Dream Team - Khái niệm đội hình trong mơ hay sư phụ của Super Team
Cho dù NBA đang bước vào kỷ nguyên của những Super Team, đừng quên rằng Charles Barkley từng nói không có gì đại diện cho nước Mỹ tốt hơn là Dream Team 1992. Vậy Dream Team là gì?
Sự khác biệt với các tuyển Olympic Mỹ trước đó
Dream Team là biệt danh của đội tuyển bóng rổ Mỹ tham gia Olympic năm 1992. Đây cũng là đội tuyển Mỹ đầu tiên bao gồm cả những cầu thủ đang chơi tại giải bóng rổ NBA.
Trước năm 1992, chỉ có những cầu thủ nghiệp dư mới được cho phép thi đấu tại môn bóng rổ nam tại Olympic. Tuy nhiên, lấy ví dụ như Liên Bang Xô Viết, đại diện Châu Âu đã gửi tới Olympic một đoàn thể bao gồm các vận động viên mang danh nghĩa là học sinh, lính chiến, hoặc làm các nghề chuyên môn, nhưng nhiều người trong số họ thực chất được nhà nước trả lương để huấn luyện thể thao toàn thời gian.
Và bởi những uẩn khúc bí mật phía sau khái niệm nghiệp dư, nhiều quốc gia đã lên tiếng ủng hộ việc cho phép các cầu thủ chuyên nghiệp được thi đấu tại kỳ Thế vận hội nhằm tạo ra sự công bằng.
Borislav Stankovic của FIBA ủng hộ ý kiến này trong nhiều năm và cuối cùng đã nhìn thấy nó trở thành sự thật. Olympic 1992 tại Barcelona, Tây Ban Nha đã trở thành dấu mốc đặc biệt như vậy.
Đội hình trong mơ
Tại thời điểm diễn ra Olympic 1992, đội hình gồm toàn siêu sao của đội Mỹ tính theo từng cá nhân đã đại diện cho 10 danh hiệu vô địch NBA, 7 danh hiệu MVP Chung kết, 8 danh hiệu MVP mùa giải, 6 danh hiệu vua ghi điểm toàn giải đấu. Các thống kê trên đã cho thấy tập hợp nhân tài này tuyệt vời đến thế nào.
Ngay sau khi giành thắng lợi trong yêu cầu để các cầu thủ chuyên nghiệp góp mặt, phía liên đoàn bóng rổ Mỹ đã lập tức tìm nguồn cung cấp cầu thủ từ NBA.
Các đặc phái viên trong đó có Rod Thorn được cử đi làm việc và tiến hành ra quyết định bàn bạc lựa chọn những cái tên đại diện cho nước Mỹ cho lần hội quân huyên náo nhất.
Mười cầu thủ đầu tiên của đội được chính thức chọn vào ngày 21/9/1991 bao gồm Michael Jordan và Scottie Pippen của Chicago Bulls, John Stockton và Karl Malone của Utah Jazz, Magic Johnson của Los Angeles Lakers, Larry Bird của Boston Celtics , Patrick Ewing của New York Knicks, Chris Mullin của Golden State Warriors, David Robinson của San Antonio Spurs và Charles Barkley của Philadelphia 76ers.
Hầu hết các cầu thủ đều ở đang ở giai đoạn đỉnh cao phong độ của họ tại. Riêng trường hợp Magic Johnson hơi đặc biệt vì ông đã nghỉ hưu ở Lakers vào tháng 11/1991 do có kết quả dương tính với HIV.
Các đồng đội không phải ai cũng ủng hộ sự lựa chọn này nhưng Magic đã mô tả quyết định của mình cho Thế vận hội như "sự cứu rỗi cuộc đời", bằng chứng để tạo động lực cho những ai đang chống chọi với bệnh tật và muốn sống một cuộc đời ý nghĩa.
Trong đội hình này, Ewing, Jordan, và Mullin đã giành được huy chương vàng ở các trận đấu năm 1984 nhưng nhiều cầu thủ khác đều rất nghiêm túc khi nghĩ về sứ mệnh giành huy chương vàng năm 1992.
Clyde Drexler của Portland Trail Blazers và Isiah Thomas của Detroit Pistons là những ứng viên cho vị trí chuyên nghiệp cuối cùng. Drexler đã được bổ sung vào đội vào ngày 12 tháng 5 năm 1992, cùng với Christian Laettner, đại diện cho cấp Đại học. Laettner trở thành cầu thủ duy nhất không phải chuyên nghiệp.
Trước đó, hiếm ai nghĩ Laettner tại vượt qua Shaquille O’Neal (pick 1 NBA Draft năm 1992) trong cuộc tuyển chọn. Đội hình đã chốt xong với bộ đôi Bird - Magic trở thành đồng đội trưởng.
Isiah Thomas bị ném ra ngoài cuộc chơi
Nhiều câu chuyện ngoài lề đều cho rằng Isiah Thomas - hậu vệ đỉnh cao của Detroit Pistons đã không được gọi vào Dream Team do áp lực từ phía Michael Jordan.
Trong cuốn Dream Team, tác giả Jack McCallum trích dẫn câu nói của Jordan: "Rod, tôi không muốn chơi nếu Isiah Thomas có trong đội". Rod ở đây chính là Rod Thorn, người có trách nhiệm lựa chọn lực lượng cho đội tuyển bóng rổ Mỹ năm đó.
