Phân tích chuyên sâu: Trò chơi cự ly trong võ thuật đối kháng (Kỳ 1: Giới thiệu trò chơi cự ly)
Nhờ cự ly mà Anderson Silva trở nên cực kỳ khó đoán, cũng nhờ cự ly mà Conor McGregor đi lên đỉnh cao. Vậy họ đã kiểm soát cự ly bằng cách nào? Cự ly là gì mà tại sao lại hữu dụng như thế?
Kiểm soát cự ly là một kỹ năng mà hầu như mọi võ sĩ xuất chúng đều sở hữu. Dù cho bạn là một võ sĩ chọn lối chơi tạo áp lực hay một tay nhấp nhả chuyên tỉa điểm, kiểm soát cự ly là một điều tối quan trọng để leo lên đỉnh cao.
Để nói về việc giữ cự ly, Bánh Mì sẽ lấy ví dụ từ hai tay đấm đình đám là Anderson Silva và Conor McGregor - vốn là những võ sĩ có khả năng counter và kiểm soát cự ly tốt. Những võ sĩ counter tốt sẽ là những ví dụ dễ nhận biết hơn về việc kiểm soát cự ly.
Hiểu về cự ly
Để có thể thuần thục trò chơi cự ly, võ sĩ phải nắm rõ được tầm với, bước chân của mình và của đối thủ. Một cao thủ của trò chơi cự ly sẽ là kẻ luôn giữ được bản thân đứng ngay tại giới hạn mức cự ly an toàn cho mình.
Ở hình động trên, ta thấy rõ ràng Anderson Silva luôn duy trì một cự ly nhất định, nơi mà nếu đứng yên ra đòn thì chỉ "gần trúng" trong khi lao đến thì lại rơi ngay vào tầm đánh của Anderson Silva. Đây là ví dụ điển hình nhất cho việc hiểu cự ly. Nhờ vào việc hiểu rõ cự ly mà đối thủ có thể ra đòn, Anderson Silva chỉ việc đứng chờ tại một vị trí thích hợp để counter.
Cũng như trong ảnh động này, Conor McGregor đã đứng ở một cự ly rất "mời gọi" đối thủ của mình. Eddie Alvarez đã bị mắc bẫy, anh nhào đến vì nghĩ rằng mình có thể đánh trúng được Conor nhưng không phải. Conor chỉ cần lui một bước nhẹ là Eddie Alvarez bị quá tầm với dẫn đến mất thăng bằng - thời cơ để Conor McGregor ra đòn phản công.
Bạn hãy để ý thật kỹ, ngay sau khi Conor McGregor trở về cự ly tấn công, cả anh và Eddie Alvarez đều ở một vị trí rất gần nhau. Thứ khác biệt duy nhất đó chính là thăng bằng, Conor McGregor vẫn duy trì được thăng bằng tuyệt đối trong khi Eddie Alvarez vẫn còn đang theo đà của cú đấm với vừa rồi.
Trò chơi cự ly đỉnh cao
Đây là pha ứng dụng về cự ly cực kỳ xuất sắc của Conor McGregor. Tại cú đấm đầu tiên, Conor McGregor phải "với" rất xa do đó Eddie Alvarez có thể dễ dàng tránh né. Cú đấm thứ hai cũng ở một cự ly xa như vậy, tạo cho Alvarez một cảm giác an toàn không có thật. Chỉ cho đến khi tung ra cú đấm thứ ba, Conor McGregor mới bước vào cự ly đánh.
Hai đòn đánh đầu chủ yếu là để phục vụ hai mục đích, tạo cảm giác sai lệch về cự ly cho Eddie và thúc ép Eddie phải đứng tại chỗ để tránh né thay vì tiếp tục lùi ra khỏi tầm đánh.
Chiến thuật này thậm chí còn đánh bại cả bậc thầy cự ly Anderson Silva. Trong ảnh động này, hãy thật chú ý vào bước chân của Chael Sonnen. Khác với Yushin Okami, Chael Sonnen trong khoảnh khắc này không liều lĩnh nhảy ngay vào cự ly đánh để ăn thua đủ với Anderson Silva.
Khi tung đòn Jab, Sonnen không hề lao đến hòng đánh trúng, thay vào đó anh đánh một đòn "rướn" hết cỡ nhưng vẫn giữ thăng bằng, sau đó Sonnen mới rút ngắn cự ly để tung ra đòn tay sau. Khi đánh đòn tay sau Sonnen đã thật sự bị cuốn theo đà của cú đấm nhưng đòn đấm này đã bay trúng đích do đó Gangster Mỹ vẫn an toàn.
Sau khi giật người về để tránh đòn jab, Anderson Silva đã bước đến giới hạn cự ly của mình, không thể lùi thêm được nữa vì sẽ mất thăng bằng (nếu lùi hoặc ngả người nữa sẽ bị ngã). Trong khi đó, Sonnen mới ung dung tiến tới bước vào tầm đánh.
(Còn tiếp) Kỳ 2: Trò ảo giác cự ly