Những cầu thủ có vinh dự được treo áo bởi nhiều đội bóng (Kỳ 2)
Giải bóng rổ NBA đã trải qua 70 năm tồn tại nhưng số lượng cá nhân được treo áo tôn vinh bởi 2 đội bóng hoặc hơn là rất hiếm.
Sau 5 cái tên đầu tiên, 5 gương mặt tiếp theo trong số những cầu thủ có vinh dự được treo áo bởi 2 đội bóng hoặc hơn sẽ rất quen thuộc với giới hâm mộ giải bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Kareem Abdul-Jabbar
Rất dễ đoán cho trường hợp của Kareem Abdul-Jabbar khi cả sự nghiệp lẫy lừng của ông chỉ gắn liền với Milwaukee Bucks và Los Angeles Lakers. Ở mỗi đội, trung phong huyền thoại đều duy trì phong độ ghi điểm khủng khiếp và không quên mang về cho đội nhà những danh hiệu vô địch, điều không phải ai cũng có thể làm được.
Lakers làm lễ treo áo cho Kareem vào năm 1990. Cũng tại đây, Kareem đã giành được 5 chức vô địch, 3 danh hiệu MVP, 12 lần tham dự All-Star và có tổng điểm ghi được cao nhất trong lịch sử giải đấu ở thời điểm về hưu.
Tới năm 1993, tới lượt Bucks vinh danh số áo 33 của Kareem sau 1 danh hiệu vô địch mà ông mang về cho đội bóng. Bucks từ một tập thể non trẻ tại NBA, chỉ sau 1 năm có cơ may pick được Kareem đã lập tức trở thành thế lực tại NBA những năm 70.
Nhờ có Kareem với vai trò lính mới lương rẻ, Bucks dễ dàng có thêm được nhiều hảo thủ khác như Oscar Robertson hay Bob Lanier để duy trì thế hùng mạnh của họ trong nhiều năm.
Bob Lanier
Có tên thật là Robert Jerry Lanier Jr, Bob Lanier đã thi đấu 14 mùa tại giải bóng rổ NBA trong 2 màu áo Detroit Pistons và Milwaukee Bucks. Tính cả sự nghiệp, ông đạt trung bình 20 điểm cùng 10 rebound trong khi có hiệu suất FG 51,4%.
Lanier 8 lần góp mặt trong NBA All-Star và có vinh dự được trao thưởng MVP All-Star vào năm 1974. Năm 1992, ông vượt qua vòng bầu chọn kỹ lưỡng để xuất hiện trong Sảnh Danh Vọng Naismith. Số áo 16 của Lanier được tôn vinh bởi cả 2 đội bóng mà ông từng cống hiến khi còn là cầu thủ.
Liên quan tới Lanier, huyền thoại Kareem Abdul-Jabbar từng hé lộ một câu chuyện vui như sau. Được biết, Lanier thường có thói quen hút thuốc trong suốt thời gian nghỉ giữa hiệp. Kareem từng nhiều lần khuyên răn Lanier thời họ còn là đồng đội với nhau tại Milwaukee Bucks nhưng Lanier đều bỏ ngoài tai.
Vậy nên Kareem nghĩ ra cách thức tỉnh hiệu quả nhất đó là cố ý bắt Lanier chạy thật nhiều ở nửa hiệp sau. Đương nhiên, với tác hại của khói thuốc, việc chạy nhiều trở thành cực hình dành cho Lanier và ông buộc phải tiết chế bớt thói quen hút thuốc của mình.
Clyde Drexler
Drexler chơi cho 2 đội bóng trong thời gian thi đấu chuyên nghiệp và cả 2 đều là những tập thể hùng mạnh từng làm mưa làm gió tại NBA.
Portland Trail Blazers, đội bóng đầu tiên từng pick được Drexler ở vị trí 14 tại NBA Draft 1983. Đây cũng được cho là thương vụ hời trong lịch sử Portland bởi chỉ mất có 2 năm để Drexler trở thành NBA All-Star.
