MMA Việt đã nảy mầm từ những võ đài phủi như thế nào?
Quay trở về khoảng thời gian đầu những năm 2010, MMA tại Việt Nam hay thậm chí là các môn như Boxing, Muay Thai, Kickboxing vẫn còn chưa có chỗ đứng vững chãi trong cộng đồng, MMA gần như là một thứ gì đó hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam.
Những “võ đài” đầu tiên
Khoảng đầu những năm 2010, lượng người hâm mộ MMA tại Việt Nam là rất thấp. Số người tìm hiểu và tập luyện môn này còn thấp hơn nữa. Những võ sư giàu kinh nghiệm đi tìm tòi, nghiên cứu và phát triển bộ môn này chỉ càng đếm được trên đầu ngón tay.
Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian các võ đài phủi hoạt động sôi nổi nhất. Những người anh em chơi võ, dù chẳng biết một chút kỹ thuật nào về địa chiến, họ đều sẵn lòng trải nghiệm bộ môn võ thuật mới mẻ này.
Đầu tiên là sự hình thành của các nhóm MMA trên những diễn đàn võ thuật lớn như Vietnamfight.com,các diễn đàn VOZ về nội dung võ thuật... Các hội nhóm cũng từ đây tổ chức những buổi offline giao lưu với nhau theo đủ mọi loại thể thức.
Sự xuất hiện của võ đường Liên Phong do Johny Trí Nguyễn thành lập cũng đã góp một sự cổ vũ lớn lao vào quá trình phát triển MMA của Việt Nam. Đây là khoảng thời gian Johny Trí Nguyễn được xem như một “công thần” của MMA Việt.
Riêng tại TP.HCM, cộng đồng những người yêu võ tại thành phố này đã tổ chức những buổi offline giao lưu giữa các môn võ với nhau hệt như UFC thời kỳ đầu. Các võ sinh muốn thử sức với các thể thức mới lạ cũng tham gia vào những “võ đài” giao lưu này để ĐƯỢC “ăn hành” trong những trải nghiệm mới. Tất nhiên, những cuộc đụng độ, giao đấu này đều kết thúc trong những cái bắt tay của các võ sĩ.
Với grappling nói chung, sự xuất hiện của những nhóm tự tập BJJ và Wrestling cũng đã góp thêm một phần gia vị độc đáo vào trong “nồi lẩu” MMA thời gian này.
Các grappler tự tập cũng hào hứng tham gia vào cả những trận đấu MMA dù cho thiếu hụt các kỹ năng đấm đá cần thiết. Họ cũng tranh thủ chứng tỏ bản thân qua những trận đấu với các môn sinh võ truyền thống.
Tuy đây là khoảng thời gian khá “loạn lạc” vì giao lưu, giao đấu, nhưng nhìn chung, MMA Việt Nam cũng đã đạt được những cột mốc khá quan trọng như sự hình thành của những trang tin tức phi lợi nhuận về UFC và MMA thế giới.
Bên cạnh đó, nhiều phòng tập BJJ có võ sư trình độ đai nâu đến đai đen cũng đã ra đời, các phòng tập Boxing, Kickboxing truyền thống cũng đã phát triển thêm nhiều kỹ thuật để thích nghi phù hợp hơn với MMA.
Quan trọng nhất, các phòng tập Gym thông thường cũng đã bắt đầu trang bị thêm bao cát, các dụng cụ tập MMA chuyên dụng như bánh xe, búa tạ, dây cao su, dây thừng… là những thứ vốn ít được quan tâm hơn so với tạ.
Công thần “khai quốc” thành tội đồ và thời kỳ tăm tối ngắn ngủi của MMA Việt
Nếu như ở khoảng thời gian đầu, võ đường Liên Phong của Johnny Trí Nguyễn đã đóng góp công lớn vào sức phát triển của MMA Việt Nam thì chỉ khoảng gần nửa thập kỷ sau đó, chính tài tử điển trai này lại vô tình làm MMA Việt bị “từ mặt” một thời gian dài.
Lần đầu bị xử phạt vì tổ chức thi đấu MMA nội bộ không giấy phép, về sau, Johnny Trí Nguyễn lại tiếp tục tự ý tổ chức các sự kiện võ thuật nằm ngoài hệ thống các môn võ đang hiện hành của Việt Nam.
Các giải đấu này thậm chí còn có cả hệ thống tiền thưởng, quảng bá riêng có bán vé, kinh doanh, nhưng cũng vận hành mà không có giấy phép. Chính vì “giọt nước tràn ly” này, MMA tại Việt Nam chính thức bị “khai tử” một thời gian.
May mắn thay, đến năm 2019, sau những nỗ lực hợp pháp hóa MMA của các ban ngành cũng như tâm huyết từ những người làm võ đã thành công. Đây chính là cột mốc quan trọng nhất trong sự phát triển của MMA tại Việt Nam.