Việt Nam - Iran và góc nhìn từ làng võ: Xin lỗi thế giới này không "phẳng"

chủ nhật 13-1-2019 6:38:11 +07:00 0 bình luận
Trận thua 0-2 trước Iran là gáo nước lạnh tạt thẳng vào rất nhiều người hâm mộ phong trào, đặc biệt là những người đã không hề quan tâm bóng đá cho đến khi tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018.

Thể thao là vậy, một thế giới không phẳng. Nó là một thế giới phân tầng với những đẳng cấp khác nhau, và khi có một đội tuyển hay cá nhân nào đó "vô địch", đừng quên tìm hiểu xem họ vô địch đẳng cấp nào. 

Nghe hơi khó tin, nhưng có vẻ như hầu hết người hâm mộ phong trào vẫn nghĩ rằng làng thể thao này là một cái bể cá lớn và tạp nham đủ loại từ cá mập đến cá ngựa. Và trong cái bể cá ấy, Việt Nam vô địch.

Thắng lớn ở AFF Cup 2019 không có nghĩa là Việt Nam cùng đẳng cấp với Iran. Rất tiếc, thế giới này không hề "phẳng"! Nó được phân tầng rất khắc nghiệt và Việt Nam vẫn đang trong nỗ lực leo lên tầng đẳng cấp mới.

Nói về đẳng cấp, có lẽ không có bộ môn nào dễ ví dụ và hình dung như các môn võ thuật đối kháng. Ngay trong phạm vi Việt Nam, việc thi đấu các môn phổ biến như Quyền Anh, Muay Thái, Kickboxing, Judo, Karate, Taekwondo... đều được chia từ cấp Thành phố (thậm chí thấp hơn nữa là cấp Quận!), rồi mới đến cấp độ Quốc gia, rồi Khu vực (Đông Nam Á, châu Á) và Thế giới.

Ngay trong chính một đẳng cấp, các môn võ còn chia ra hạng cân hoặc hạng đai (như Jiujitsu). Về lý thuyết và cả thực tế, dù cả hai võ sĩ cùng một đẳng cấp (chẳng hạn Quốc gia), nhưng lệch nhau 15kg, có lẽ chúng ta đã không cần phải thi đấu nữa. 15kg đó đã là một sự chênh lệch cực kỳ lớn về uy lực đòn thế, khả năng áp đặt kỹ thuật...

Trong thi đấu võ thuật, hạng cân và đẳng cấp quyết định gần như tất cả.

Rõ ràng, khái niệm "đẳng cấp" được tồn tại là để phân tầng làng thể thao, giữ cho mọi trận đấu trở nên công bằng và cũng để định hình rõ vị trí của từng đội tuyển, từng cá nhân.

Trong khái niệm "đẳng cấp" ấy là tỉ thứ khác biệt, từ thể lực, tư duy, kinh nghiệm cho đến những thứ tưởng chừng "bé xíu" như chế độ dinh dưỡng, ăn ngủ hay thậm chí là độ chi tiết trong việc... sắp xếp giờ tập.

Thi đấu ở một đẳng cấp đòi hỏi sự tập luyện tương ứng với đẳng cấp đó. Nói thì có vẻ đơn giản lắm, bạn hãy thử tưởng tượng mỗi yếu tố trên đòi hỏi thêm một chuyên gia cho đội tuyển, khoảng thêm 10% kinh phí tập luyện và duy trì đội tuyển, bạn sẽ hiểu câu chuyện khác nhau như thế nào. Rõ ràng bạn không thể đi làm nhân viên văn phòng, ăn uống giống hệt vợ bạn, suy nghĩ hệt như bạn bè trong phòng tập, mỗi ngày đổ mồ hôi 2 tiếng và mong trở thành nhà vô địch thế giới được.

Nữ sinh Iran chơi bóng đá năm... 1950. Cũng chính từ những tấm hình như thế này mà các thiên tài thể thao Iran ra đời. Hãy nhìn xung quanh xem bao nhiêu trẻ em, thanh thiếu niên quanh bạn đang chơi đá bóng? Đấy! Đấy là một phần khác biệt của "đẳng cấp" đấy.

