Anthony Joshua - Oleksandr Usyk 2: Cú đấm của võ sỹ Boxing nặng bao nhiêu cân?

thứ bảy 20-8-2022 20:06:00 +07:00 0 bình luận
Nếu nhìn quả dưa hấu vỡ toác khi hứng cú đấm của võ sỹ Boxing, hẳn bạn sẽ không bao giờ liều lĩnh thử đặt đầu mình vào vị trí quả dưa ấy. Vậy cú đấm của những Boxer như Anthony Joshua hay Oleksandr Usyk nặng bao nhiêu cân?

Dù ở sàn đấu Boxing amateur và đặc biệt là quyền anh chuyên nghiệp thì cận cảnh những cú đấm mà võ sỹ ghim vào mặt, đầu đối thủ, có lẽ sẽ khiến nhiều người sốc và choáng.

Hẳn nhiều người chưa thể quên hình ảnh cái cằm của Deontay Wilder như bị vẹo hẳn sang một bên khi võ sỹ này lĩnh trọn cú móc ngang của "quái vật" Tyson Fury trước khi chịu thua knock-out kỹ thuật ở trận tranh đai WBC hạng nặng hồi năm 2020.

Chiếc cằm "biến dạng" của Deontay Wilder khi hứng trọn cú đấm vòng của Tyson Fury ở trận tranh đai WBC hạng nặng hồi năm 2020

"Chết chóc", chính xác đó những gì khái quát, ngắn gọn nhất để mô tả về những cú đấm từ đôi găng của những Boxer. Nhưng cũng chính những cú đấm trời giáng ấy mang lại cảm xúc phấn khích thăng hoa tột độ cho NHM, ví như khi Trương Đình Hoàng tung ra cú móc ngang tay phải trúng mặt John Marvin khiến võ sỹ nổi tiếng của Philippines khuỵu xuống sàn tại SEA Games 30.

Hay trên sàn đấu chuyên nghiệp Trương Đình Hoàng từng khiến sàn đấu ngoài trời khu vực Hồ Gươm như nổ tung với series đòn giáng vào đối thủ Lee Gyu Hyun ở sự kiện Victory 8 hồi năm 2019.

->>> Khoảnh khắc Trương Đình Hoàng đấm móc khiến John Marvin khuỵu gối

Trương Đình Hoàng có trận đấu xuất sắc trước John Marvin tại SEA Games 30
Cận cảnh cú đấm rợn người của "Nam vương Boxing" Trương Đình Hoàng khi gặp Lee Gyu Hyun tại sự kiện Victory 8

Không quá nếu nói rằng những cú đấm knock-out chính là "linh hồn", là "vẻ đẹp chết người của Boxing". Những cú đấm ấy có thể để lại di chứng, hậu quả tồi tệ nhất, nhưng nhìn theo chiều hướng khác nó cũng bệ đỡ để dựng lên hình tượng người hùng vĩ đại trên ring, từ Muhammad Ali đến Mike Tyson, Evander Holyfield, anh em nhà Klitschko, Anthony Joshua, Tyson Fury...

Vậy sự thật, cú đấm của các võ sỹ quyền anh nặng bao nhiêu kg, nếu nhìn từ cả góc độ nghệ thuật ra đòn cũng như tính toán khoa học?

Nếu cần một bằng chứng sống động cho sức công phá khủng khiếp từ cú đấm của một Boxer hạng nặng, thì ký ức đen tối về 90 giây trụ trên võ đài của Matt Legg khi đối mặt tay đấm "khủng" bậc nhất hiện nay, Anthony Joshua, đã cho thấy tất cả.

"Hốc mắt của tôi như bị nổ tung. Tôi cố gượng dậy nhưng thú thật tôi chẳng nhìn thấy gì nữa", Matt Legg hồi tưởng về chưa đầy 90 giây kinh hoàng đối đầu Anthony Joshua. "Giây thần kinh ở một bên mặt bị tổn thương trong vòng 3 tháng. Và riêng trong 2 tháng đấy tôi hoàn toàn mất cảm giác ở phần mặt chấn thương. Nó thực sự tê liệt...!", Legg nhớ lại "di chứng" sau khi hứng trọn cú upper-cut của Joshua và đổ gục xuống đài.

