Chuyện ‘bỏ đấu hàng loạt’ ở các giải võ đối kháng: Vấn đề nằm ở đâu ?
Nếu theo dõi các giải đấu võ đối kháng tại Việt Nam, chắc hẳn khán giả không lạ lẫm với câu chuyện “bỏ đấu” của các vận động viên.
Có những trường hợp, võ sĩ bỏ đấu liên tiếp khiến nhà vô địch lên ngôi mà … không cần thượng đài một lần nào cả. Hay nói cách khác, không thiếu những tấm huy chương vàng “không dính mồ hồi” ở các giải vô địch quốc gia.
Và hơn hết, tình trạng này xảy ra đặc biệt nhiều ở các môn đối kháng có tính va chạm cao như Muay, Tán Thủ hay Kickboxing.
Nguyên nhân đầu tiên, phải kể đến tính chất của các giải đấu cũng như bộ môn. Thông thường, một giải Vô địch cấp quốc gia sẽ trải dài trong khoảng 10 ngày thi đấu, các võ sĩ thường thi đấu tối đa 3-4 trận ở một hạng cân.
Đơn cử từ giải Cúp CLB Muay tại Vĩnh Phúc, võ sĩ chủ lực của Thái Nguyên - Bàng Thị Mai dễ dàng lọt vào chung kết và vượt qua võ sĩ Nguyễn Thị Bích Ngọc (TP. Hồ Chí Minh) để lên ngôi ở nội dung 60kg nữ.
Sau khi kết thúc giải Vô địch Muay toàn quốc chưa đầy 10 ngày, nữ võ sĩ Thái Nguyên cùng các đồng đội tiếp tục tiến quân vào TP. Quy Nhơn, Bình Định để tranh tài tại giải Vô địch Kickboxing quốc gia.
Tuy nhiên, đáng tiếc vì một chấn thương trước loạt bán kết, Bàng Thị Mai đã phải ngậm ngùi dừng bước và nói lời chia tay với chiếc huy chương vàng giải vô địch cuối cùng trong năm.
Trong thời gian ngắn như vậy, việc có chấn thương, sự cố là điều khó tránh khỏi. Không ít võ sĩ vì vòng loại quá khắc nghiệt, đến trận chung kết đành ngậm ngùi lui xuống nhận huy chương bạc vì không thể tiếp tục thi đấu.
Tuy nhiên, đây không hẳn là vấn đề cốt lõi, bởi thực tế bao năm qua, các giải đấu ở Việt Nam và trên thế giới đều diễn ra như vậy, là tính chất chung của các môn võ đối kháng.
Sự ảnh hưởng của chấn thương với việc nghỉ đấu còn đến từ tình trạng chồng chéo võ sĩ và khoảng thời gian giữa các giải đấu quan trọng.
Ở một số đội tuyển, lực lượng vận động viên ít ỏi buộc họ phải gánh vác nhiều bộ môn. Cộng với lịch thi đấu dày đặc, có thời điểm, trong 1 tháng, các võ sĩ phải thi đấu 2, thậm chí 3 giải liên tiếp. Dưới áp lực này, rủi ro chấn thương và rút lui là điều dễ hiểu.
Ngoài những yếu tố như chấn thương – lực lượng mỏng hay lịch thi đấu dày đặc. Sự chênh lệch trình độ cũng là nguyên nhân khiến nhiều võ sĩ rút lui khi gặp phải đối thủ quá mạnh.
Làng võ Việt hiện nay không thiếu các tượng đài vô địch nhiều năm liền, vô đối thủ ở hạng cân của mình.
Điều đó đồng nghĩa với việc, các đơn vị khác sẽ tìm cách “né” những hạng cân này, xảy ra tình trạng một bảng đấu chỉ có vỏn vẹn … 3 võ sĩ.
Cũng tại giải Vô địch Kickboxing quốc gia 2020 vừa qua tại Bình Định, nhà vô địch SEA Games Huỳnh Văn Tuấn đã giành tấm Huy chương Vàng mà không cần thi đấu một trận nào. Mặc dù, trong hạng cân 51kg nội dung Full Contact, ngoài Tuấn ra cũng có tới 8 võ sĩ khác tham gia.
Chấn thương, xin rút lui trước trận đấu, đó là lí do từ phía các đối thủ giúp Huỳnh Văn Tuấn tiếp tục đứng trên ngôi vương hạng cân của mình không tốn giọt mồ hôi.
Đối mặt với các tay đấm lão làng với tình trạng “chưa đánh đã biết thua”, một số đơn vị quyết định chủ động để võ sĩ rút lui, tránh những chấn thương không đáng có.
Có thể thấy, tình trạng bỏ đấu ở các môn võ đối kháng đến từ tính cạnh tranh khắc nghiệt từ những bộ môn này. Ngoài ra, vấn đề thiếu hụt võ sĩ, các tài năng đủ sức cạnh tranh cũng khiến vấn đề “chưa đánh đã lui” xảy ra ngày một nhiều hơn.