Vị trí thật sự của Lý Tiểu Long trong lịch sử võ thuật?
Một võ sĩ?
Thực tế Lý Tiểu Long không phải một võ sĩ thực thụ. Sự kiện duy nhất mà Lý Tiểu Long mà ông thực sự tham gia với tư cách một võ sĩ là giải Vô địch Quyền Anh Hồng Kong năm 1958 (xét về quy mô vẫn là một giải nhỏ), nơi ông hạ knock out nhà đương kim vô địch. Sau này, ông tham gia các sự kiện Karate do huyền thoại Ed Parker tổ chức ở California. Tuy vậy, ông chỉ biểu diễn thị phạm kỹ thuật chứ không tham gia thi đấu như một võ sĩ (nhiều tài liệu sau này vẫn ghi sai thành "Lý Tiểu Long vô địch Karate toàn nước Mỹ").
Như vậy, thực tế sự nghiệp của Lý Tiểu Long không phụ thuộc vào yếu tố "võ sĩ".
Một người kế thừa Vịnh Xuân?
Lý Tiểu Long luôn được xem như người học trò nổi tiếng nhất của danh sư Vịnh Xuân Diệp Vấn. Tuy vậy, thực tế dù có một thời gian giảng dạy Vịnh Xuân nhưng ông nhanh chóng chuyển hướng sang tâm huyết của cuộc đời mình: Tiệt Quyền Đạo (người Việt Nam hay đọc thành "Triệt Quyền Đạo" vì dễ phát âm). Lý Tiểu Long còn học hỏi từ nhiều bậc thầy huyền thoại ở các bộ môn khác nhau như Ed Parker (Karate), Chuck Norris (Taekwondo), Gene Lebell (Judo)... nhưng cũng không kế thừa bộ môn của họ.
Vậy nên, cũng không thể khẳng định Lý Tiểu Long là một truyền nhân thực thụ của bất cứ bộ môn nào.
Một Huấn luyện viên?
Lý Tiểu Long dành khá nhiều thời gian trong cuộc đời mình để huấn luyện võ thuật. Tuy vậy, thực tế ông vẫn không được đánh giá cao ở mảng này. Không chỉ không có nhiều học trò nổi tiếng, sự nghiệp giảng dạy của ông cũng nhanh chóng bị sự nghiệp điện ảnh bó hẹp thời gian. Chưa kể, ông còn bị đánh giá là có cái tôi quá lớn, không chấp nhận được việc học trò... đánh bại được mình, dù chỉ là một cú đấm vô tình trúng vào mặt.
Một triết gia?
Đây có lẽ là thành tựu lớn và đáng công nhận nhất của Lý Tiểu Long. Trong suốt cuộc đời từ đam mê cho đến nghiêm túc nghiên cứu về võ thuật, ông là một trong số rất ít nhân vật trong lịch sử võ thuật trở thành một triết gia thực thụ, một con người hòa hợp được hai luồng tư tưởng võ thuật Đông - Tây và đúc kết nó lại bằng thước đo duy nhất: yếu tố cá nhân của mỗi con người.
Bên cạnh đó, ông còn sở hữu tư duy đi trước thời đại, chẳng hạn như việc nhìn nhận ra sự cần thiết của một bộ môn võ thuật tổng hợp được mọi trường phái (xem thêm tại bài viết Lý Tiểu Long và tư duy võ đối kháng đi trước thời đại), và mãi 20 năm sau đó điều đó mới thành hiện thực khi MMA ra đời.
Chỉ đáng tiếc rằng ông ra đi quá sớm, trước khi ông có thể dùng những thành tựu đáng chú ý khác trong đời mình như sự nghiệp diễn xuất, viết sách để quảng bá tư duy võ thuật của mình.