Anthony Joshua đấm knock-out ngay hiệp 1 khiến Matt Legg bị "liệt cơ mặt" trong 2 tháng sau đó
Bryan Ruiz và kể cả tay đấm khủng khác như Wladimir Klitschko cũng từng gục ngã trước những cú đấm trời giáng của Joshua 

Cuối tuần này, ngày 20/8 một lần nữa NHM Boxing trên thế giới được chứng kiến sức mạnh đáng sợ của tay đấm hạng nặng xuất sắc hàng đầu thế giới trong khoảng 7 năm trở lại đây, Anthony Joshua, khi anh tái đấu Oleksandr Usyk, võ sỹ người Ukraine từng đánh bại chính Joshua ở London vào tháng 9 năm ngoái qua đó giành lấy cả 4 chiếc đai vô địch hạng nặng thế giới gồm WBA, IBO, IBF và WBC. 

Anthony Joshua (trái) tái đấu phục hận Oleksandr Usyk tại Saudi Arabia cuối tuần này 20/8

Nghệ thuật sắp đặt những cú đấm

Như một nhạc sỹ sáng tác phần điệp khúc, một võ sỹ rất hiếm khi tung ra đòn knock-out mà trước đó không tìm cách "sắp đặt" nó bằng một serie những cú đấm kết hợp.

"Thường có khoảng series 6 cú đấm sẵn sàng khi võ sỹ muốn tung ra một đòn knock-out làm nổ tung sàn đấu và các khán đài. Sẽ chẳng thông minh chút nào khi cố gắng ra đòn knock-out mà không có sự sắp đặt chuẩn bị. Cần chắc chắn rằng điều đó (đòn knock-out) nằm trong tầm kiểm soát của bạn!", Don Charles, người huấn luyện tay đấm lừng danh Dereck Chisora tới ngôi vô địch hạng nặng nước Anh và Châu Âu chia sẻ.

"Cú xỉa (Jab) trái tay, cú đấm thẳng uy lực phải tay sau (Straight Cross), cú móc hai bên (Hook) và móc ngược (Upper-cut) đều có thể tung ra từ cả hai tay".

"Hãy tưởng tượng như này: Điện thoại có 10 số, nhưng trong 10 số đó bạn có thể bấm hay quay bất kỳ tổ hợp số nào giúp bạn kết nối với cả thế giới. Boxing tương tự như thế. Chỉ có 6 cách ra đòn, nhưng từ 6 cú đấm ấy các võ sỹ có thể tung ra tới 1.000 tổ hợp đòn", Don Charles lý giải.

Một đòn knock-out kinh điển, cú Uppercut cùa Anthony Joshua khiến Wladimiir Klitschko độ gục xuống sàn và chịu thua sau đó

->>> HLV Boxing "độc nhất vô nhị" Đinh Phương Thanh và những chuyện chưa bao giờ kể

Tư thế ra đòn

"Đòn knock-out không tự nhiên xuất hiện. Bạn phải tạo ra nó. Bạn phải kiên nhẫn chờ đợi, sẵn sàng chịu đòn để tìm thấy cơ hội tung ra đòn knock-out", tay đấm hạng bán nặng (Cruiserweight) Nick Parpa chia sẻ.

Chọn đúng thời điểm có thể đấm cho đối thủ choáng váng, nhưng nói thì dễ, bởi nếu một Boxer không ở đúng tư thế để ra đòn thì chính anh ta sẽ mất thăng bằng và biến mình thành con mồi cho đòn phản công của đối thủ. Phải nhớ rằng tư thế ra đòn đúng, tất cả, bắt nguồn từ đôi bàn chân.

"Tư thế ra đòn của Boxer cực kỳ quan trọng", Don Charles giải thích. "Hãy tưởng tượng bạn đang đứng ở trung tâm của một tảng đá lớn, khi ấy bàn chân trước nên đặt ở hướng 12 giờ còn chân sau nên ở hướng 4 giờ và như thế đồng hồ của tôi đang điểm 12h20".

"Khi đứng đúng tư thế, bạn sẽ hiểu và thấy các võ sỹ quyền Anh làm điều mà chúng tôi vẫn gọi ví von là "bước di chuyển Boxer" - di chuyển như quả lắc, tiến lên, lùi lại, sang trái-phải-trái-phải, tick-tock, tick-tock".

