh sửa các lỗi sai và dễ dẫn tới chấn thương.

Cần chắc chắn rằng bạn đã có kĩ thuật tốt, ổn định và chắc chắn trước khi cầm tạ lên đấm gió.

Thậm chí, việc tập đấm với tạ lâu sẽ khiến đôi vai của bạn nhanh chóng mệt mỏi chỉ sau vài phút gây ảnh hưởng tới hiệu suất luyện tập. Chính vì thế, nếu thực sự muốn cải thiện khả năng chịu tải của tay và vai, hãy thử chuyển sang các bài tập đẩy tạ đòn hoặc sử dụng dây kháng lực.

5.    Nói không với tập tạ

Đẩy tạ thay thế cho những bài tập với cú đấm có thể khiến nhiều người phản đối khi cho rằng “Đó không phải là Boxing.” 

“Tập tạ là chậm, tập tạ chỉ to ra chứ không phục vụ cho cú đấm, to chưa chắc đấm mạnh” là suy nghĩ thường thấy của rất nhiều người luyện võ và thậm chí là cả các huấn luyện viên. Điều này thể hiện sự thiếu sót trầm trọng của những kiến thức khoa học thể thao và rèn luyện thể chất.

Tuy nhiên, cần chỉ rõ rằng tập tạ cho Boxing không hề giống với tập tạ cho bất cứ bộ môn nào khác. Bởi dù gì, tạ cũng chỉ là một bài tập bổ trợ nhằm phát triển cơ bắp và cần có lựa chọn hợp lý trước khi áp dụng.

Tập tạ thực chất là hình thức tập luyện kháng lực (resistant training) nhằm tăng chất lượng cơ bắp. Dĩ nhiên, cơ bắp trong quá trình tập tạ sẽ to lên. Tuy nhiên, khi sử dụng đúng phương pháp, khối lượng và phối hợp với các bài chuyên môn của Boxing, boxer sẽ vừa cải thiện được chất lượng cơ bắp, lại có thể dễ dàng sử dụng chúng cho Boxing. 

Các bài tập tạ trong Boxing vẫn chịu cái nhìn sai lệch từ nhiều võ sĩ và huấn luyện viên.

Trên đây là phần đầu tiên trong số những suy nghĩ sai lầm cơ bản khi tập luyện Boxing. Có thể thấy, việc lựa chọn phương thức tập luyện đúng đắn đóng vai trò quan trọng với mục tiêu cường hóa thể chất, tránh chấn thương.

5 hiểu lầm trên đây là những suy nghĩ thường gặp nhất với bộ môn nghệ thuật sử dụng đôi tay làm vũ khí này. Tuy nhiên, đây mới chỉ là các yếu tố phổ biến nhất trước khi bước vào những thiếu sót quan trọng ở phần 2. (còn tiếp).
 

Lâm Gia
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội