Top 5 huyền thoại triple-double của NBA: Chưa xướng tên Westbrook
Vừa nới rộng cách biệt với LeBron bằng triple-double thứ 48 trong sự nghiệp, Russell Westbrook vừa áp sát chuỗi 7 triple-double kỳ diệu của Michael Jordan, nhưng vẫn còn hành trình rất dài để chen vào Top 5 triple-double huyền thoại của giải bóng rổ NBA.
Với những ai chưa hiểu về khái niệm triple-double thì đó là thành tích dành cho các cá nhân thực hiện được 3 chỉ số trên 10 trong số 5 lĩnh vực của bóng rổ là ghi điểm, assists (chuyền thành điểm), rebounds (bắt bóng bật bảng), blocks (cản bóng) và steals (cướp bóng).
Tại sao thành tích triple-double lại tỏ ra quan trọng? Lí do bởi nó thể hiện được rõ nét vai trò cá nhân của một cầu thủ đối với sự thúc đẩy của toàn đội bóng. Việc đạt được triple-double trong một trận đấu không hề đơn giản.
Một cầu thủ có được thành tích này đều đặn thì ngoài năng lực cá nhân cao còn cho thấy anh ta là một con người năng nổ và có tinh thần thi đấu không biết mệt mỏi, luôn đóng vai trò bao quát đối với đội bóng.
Ở giải NBA - đấu trường bóng rổ khốc liệt nhất thế giới, việc đạt được nhiều triple-double lại càng khó khăn. Hiện tại, Westbrook đang trở thành tâm điểm của NBA với lần triple-doubles thứ 11 trong mùa giải vào sáng nay và là lần 48 trong cả sự nghiệp, vượt qua cả LeBron James mới có 46.
Tuy nhiên, lịch sử giải bóng rổ NBA từng ghi lại những con số gây kinh ngạc hơn được thực hiện bởi 5 cầu thủ nay trở thành huyền thoại.
5. Larry Bird — 59 Triple-double
Được xem như một trong những tiền phong chính vĩ đại nhất trong lịch sử, Larry Bird đã chơi toàn bộ sự nghiệp của mình tại Boston Celtics và cùng đội bóng giành được 3 danh hiệu vô địch NBA.
Ngoài con số 59 triple-double gặt hái được trong 59 trận đấu hưng phấn, Bird còn là một trong 6 cầu thủ duy nhất trong lịch sử giải đấu đạt tỉ lệ vàng 50-40-90.
Tỷ lệ vàng ấy có nghĩa là tỷ lệ ném 2 điểm chính xác đạt 50 %, tỷ lệ ném 3 điểm chính xác đạt 40 % và 90 % thành công ở vạch ném phạt.
Ông thậm chí còn lặp lại tỷ lệ này tới 2 lần, trong mùa giải 1986-87 và 1987-88. Triple-double là 59 lần, còn double-double (ăn 2 chỉ số trên 10) thì nhiều vô kể. Gần như, Bird đều có được double-double trong từng trận đấu mà ông ra sân.
Chưa hết, ông còn là người duy nhất trong lịch sử NBA có được đồng thời 3 danh hiệu: Cá nhân xuất sắc nhất ( MVP), Huấn luyện viên của năm và Giám đốc điều hành của năm.
Với những thành tích khó tin như vậy, Bird từng được các fan ví von như một bán thần, đứa con lai giữa các vị thần và người trần.
4. Wilt Chamberlain — 78 Triple-double
Kỷ lục vĩ đại nhất của Chamberlain chính là 100 điểm ghi được trong chiến thắng 169-147 dành cho đội bóng Philadelphia Warriors của ông. Có thể nói, Chamberlain là một chuyên gia tạo kỷ lục trong thời đại NBA lúc bấy giờ.
Là một trung phong cao tới 7 feet 1 (2m16), Chamberlain là một tay cản bóng xuất sắc với rất nhiều lần có chỉ số blocks (cản bóng) trên 10 trong mỗi trận đấu.
Thế nhưng, thực tế tuyệt vời nhất khi nói về con số 78 triple-double của Chamberlain là trong số đó không có nhiều lần có mặt chỉ số block.
Bất ngờ hơn khi trong cả sự nghiệp của Chamberlain, các triple-double của trung phong nổi tiếng này lại được cấu thành chủ yếu từ 3 chỉ số: Ghi điểm, rebounds (bắt bóng bật bảng) và assists (chuyền thành điểm). Thế mới biết sức ảnh hưởng của ông đối với đội bóng lớn đến thế nào.