Boxer Nguyễn Văn Đương trong một trận đấu ở sự kiện Victory 8

Với một tư thế chuẩn thì lực ra đòn sẽ đạt hiệu quả tối ưu, nhưng lực đó thực sự đến từ đâu?

Nếu biết rằng sức mạnh của một VĐV chèo thuyền đến từ đôi chân, và một VĐV bắn cung hiểu rõ phần lưng là bộ phận quan trọng nhất với họ, thì bởi vậy đừng nghĩ võ sỹ quyền Anh như "cái máy đấm" với đôi cánh tay to kềnh càng đã là lợi thế.

Cơ bắp ở cánh tay chỉ là những cái vấu cuối cùng trong "cỗ máy thể hình" của một Boxer. Và cỗ máy ấy bắt đầu hoạt động với lực từ bàn chân truyền lên, đi xuyên qua hông tới phần thân trên.

Lực ra đòn của võ sỹ Boxing xuất từ bàn chân và đôi tay chỉ là điểm phát lực cuối cùng

"Người ta nghĩ lực phát ra từ cánh tay, nhưng nó là chỉ là trạm chuyển phát cuối cùng của cú đấm", Don Charles phân tích. "Nó xuất phát từ đáy bàn chân bạn và năng lượng được truyền tới phần trên cơ thể trước khi kết thúc ở cú đấm. Bởi thế, một yếu tố khác bắt buộc phải nhắc đến đó là khả năng giữ thăng bằng. Giữ thăng bằng rất quan trọng trong hầu hết các môn thể thao, và nó đặc biệt quan trọng với Boxing".

"Nếu giữ thăng bằng tốt, bạn vẫn có thể chiến đấu khi vặn người. Lực sẽ đi xuyên suốt trong cơ thể và chuyển động sẽ lái cú đấm đến trúng đích".

Tay đấm cự phách Pacquiao tập luyện

Mục tiêu chết chóc

Nếu hỏi rằng: Làm thế nào để một Boxer có thể sống sót trên sàn đấu, thì trả lời theo "ngôn ngữ Boxing" đó là: Phải có một cái cằm cứng cáp như thép!

Đấy không phải cách nói bóng bẩy. Đó là sự thực! "Bộ phận chết chóc nhất" trên cơ thể, khi hứng chịu một cú đấm knock-out chính xác là ở đó - phần nhọn hơi nhô ra ở cằm.

Cằm chính là "bộ phận chết chóc nhất" mà các Boxers luôn phải bảo vệ che chắn kỹ càng

Nguyên nhân chính xác tuyệt đối về việc bị choáng và ngất sau khi hứng cú đánh mạnh vào cằm cho đến nay vẫn chưa có đáp án rõ ràng. Nhưng đằng sau hiện tượng này đã có rất nhiều cố gắng giải thích dưới góc độ khoa học, và một trong số đó đến từ Alan Ruddock.

Nhà sinh lý học tại Đại học Sheffield Hallam này là đồng sáng lập ra Boxing Science - tổ chức đã và đang làm việc với nhiều Boxers danh tiếng mà có thể kể ra đây như nhà vô địch thế giới hạng bán trung, từng giữ đai IBF từ 2014 đến 2017, Kell Brook.

"Chúng ta thật sự không biết điều gì dẫn tới trạng thái "bị knock-out". Nhưng chúng ta biết rằng lực xoắn dội lên xung quanh hành não (Brainstem) có thể khiến người ta bất tỉnh. Và vị trí tốt nhất để đấm knock-out chính là vùng cằm, bởi từ đó lực xoắn cực lớn sẽ truyền thẳng đến hành não", Alan Ruddock nhận xét.

Hành não (Brainstem) sẽ bị tổn thương khi võ sỹ Boxing dính cú đấm ở phần cằm

"Hành não, hay còn gọi là thân não, là phần liên kết giữa vỏ não hành động với hệ thần kinh trung ương - nơi kiểm soát mọi cử động có ý thức của con người".