Có niềm tin vững chắc vào việc Jordan không thích Thomas vì ông được coi như trùm sò của Detroit Pistons cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, một tập thể có biệt danh là "Bad Boys (Những gã hư hỏng)".
Chính Thomas cũng tạo ra khái niệm “Luật Jordan”, gồm những phương pháp để các cầu thủ Pistons đối phó với riêng Michael Jordan, người đang có phong độ ghi điểm cực kỳ khủng khiếp tại giải bóng rổ NBA. Vấn đề ở chỗ các phương pháp này bao gồm cả những mánh khóe rất khó chịu.
Thomas cũng bị cáo buộc là đã dẫn đầu một nhóm các ngôi sao từng từ chối chuyền bóng cho Jordan trong trận đấu NBA All-Star năm 1985, cũng là mùa giải tân binh của Jordan.
Magic Johnson từng tuyên bố rằng ông đã chính thức tác động hỗ trợ cho Thomas rất nhiều. Nhưng nhiều năm sau, rất nhiều người phát hiện ra rằng sự ủng hộ của ông ít nhiệt tình hơn so với những gì đã nói.
Trong cuốn sách When the Game are Ours, Magic Johnson có nói: "Isiah đã tự giết chết cơ hội của mình tại Thế vận hội. Không ai trong đội hình đó muốn chơi bóng cùng ông ấy”.
Hành trình tới Huy chương Vàng
Ngay sau khi đội tuyển công bố toàn bộ số lượng thành viên, Sports Illustrated là bên báo chí đầu tiên đặt cho họ biệt danh Dream Team (đội bóng trong mơ) với dòng chữ rất to tại bìa tạp chí ngày 18/02/1991. Từng có rất nhiều tổ chức muốn nhảy vào tài trợ để tranh thủ quảng bá cho sản phẩm của mình nhưng đã bị từ chối.
Trên hành trình chinh phục vinh quang, Liên đoàn bóng rổ Mỹ không muốn năm đầu tiên xuất quân với lực lượng chuyên nghiệp mà lại gặp trắc trở. Họ tiến hành những sự kiện thi đấu cọ xát và thử nghiệm nhằm tạo đà chuẩn bị tốt nhất trước thềm Olympic 1992. Từng có một câu chuyện truyền kỳ về trận thua đầu tiên của Dream Team.
Đối thủ tập huấn đầu tiên của Dream Team được gọi là NCAA All-Stars, một tập hợp của những cầu thủ xuất sắc nhất tại NCAA. Kết quả cuối cùng, Dream Team đã bị thua với tỉ số 54-62 dù trước đó từng có thái độ khinh thường đối thủ.
Trợ lý Mike Krzyzewski về sau đã hé lộ về việc HLV trưởng Chuck Daly đã cố tình làm hỏng trận đấu để dạy cho các cầu thủ trong đội một bài học “rằng họ vẫn có thể bị đánh bại” và sứ mệnh vàng tại Olympic không thể dung thứ bất kỳ thái độ khinh nhờn nào.
Và khi bước vào Olympic 1992 tại Barcelona, đội bóng của Krzyzewski đã thể hiện sức mạnh vô đối của họ với các thắng lợi với cách biệt trung bình 44 điểm và giành huy chương vàng sau trận chung kết thắng Croatia.
Di sản
Cho tới nay, đội hình Dream Team 1992 vẫn được rất nhiều các nhà báo mô tả như đội bóng thể thao vĩ đại nhất từng được tập hợp. Sảnh Danh Vọng Naismith gọi đây là bộ sưu tầm các tài năng bóng rổ vĩ đại nhất hành tinh.
Charley Barkley nói rằng: “Tôi không nghĩ có điều gì tốt hơn có thể đại diện cho quốc gia.”. Larry Bird gọi cuộc hội quân năm 1992 là trải nghiệm có một không hai. Magic Johnson còn thừa nhận Dream Team 1992 là khoảnh khắc tuyệt vời nhất trong cuộc đời bóng rổ của ông.
Jordan cho ra một phát biểu gây sốc hơn khi nói rằng sự kiện năm đó là bước ngoặt lớn nhất giúp ông hiểu được kỹ lưỡng những điểm yếu của các đồng đội tại tuyển Mỹ. Jordan về sau đã đánh bại Barkley, Karl Malone và John Stockton trong 3 lần gặp nhau tại chung kết NBA.
11 trong số 12 cầu thủ (trừ Laettner) và 3 trong số 4 huấn luyện viên (trừ Carlesimo) đều được tôn vinh trong Sảnh Danh Vọng Naismith.
Tuy nhiên, Kobe Bryant và LeBron James tin rằng thế hệ Olympic 2012 của họ có thể giành chiến thắng trước Dream Team. Bryant nói: "Họ ở tầm tuổi già hơn khi ở thời điểm gần kết thúc sự nghiệp, chúng tôi lại có một loạt những gương mặt trẻ trung, những người luôn giàu sức cạnh tranh”.
Jordan đã bình luận về nhận định của Kobe như sau: "Đối với Bryant, việc so sánh hai đội hình không phải điều thông minh nhất mà anh ấy có thể làm... Hãy nhớ rằng, họ đã học được từ chúng tôi, chúng tôi không học hỏi gì từ họ". Còn Larry Bird lại nói đùa: "Có thể họ làm được, tôi đã không chơi bóng trong 20 năm và bây giờ chúng tôi đều đang rất già”.