Iran thắng Việt Nam không phải vì đội tuyển Việt Nam yếu kém, do Văn Lâm bắt bóng hụt hay bất cứ yếu tố nào khác. Đơn giản chỉ là câu chuyện đẳng cấp. AFF Cup chẳng phải thành tích mà chúng ta "đưa tay ra là có". Là 10 năm! Là một cuộc chuyển giao gần như toàn bộ thế hệ đội tuyển để có được nó! Và nó vẫn nằm dưới ASIAN Cup một bậc.

Còn Iran? Họ đã "nhờn mặt" với các đội tuyển ASIAN Cup từ khi Việt Nam còn chật vật với câu hỏi: "Chừng nào chúng ta mới thắng người Thái?". Về lý thuyết, Iran hay Irag có những cầu thủ đã thi đấu ở nước ngoài, thậm chí đã từng có cơ hội "solo" với Messi hay Ronaldo trên sân bóng rồi.

Xin hãy nhớ rằng thế giới thể thao này không hề "phẳng", và chẳng ai muốn ngang hàng với ai cả. Tất cả đều muốn tiến lên đẳng cấp cao hơn. Việt Nam cũng vậy. Nhưng thể thao cũng không phải nơi mà chúng ta có thể xây nhà từ nóc hay thi đấu chỉ bằng "ý chí hơn người" hay bằng "người hâm mộ muốn chúng ta thắng". Việt Nam cần cả một hệ thống thể thao chuyên nghiệp và đẳng cấp hơn phía sau. Các cầu thủ Việt Nam hôm nay và tương lai phải được đá trên những sân bóng chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi (điều vốn rất bình thường ở Iran), có được đội ngũ HLV, cố vấn chuyên môn ở đủ các lĩnh vực từ dinh dưỡng đến kỹ năng bóng đá. 

Muốn thắng thành tích thì phải thắng từ nền tảng. Chúng ta vẫn có thể một trận thắng theo kiểu không ai đoán được, nhưng chừng nào thể thao Việt Nam có được nền tảng như thể thao Iran, chúng ta mới có quyền thấy khó hiểu với những trận thua. Ảnh: Giải bóng đá học sinh - sinh viên Iran.

Nền tảng phong trào thể thao Iran vốn đã tốt hơn Việt Nam rất nhiều. Không chỉ riêng bóng đá, Iran đã có những nhà vô địch Olympic, đã có các võ sĩ Quyền Anh chuyên nghiệp từ khi chúng ta còn chưa biết Hoàng Xuân Vinh hay Trần Văn Thảo là ai. Chúng ta muốn thắng họ? Chúng ta phải thắng họ từ chính điều kiện của chúng ta trước. Vì bản thân "điều kiện" cũng có chia "đẳng cấp" đấy!

Trong một thế giới không phẳng, chúng ta thắng không vì chúng ta muốn, mà vì chúng ta xứng đáng với đẳng cấp của mình. Và Việt Nam cần rất nhiều thứ cho một trận đấu mà chúng ta có quyền đặt mình ngang hàng với Iran.

Tin cùng chuyên mục
Video
Có thể bạn quan tâm
Xem thêm

CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

Cơ quan chủ quản: CÔNG TY CỔ PHẦN NỘI DUNG THỂ THAO VIỆT

79 Hàng Trống, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội.

Văn phòng giao dịch: 269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội

Điện thoại: 024.32669666

Email: info@vietcontent.com.vn

VPĐD tại TP. Hồ Chí Minh Số 16A, đường Lê Hồng Phong, P.12, Q.10, TP.HCM

Điện thoại: 028 6651 2019

GP số: 230/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 10/05/2016.

Người chịu trách nhiệm nội dung: Bà Bùi Thu Hường

Thỏa thuận chia sẻ nội dung. Chính sách bảo mật

Báo giá quảng cáo: tải tại đây

Liên hệ quảng cáo, truyền thông, hợp tác kinh doanh: 0912 075 444

Email: kinhdoanh@sport24h.com.vn

269 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ, Hà Nội