Olympic 2016: Bóng chuyền bãi biển sẽ đánh đêm
Để thêm “gia vị” cho khán giả khi theo dõi môn bóng chuyền bãi biển, BTC Rio 2016 sẽ chuyển các trận đấu từ ban ngày sang buổi tối, thậm chí là khuya.
Ý định của nước chủ nhà Brazil sẽ giúp khán giả vừa theo dõi trận đấu, vừa thưởng thức những bữa tiệc đêm đúng nghĩa trên bờ biển Copacabana.
“Sẽ là một bầu không khí tuyệt vời sau mỗi trận đấu”, đại diện của Liên đoàn Bóng chuyền Quốc tế Angelo Squeo trả lời phỏng vấn Reuters: “Phong cách sôi động, thoải mái ở những bữa tiệc rất phù hợp với môn bóng chuyền bãi biển”.
Khi được hỏi liệu các VĐV có khó chịu vì phải thi đấu quá muộn, Squeo tin rằng họ còn thấy thích thú hơn vì buổi tối trời sẽ mát mẻ hơn.
Được biết bóng chuyền bãi biển là môn thể thao cực kỳ phổ biến tại Brazil, đất nước đã giành được 11 huy chương Olympic. Ông Squeo nói rằng chất lượng cát tại Copacana rất lý tưởng để tổ chức môn bóng chuyền bãi biển.
Tuy nhiên, ông cũng tiếc nuối khi tình trạng nước biển xâm thực khiến địa điểm thi đấu ở môn bóng chuyền bãi biển năm nay chỉ có sức chứa tối đa 12.000 người. Con số này ở London là 15.000 khán giả.
Kể từ khi được đưa vào chương trình thi đấu Olympic năm 1996, bóng chuyền bãi biển đã thu hút rất nhiều khán giả, không chỉ do môn này khá giống với bóng chuyền, mà còn bởi vẻ đẹp hình thể của các VĐV, đặc biệt là các VĐV nữ.
Một số điểm khác biệt cơ bản giữa bóng chuyền bãi biển và bóng chuyền trong nhà
+ Thi đấu trên mặt cát (biển hoặc nhân tạo), không phải sân cứng trong nhà.
+ VĐV có thể để chân trần thi đấu.
+ Kích thước sân bóng chuyền bãi biển (dài 16m, rộng 8m) nhỏ hơn so với sân bóng chuyền trong nhà (dài 18m và rộng 9m).
+ Sân đấu bóng chuyền bãi biển không có vạch tấn công (vạch 3 mét).
+ Bóng chuyền bãi biển có 2 VĐV so với 6 VĐV của bóng chuyền trong nhà.
+ Bóng chuyền bãi biển không được phép thay người.
+ Hệ thống tính điểm: Ở bóng chuyền bãi biển, đội nào ghi được 21 điểm trước thì thắng một set. Thắng 2 trong 3 set (set cuối tính đến 15) thì thắng chung cuộc.
+ Không được phép chạm bóng bằng lòng bàn tay.
+ Cú chắn bóng trên lưới được tính là một trong ba lần chạm bóng cho phép, trong khi bóng chuyền trong nhà thì không tính.
+ Trong trận đấu bóng chuyền bãi biển không có sự xuất hiện của huấn luyện viên.
+ VĐV được phép chạy vượt qua phần dưới của lưới sang phần sân bên kia, miễn là điều đó không ảnh hưởng đến lối chơi của đối thủ.
+ Hai đội đổi sân sau mỗi 7 điểm, thay vì mỗi set như bóng chuyền trong nhà.