"Vậy nên, nếu có nhiều lực xoắn đi qua vùng đó trong khoảng thời gian rất ngắn, nó sẽ phá vỡ sự liên kết giữa quyết định hành động có chủ đích và sự nhận thức được rằng bạn cần phải hành động. Nói nôm na là bạn sẽ không hiểu cái gì vừa xảy đến và cũng chẳng biết nên phản ứng lại hay không".

"Điều đó lý giải vì sao, khi bạn lĩnh trọn cú đấm hạng nặng vào cằm, bạn sẽ không kiểm soát nổi cơ bắp nữa, nó sẽ khiến đôi chân loạng chạng lảo đảo chẳng khác nào một gã say khướt không còn biết trời đất", Alan Ruddock chia sẻ.

->>> Số phận bi thảm của võ sĩ quyền Anh Việt Nam đầu tiên dự Olympic

Sức nặng cú đấm

Khi chuyển lên thi đấu một hạng cân mới thì tỷ lệ bạn chiến thắng - hoặc bị đấm knockout - cũng dễ xảy ra hơn. Những trận đấu hạng nặng dễ kết thúc với chỉ dấu trọng tài báo hiệu knock-out nhiều hơn ở hạng trung, và tất nhiên điều này xảy ra ở hạng trung nhiều hơn là hạng gà. Lý do giải thích, đương nhiên, rất đơn giản.

"Nó giống như bạn so sánh giữa trứng với đá. Khi cùng quăng đi với vận tốc 50 km/h thì đương nhiên hòn đá sẽ tạo ra sức sát thương lớn hơn", Don Charles giải thích.

"Từ hạng lông tới hạng nhẹ rồi hạng trung, nếu bạn có thể tận dụng tối đa cân nặng của mình thì thể hình bé nhỏ không thành vấn đề và bạn hoàn toàn có hạ knock-out ai đó. Điều này lý giải vì sao đôi khi một người nhẹ cân hơn vẫn có thể tung ra cú đấm "nặng đô" hơn cả đối thủ nặng cân hơn mình. Tuy vậy, hãy nhớ rằng, khi một võ sỹ hạng nặng có thể trút hết cân nặng của anh ta vào cú đấm thì đó sẽ là sự hủy diệt khủng khiếp".

Sức nặng từ cú đấm của võ sỹ từng thi đấu hạng lông, hạng ruồi như Manny Pacquiao cũng cực kỳ đáng sợ

Thật vậy! Nếu đi vào sâu hơn, dưới góc độ khoa học đó là phương trình xung lực - động lượng, còn thực tế để hiểu theo cách đơn giản sẽ là: Khi tạo ra một lực đánh cực nhanh, kết hợp với việc di chuyển lực đánh đó ở tốc độ cao tối đa tới mục tiêu, thì hiệu quả hủy diệt sẽ ở mức kinh khủng.

Cụ thể hơn, hãy lưu ý rằng tốc độ đấm trung bình của một võ sỹ quyền Anh vào khoảng 8-10m/giây, tức không thua kém vận tốc của những VĐV chạy 100m hàng đầu thế giới. Và nếu đem tốc độ ấy kết hợp với lực đánh thì đó rõ ràng là thứ vũ khí sát thương đáng sợ.

"Trong một thí nghiệm khoa học, nhiều võ sỹ quyền Anh đã được yêu cầu đấm hết sức vào một mục tiêu và kết quả cho thấy họ có thể tạo ra lực công phá lên tới 3,000 Newtons - tương đương 306 kg", Alan Ruddock tiết lộ.

"Nhưng những tay đấm trên chưa là gì cả. Nếu Anthony Joshua bước lên võ đài với cân nặng quanh mức 110 kg (cao 1,98m), đừng ngạc nhiên nếu cậu ta tung ra những cú đấm tạo ra lực tới 5,000 Newtons - tương đương 510 kg. Nó đúng nghĩa búa tạ"!

Nếu những cú đấm của những võ sỹ hạng nặng Anthony Joshua mạnh như búa tạ, thì hẳn bạn cũng sẽ tò mò muốn biết sẽ ra sao nếu so sánh với lực phát ra của các VĐV ở những môn thể thao khác.