3. Jason Kidd — 107 Triple-double
New Jersey Nets từng là một thế lực lớn tại NBA vào những năm 2000-2005. Nhân tố quan trọng nhất giúp hình thành một trong những đội bóng có lối chơi phản công quyến rũ nhất NBA chính là ngòi nổ Jason Kidd.
Tuy là một PG (hậu vệ dẫn bóng) nhưng Kidd luôn là người thường trực dưới bảng rổ, anh tự mình bắt bóng bật bảng và cũng chính là người tung ra những đường chuyền sắc lẹm lên tuyến trên để đồng đội ghi điểm.
Không khó hiểu khi 107 triple-double của siêu sao này đều thường được cấu thành bởi 3 chỉ số: Ghi điểm, assists (chuyền thành điểm) và rebounds (bắt bóng bật bảng).
Tới nay, Kidd vẫn được đánh giá là một trong những tay chuyền bóng lợi hại nhất mọi thời đại. Trung bình mỗi lần ra sân, anh đều thực hiện được ít nhất là 9 cú assists.
Khoảng cuối thời gian sự nghiệp, Kidd đã đến được “vùng đất mơ ước” khi anh cùng với Dirk Nowitski mang về cho Dallas Mavericks chức vô địch NBA năm 2011. Trước đó, tuy đã có lúc vào đến tận chung kết, Kidd vẫn không thể mang về danh hiệu cao quý nhất dành cho Nets.
2. Earvin “Magic” Johnson, Jr. — 138 Triple-double
Magic có nghĩa là phép thuật, và Earvin Johnson có lẽ cũng là một ảo thuật gia thật sự trên sân bóng, thể hiện qua những kỹ năng và thành tích triple-double kỳ dị của ông.
Từ thời còn đi học, Johnson đã là một cái tên đáng chú ý, ông được lựa chọn như là “1st pick” của NBA draft năm 1979, đầu quân cho Los Angeles Lakers và không bao giờ chuyển sang thi đấu cho một đội bóng nào khác.
Ma thuật của ông đã giúp cho Lakers có được 5 chức vô địch NBA cùng vô số thành tích, giải thưởng cùng kỷ niệm chương. Magic Johnson cũng cùng với Larry Bird của Celtics tạo nên một cặp địch thủ huyền thoại trong lịch sử NBA.
Chính biệt danh “Magic” của ông cũng ra đời bắt nguồn từ một triple-double (36 điểm, 18 rebounds và 16 assists ) có được hồi còn chơi cho đội bóng trung học Everett.
Tài năng phi thường của Johnson tiếp tục phát triển trong quãng thời gian thi đấu tại NBA. Năm đầu tiên gia nhập Lakers, ông đã cùng với Kareem Abdul-Jabbar ngay lập tức mang về danh hiệu vô địch cho đội bóng.
Ngoài ra, ông còn là rookie (lính mới năm đầu) duy nhất từng có được danh hiệu MVP Final ( Cầu thủ xuất sắc nhất trận chung kết).
1. Oscar Robertson — 181 Triple-double
Gây sốc nhất đối với giới hâm mộ NBA chính là con số 181 triple-double do Oscar Robertson tạo nên. Robertson đương nhiên là một cầu thủ huyền thoại nhưng ông ít nổi tiếng hơn so với Magic Johnson hay Michael Jordan. Con số 181 cũng thực sự rất đáng kinh ngạc.
Làm sao để một cầu thủ có thể đạt được con số triple-double khổng lồ như vậy? Câu trả lời đến từ con số trung bình 30,8 điểm, 12,5 rebounds và 11 assists trong mùa giải về hưu của Robertson. Điều đó chứng tỏ, trong toàn bộ các mùa giải từng chơi tại NBA, không năm nào mà huyền thoại này không có được Triple-double.
Nhiều chuyên gia từng nói rằng, hiện tượng Oscar Robertson có thể sẽ không bao giờ lặp lại trong lịch sử NBA. Lính mới đỉnh nhất của năm 1961 không chỉ là cơn lốc trên sân bóng mà còn tạo nhiều ảnh hưởng lớn bên ngoài cuộc sống.
Ông là một nhân vật đặc biệt mà NBA từng có, là một con người đấu tranh không biết mệt mỏi cho các quyền dân sự và mang lại thu nhập tốt hơn cho các cầu thủ bóng rổ trong thời kỳ của ông.
Big O (biệt danh của Robertson) chơi ở các vị trí hậu vệ dẫn bóng và hậu vệ ghi điểm, con số 181 triple-double cũng thể hiện được tính linh hoạt của ông trên sân.
Nhưng dù thành tích cá nhân đầy vẻ vang, Robertson mới chỉ 1 lần giành được danh hiệu vô địch cùng đội bóng Milwaukee Bucks vào năm 1971.