Ngày xưa người ta luyện Muay Thái thế nào?
Quay ngược thời gian về những năm đầu thế kỷ 19, khi ấy, không có các thiết bị tập luyện hiện đại, cũng không có một chương trình đào tạo Muay Thái theo phương pháp khoa học cụ thể. Vậy thời đấy, các võ sĩ Muay Thái cổ xưa họ đã luyện tập môn võ này như thế nào?
Môi trường nhiệt đới ở Thái Lan là điều kiện tốt cho sự thu hút các loài cây như chuối, dừa. Không dừng lại ở đó, những chiến binh Muay Thái còn tận dụng sông suối và cả sự tồn tại của đầm lầy. Nhờ vào sự sáng tạo của các võ sĩ, tất cả những gì mà thiên nhiên ban tặng đều có thể trở thành những công cụ hữu ích để luyện Muay Thái.
Phương pháp luyện đòn đá và đòn gối
Để rèn đòn đá và đòn gối, các võ sĩ Muay Thái ngày xưa sử dụng bài tập đá thân chuối. Thân chuối mềm và xốp, ít hại chân, giống như bao cát hiện đại thời nay. Họ chọn những cây chuối có đường kính lớn để thực hiện các đòn đá, đòn gối đến khi nào đốn ngã được nó. Đây là phương pháp tập luyện phổ biến nhất mà các võ sĩ Muay Thái xưa tin dùng.
Để rèn luyện đòn đá và đòn gối, các võ sĩ Muay Thái sử dụng bài tập đá thân chuối
Tìm kiếm sức mạnh cho đôi chân
Trong phương pháp tập luyện Muay Thái cổ xưa, rèn sức mạnh của đôi chân được thực hiện bằng nhiều bài tập khác nhau.
Một trong số đó là bài tập leo cây dừa bằng chân trần. Việc leo cây dừa bằng chân trần được sử dụng để rèn sức mạnh, rèn luyện sự nhanh nhẹn cho đôi chân. Leo cây dừa bằng chân trần cũng làm săn chắc cơ đùi và làm dày da chân nhờ vào thân dừa vốn rất xù xì, thô ráp.
Một bài tập khác được người luyện Muay Thái xưa sáng tạo là bài tập nhảy ra khỏi hố đất. Các võ sĩ đào những hố nhỏ có độ sâu từ đầu gối cho đến eo, rồi dùng sức bật của đôi chân để nhảy ra khỏi hố. Đây là phương pháp để rèn luyện sức mạnh bùng nổ cho đôi chân, một loại sức mạnh mà các võ sĩ Muay Thái luôn phải có trong lúc chiến đấu.
Việc leo cây dừa bằng chân trần được sử dụng để rèn sức mạnh, rèn luyện sự nhanh nhẹn cho đôi chân
Cánh đồng lúa ngập bùn hay những đầm lầy cũng được các thế hệ võ sĩ Muay Thái thời xưa tận dụng.
Hẳn các bạn cũng biết việc bước đi trong sinh lầy khó khăn và hao tổn thể lực đến mức nào. Các chiến binh Muay Thái thường thực hiện những cuộc “hành quân” qua đồng lúa dày, ngập bùn lầy để rèn luyện cho bắp chân và cơ đùi khỏe mạnh, tăng cường sự dẻo dai và tạo dựng sức mạnh bền bỉ cho đôi chân.
Rèn khuỷu tay và độ chính xác của đòn chỏ
Trong quá trình tập luyện Muay Thái thời xưa, các võ sĩ thường dùng nửa vỏ dừa bỏ vào cát, sau đó dùng khuỷu tay đánh vào vỏ dừa và cát để rèn khuỷu tay cho cứng và thô hơn.
Những trái dừa cũng xuất hiện trong bài tập rèn độ chính xác của đòn chỏ. Để rèn luyện mức độ tấn công chính xác vào một mục tiêu đang di chuyển, các võ sĩ treo trái dừa lên cây, ngang tầm với đòn chỏ và dùng khuỷu tay đánh vào quả dừa đang di chuyển lắc lư giống như đối thủ của họ trên võ đài.
Những trái dừa cũng xuất hiện trong bài tập rèn độ chính xác của đòn chỏ
Ngoài ra, để luyện tập cho việc không chớp mắt khi bị đánh, các võ sĩ thực hiện bài tập “tát nước” lạ lùng. Họ đầm người xuống sông, tát nước thật mạnh vào mặt nhưng phải giữ cho mắt luôn phải mở.
Ngày nay, các bài tập cổ xưa này hầu như không còn được sử dụng. Thay vào đó, là các thiết bị và giáo án tập luyện hiện đại, phòng tập đầy đủ tiện nghi sẵn sàng để phục vụ cho những người luyện Muay Thái. Nhưng chúng vẫn vô cùng thú vị với những sức hút rất riêng đầy chất văn hóa của người Thái.