Hãy nhớ, một cú sút bóng tĩnh của cầu thủ chỉ tạo ra lực 250 pounds, tương đương hơn 113 kg. Cú đấm nghịch (Gyaku Tsuki) của một võ sỹ Karate tạo ra lực xấp xỉ 187 kg. Và nếu Conor McGregor nổi danh về độ tàn bạo trên sàn MMA thì cú chạy lấy đà rồi tung đấm của võ sỹ người Ireland cũng chỉ "nặng" khoảng 422 kg.

Tất cả kể trên đều không bõ bèn gì so với nắm đấm của Anthony Joshua. Có chăng, chỉ có cú xoay người đá sau của một VĐV Taekwondo với lực tạo ra lên tới 680 kg mới "nặng độ" hơn.

Sát thương

Như nhạc sỹ luôn đam mê tìm tòi sáng tác những điệp khúc bay bổng lãng mạn nhất, các Boxers không cần che giấu khát khao giành chiến thắng theo cách vinh quang nhất, bằng cú đấm knock-out.

"Khi thực hiện điều đó - đấm knockout - tin tôi đi, bạn sẽ có cảm giác từng đốt xương bàn tay xuyên qua cả lớp găng dày và chạm vào da thịt đối thủ. Nó thật tuyệt!", võ sỹ hạng bán nặng Nick Parpa chia sẻ.

Nhưng mặt đối lập của vinh quang ấy là bóng tối mờ ảo đáng sợ với kẻ chiến bại khi "hít sàn" vì nhận đòn knock-out trời giáng. Cảm giác nhận một đòn đấm hết lực của võ sỹ nặng 91 kg (hạng bán nặng - Cruiserweight) hoặc hơn thế là thứ gì đó rất khó để ký ức não bộ tẩy xóa được.

"Tôi từng so găng với nhiều đối thủ cự phách, nhưng sức mạnh của Anthony Joshua thật kinh sợ", tay đấm hạng nặng Paul Butlin, người từng thượng đài với Dereck Chisora, John Banks hay Lucas Browne tiết lộ.

"Cú Jab đầu tiên anh ta khiến tôi loạng choạng lùi về góc đài với cái đầu đang rung bần bật. Và cú móc phải của Joshua không chỉ khiến tôi nằm sàn mà còn tặng kèm 9 mũi khâu trên mí mắt", Butlin nhớ lại trận đấu anh bị Joshua hạ knock-out kỹ thuật ở hiệp 2.

Connor McGregor cùng từng "nếm thử" sức nặng từ cú đấm chết chóc của Floyd Mayweather khi sỏ găng lên sàn Boxing

"Sự thật là nó chẳng đẹp chút nào", chính Nick Parpa cũng thừa nhận, "Khi mới bước chân vào thế giới Boxing tôi phải nhận vài cú đấm nặng đô và khi bị đấm bạn như rơi vào nơi tối tăm, mất phương hướng. Cảm giác như não rung lên, bạn không còn biết mình đang ở đâu, thấy lẫn lộn mọi thứ".

"Hãy tưởng tượng thế này, bạn đang đứng trên chiến trường và bị ném lựu đạn - tiếng nổ khiến màng nhĩ ù lên cũng giống như việc lĩnh trọn một cú đấm nặng ký. Lúc đó, bạn sẽ chỉ nhìn thấy màu trắng mờ ảo, thực tại trở lại rất chậm, trong khi mất phương hướng hoàn toàn. Tất nhiên, bản năng võ sỹ sẽ nhắc bạn phải đứng lên, trái tim nói rằng bạn phải tiếp tục chiến đấu, nhưng đôi chân thì không. Chúng nhũn ra như thạch và bạn không thể kiểm soát được nữa".

Chắc chắn, Nick Parpa không phóng đại mọi thứ. Bởi nếu cần một ví dụ trực quan hơn thì hãy cùng nhìn lại "thử thách quả dưa hấu" được Telegraph Sports từng ghi hình. Trong thử thách ấy, chính Nick Parpa, bằng cú đấm tay sau (Straight Cross) đã dễ dàng khiến quả dưa hấu vỡ toang ra.

Liệu ai muốn để cái đầu mình vào chỗ quả dưa ấy?

Choáng váng với series đòn như búa bổ của "Nam vương" Trương Đình Hoàng

Lương Anh
Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội