5 án phạt tấu hài nhất trong lịch sử NBA
Tại một giải đấu chuyên nghiệp và có tính kỷ luật cao như NBA vẫn luôn có những tình huống án phạt hài hước khó quên.
Darrell Armstrong và Redskins
Vào tháng 12/2005, Dallas Mavericks đã phạt thành viên Darrell Armstrong 1 nghìn USD vì việc cướp micro trong trận đấu giữa Mavericks với Timberwolves và hét lên: “Thế còn Redskins thì sao!”. Có lẽ tới đây cũng không nhiều người hiểu được câu nói của Armstrong có liên quan gì tới NBA, do quả thật cầu thủ này đã có cảm xúc dâng trào sai mọi mặt, kể từ thời điểm cho tới bối cảnh.
Chuyện là tại ngay thời điểm đó, trong khuôn khổ giải bóng bầu dục nhà nghề Mỹ, Dallas Cowboys vừa để thua Washington Redskins, đội bóng yêu thích của Armstrong. Do vậy, anh đã hét lên như thể đòi quyền ăn mừng cho Redskins mà quên mất chuyện thắng thua của bóng bầu dục chẳng liên quan gì tới một trận bóng rổ.
Quan trọng hơn, đội bóng bầu dục của cùng thành phố Dallas, nơi Armstrong đang sinh sống và thi đấu cũng vừa phải chịu thất bại. Vì lẽ đó mà Dallas Mavericks đã lấy 1 nghìn USD tiền phạt của Armstrong để nộp vào quĩ từ thiện của Dallas Cowboys như một sự nhắc nhở cho tinh thần trọn vẹn hướng về Dallas.
Đội quân đo quần
Cựu chủ tịch David Stern từng có một luật cấm gây tranh cãi nhằm phục vụ cho phong trào cải thiện hình ảnh của giải đấu. Ông gần như cấm hầu hết mọi thứ văn hóa hip-hop xuất hiện trong trang phục chính thức của NBA vào năm 2005. Có tổng cộng 13 nạn nhân đã bị dính phạt trong đợt khép chặt này vì lỗi mặc quần đấu dài quá đầu gối!
Ngoài ra, các đội bóng chủ quản của các cầu thủ cũng phải chịu phạt 50 nghìn USD cho mỗi vi phạm. Philadelphia Sixers là đội thiệt hại nhất khi phải nộp tổng chi phí 200 nghìn USD cho Allen Iverson, John Salmons, Kyle Korver và Kevin Ollie. Vào thời điểm đó, NBA thật sự có một Ủy ban chuyên trách để soi thật kỹ các lỗi vi phạm bằng cách quan sát trên sân cũng như từ băng ghi hình.
Thậm chí, còn có tin đồn về việc Allen Iverson bị nhân viên NBA xông vào phòng thay đồ để đo chiều dài quần đấu. Xét theo quan điểm nhiều người lúc đó thì luật cấm này dường như khá vô lý.
Khi lãnh đạo lỡ miệng
Hè năm 2010, Minnesota Timberwolves từng có kỳ vọng sẽ mang về Michael Beasley. Giám đốc điều hành David Kahn, một tay lão luyện trong công việc cũng mắc một sai lầm ngớ ngẩn khi ông tự cho biết cảm nghĩ về quá khứ của cựu pick 2 NBA Draft 2008 rằng: “Beasley vẫn còn rất trẻ và là một cậu nhóc chưa trưởng thành, người vẫn còn xài quá nhiều marijuana (cần sa)”.
Vấn đề là đoạn chia sẻ trên được phát biểu trong một cuộc phỏng vấn công khai trên sóng radio khiến nó ngay lập tức bị chú ý và mổ xẻ. Có điều, Kahn xử lý khủng hoảng cũng không thực sự sáng suốt.
Thay vì phủ nhận, ông lại nói: “Beasley có hút cần sa nhưng giờ không còn hút nữa và mọi thứ chỉ như trò đùa thôi.” Những phát ngôn kỳ quặc của Kahn đã khiến ông bị phạt 50 nghìn USD bởi giải đấu NBA.
Cười cũng bị phạt
Một câu chuyện khác tương đối nổi tiếng xảy ra giữa huyền thoại Tim Duncan của San Antonio Spurs với trọng tài kỳ cựu Joey Crawford. Một ngày nóng giận cực điểm của trọng tài Crawford khi ông thổi 4 lỗi kỹ thuật chỉ trong 10 phút 11 giây đầu trận, dẫn tới các tình huống truất quyền chỉ đạo của HLV Don Nelson và trợ lý Del Harris bên phía Dallas Mavericks.
Sau đó, ông tiếp tục giành cho Tim Duncan 2 lỗi kỹ thuật liên tiếp dù ngôi sao Spurs chỉ đang ngồi nghỉ trên băng ghế ngoài sân đấu. Theo góc nhìn của Crawford thì Duncan đã có hành vi “cười đểu và mỉa mai các trọng tài”. Nhưng dường như theo băng ghi hình cho thấy thì Duncan vẫn luôn nở nụ cười khá dễ chịu trong suốt thời gian này. Kết quả, Duncan bị đuổi khỏi sân do dính lỗi kỹ thuật kép và nhận thêm án phạt 25 nghìn USD.
Tình huống bị đuổi khỏi sân của Tim Duncan.
Đáng nói, sau trận đấu, bản thân trọng tài Crawford cũng bị chính cựu chủ tịch NBA David Stern kỷ luật đình chỉ do lỗi khiêu khích cầu thủ. Theo Duncan cho hay: “Ông ấy (Crawford) nhìn về phía tôi và nói ‘Có muốn đánh nhau không? Có muốn không?’. Nếu ông ấy muốn đánh nhau, chúng tôi có thể đánh nhau. Tôi không có bất cứ vấn đề gì với ông ấy cả, nhưng chúng tôi có thể đánh nhau nếu ông ấy muốn. Tôi cũng không hiểu vì sao mà ở ngay giữa trận đấu, ông ấy lại la lên như thế với tôi”.
Một thời gian sau, chính Crawford cũng chính thức gửi lời xin lỗi tới Tim Duncan, thừa nhận thời điểm nóng giận vô lý của mình.
Nên biết kiềm chế với cả các phóng viên
Sau một trận thua có cách biệt lớn vào năm 2005, cầu thủ Orlando Magic Stacey Augmon không có tâm trạng tốt để tiếp chuyện với giới truyền thông. Vì vậy, anh đã bỏ qua phần trả lời các câu hỏi sau trận đấu. Rõ ràng, về phương diện cá nhân, Augmon được quyền làm vậy.
Chỉ có điều, anh cũng khó chịu lây sang việc đồng đội của mình đáp lời giới truyền thông. Khi một phóng viên hỏi đồng đội Steve Francis rằng “liệu bánh xe đã ngừng quay?”, Augmon ngay lập tức đã nổi điên. Anh liên tục nhấn mạnh rằng “đó là một câu hỏi ngớ ngẩn”.
Cho tới khi phóng viên kia cảm thấy khó chịu và quay ra nhắc nhở thực tế rằng chính Francis mới đang là người được hỏi thì Augmon đã đứng lên, đập và ném một chai kem dưỡng da văng qua phòng thay đồ. Chai kem đập trúng người của một phóng viên khác đứng phía sau, nổ tung và bắn ra khắp xung quanh.
Augmon sau đó bị đình chỉ thi đấu một trận và theo thông báo đã tự bỏ tiền túi để mua đền cho người phóng viên kém may một bộ đồ mới bằng vải Ý xịn.