Enes Kanter công khai chỉ trích LeBron James, tiện tay “đánh” Nike vì Trung Quốc
Trước trận đấu giữa Boston Celtics và Los Angeles Lakers diễn ra sáng mai (ngày 20/11 theo giờ Việt Nam), trung phong đội bóng chủ sân TD Garden đã tận dụng để lên tiếng chỉ trích LeBron James.
Cụ thể hơn, Enes Kanter đã sử dụng Facebook để gọi LeBron là “kẻ ham tiền", ưu tiên thu nhập hơn những thứ quan trọng khác như nhân quyền và lẽ phải ở Trung Quốc.
Cũng ở trong bài đăng, Kanter đã tiện tay chỉ trích Nike về việc bóc lột lao động tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
“Tiền bạc quan trọng hơn tất cả đối với ‘nhà vua'. Thật buồn và ghê tởm khi thấy những vận động viên này đang giả vờ quan tâm đến các vấn đề xã hội. Họ đã thực sự im lặng khi sếp lớn bảo thế (đi kèm với icon cờ Trung Quốc)", Kanter viết trên bài đăng.
Rõ ràng trung phong người Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc LeBron James và cả NBA đã cố tình im lặng khi chứng kiến sự bất công xã hội ở Trung Quốc.
Lý do anh ám chỉ là vì LeBron hay Nike và NBA sợ đánh mất thị trường có tiềm năng lên đến nhiều tỷ đô la Mỹ.
Suốt nhiều năm qua dù thi đấu cho đội bóng nào tại NBA, Enes Kanter vẫn luôn lên tiếng về các vấn đề về nhân quyền.
Anh tập trung đặc biệt về phía Trung Quốc và so sánh hành động của các ngôi sao hay nhãn hàng lớn giữa tại nước Mỹ với đất nước tỷ dân.
Hồi cuối tháng 10, Kanter đã tweet rằng anh sẵn sàng đặt máy bay riêng cho ông chủ Nike Phil Knight để “đến thăm các nhà xưởng gia công giày cho Nike tại Trung Quốc, trực tiếp chứng kiến những gì đang diễn ra".
Trung phong người Thổ Nhĩ Kỳ còn đưa cả Jordan Brand và huyền thoại Michael Jordan vào cuộc nói chuyện.
Hai năm trước, LeBron James đã hứng chịu làn sóng phản ứng của dư luận vì không lên tiếng về vấn đề nhân quyền có liên quan đến Trung Quốc, trái ngược với hình ảnh thường thấy của “nhà vua".
Enes Kanter nói thêm rằng James đã không kêu gọi mọi người tiêm vắc xin COVID-19 vì bản thân LeBron ban đầu cũng do dự, không tham gia tiêm chủng sớm.
Về việc sử dụng nhân công giá rẻ, Nike đã chịu chỉ trích nhiều năm qua với các cáo buộc đối xử không tốt người lao động và bóc lột dù đã trả lương thấp, đặc biệt là ở châu Á.