Mất 5 năm để cầu thủ tuyệt vời này biến Portland thành thế lực tại NBA với 2 lần tiến vào chung kết giải đấu cùng nhiều lần tiến sâu trong cấp khu vực. Năm 1992, Drexler có mặt trong đội hình Dream Team giành được huy chương vàng tại Olympic Barcelona.
Năm 1995, Drexler nhận được lời mời ó từ người bạn thân Hakeem Olajuwon và ngỏ ý muốn ra đi với ban lãnh đạo Portland. Ngay lập tức, phía Portland tỏ ra nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ quyết định của Drexler nhằm tạo điều kiện giúp ông kiếm được nhẫn vô địch.
Thương vụ Drexler diễn ra chỉ vài ngày trước khi thị trường chuyển nhượng năm 1995 khép lại với tâm thế tiễn chân rất êm ả và xúc động của Portland dành cho người hùng của họ. Và trong lần góp mặt thứ 3 tại chung kết NBA và cũng là lần cuối cùng trong đời, Drexler đã ghi trung bình 21,5 điểm, 9,5 rebound và 6,8 assist (kiến tạo) để giúp Rockets trở thành đội mạnh nhất NBA năm thứ 2 liên tiếp.
Michael Jordan
Khi vua bóng rổ trở lại Chicago Bull ở mùa giải 1994-95, ông tạm thời không được sử dụng ngay số áo 23 do nó đã được treo lên tại UnitedCenter.
Khi Jordan tuyên bố giải nghệ lần thứ nhất vào năm 1993, thì tới năm 1994, Chicago Bulls đã làm lễ treo áo cho ông vào tháng 11. Khi Jordan muốn dùng lại số áo 23, ông phải chờ tới mùa giải 1995-96 sau đó. Thời điểm treo áo tới nay vẫn được tính cho năm 1994.
Bất ngờ tiếp theo nằm ở đội bóng thứ 2 treo áo cho Jordan. Một cái tên đi ngoài dự đoán đó là Miami Heat chứ không phải Washington Wizards. Điểm đặc biệt, Jordan đã trở thành cầu thủ đầu tiên được treo áo bởi một đội bóng mà ông thậm chí chưa có tới 1 ngày khoác áo.
Nguyên nhân bởi ông chủ của Heat, Pat Riley, thầy cũ của Jordan, đã ra quyết định tôn vinh áo đấu của Jordan như sự ghi nhận tầm ảnh hưởng vĩ đại của vua bóng rổ đối với giới thể thao.
Trong lịch sử Heat chỉ có 4 lần treo áo bao gồm số 10 của Tim Hardaway, số 23 của Michael Jordan, số 32 của Shaquille O’Neal và số 33 của Alonzo Mourning.
Wilt Chamberlain
Siêu nhân Chamberlain là cầu thủ duy nhất được treo áo bởi 3 đội bóng khác nhau tại giải bóng rổ NBA. Đội bóng đầu tiên treo áo cho Chamberlain là Los Angeles Lakers vào tháng 11 năm 1983.
Philadelphia Sixers tiếp bước vào tháng 3 năm 1991 và Golden State Warriors là đội cuối cùng vào tháng 12 năm 1999. Tất cả đều tôn vinh áo đấu số 13 của Chamberlain.
Xét về thành tích khi kết thúc sự nghiệp, Chamberlain không sở hữu số lượng danh hiệu tập thể đồ sộ như Kareem nhưng ông lại là chuyên gia trong việc tạo lập những kỷ lục cá nhân.
Chamberlain từng có 7 lần trở thành vua ghi điểm NBA, 11 lần vua rebound, một lần vua kiến tạo và đến nay vẫn nắm giữ những kỷ lục chưa thể bị phá trong giải đấu.
Dù ở đội bóng nào, trung phong này vẫn luôn duy trì được phong độ đáng gờm của mình và đó là lí do vì sao Chamberlain lại được coi như huyền thoại ở bất kỳ đâu. Ngoài ra, Chamberlain mặc dù được biết đến với tính cách rụt rè thời trẻ tuổi nhưng lại nổi tiếng với khả năng thu hút phụ nữ.