Olympic 2016: Tranh cãi vấn đề lưỡng tính
Lưỡng tính là từ dùng để mô tả tình trạng cơ thể tồn tại những đặc điểm sinh học của cả nam và nữ. Trong thể thao, đây là vấn đề rất nhạy cảm và còn nhiều tranh luận.
Từ Caster Semenya…
Trong thể thao, các VĐV chỉ được phép tranh tài với một giới tính được xác định rõ ràng. Đó là vấn đề tưởng chừng đơn giản, hóa ra phức tạp. Cứ mỗi khi một sự kiện thể thao nào đó đến gần, những cuộc tranh luận xung quanh việc một VĐV giống "nam giới" được thi đấu ở nội dung của nữ, như trường hợp của Caster Semenya, lại nổi lên.
Còn nhớ cách đây 3 năm, Caster Semenya là cái tên khiến truyền thông tốn không ít giấy mực về vấn đề giới tính của cô. Tại Giải điền kinh VĐTG 2009 tại Đức, sau khi giành HCV ở cự ly 800m (bỏ xa người thứ 2 tới 20m), VĐV người Nam Phi này đã không được tham dự buổi họp báo dành cho nhà vô địch mà ngay lập tức bị Liên đoàn Điền kinh quốc tế (IAAF) đưa đi kiểm tra để xác định giới tính thật.
Sau hơn 11 tháng điều tra, IAAF kết luận cô là người lưỡng tính với kết quả xét nghiệm cho thấy Semenya có lượng testosterone (hormone nội tiết nam) cao gấp nhiều lần mức bình thường ở cơ thể nữ, đồng thời không có tử cung và ống dẫn trứng.
Trong khi IAAF chưa biết xử trí ra sao thì ở Nam Phi, Chính phủ và người dân phản đối kịch liệt việc làm của IAAF, cho rằng đó là hành động “phân biệt đối xử”, đi trái với tinh thần Olympic. Trước làn sóng phản ứng dữ đội, IAAF cuối cùng đã phải cho phép cô quay trở lại thi đấu quốc tế vào tháng 7/2010.
Kể từ thời điểm đó, rất nhiều cuộc kiểm tra giới tính ở các mức độ khác nhau diễn ra hàng năm, từ việc kiểm tra phụ khoa, nhiễm sắc thể cho đến việc xét nghiệm hormone gần đây… Tất cả nhằm xác minh xem một VĐV có đủ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế hay không.
Cũng qua vụ việc của Semenya, việc kiểm tra testosterone được coi như một biện pháp để xác định VĐV đó có mắc chứng Hyperandrogenism hay không (nữ giới có hàm lượng hormone nam cao quá mức).
Đến tháng 4/2011, IAAF đưa ra bộ luật mới cho phép những VĐV nữ có Hyperandrogenism được thi đấu, nếu lượng testosterone dưới mức 10n mol/L. Nếu vượt quá ngưỡng trên, VĐV đó sẽ phải điều trị hormone để giảm xuống mức bình thường theo quy định của IAAF.
… đến chiến thắng lịch sử của Dutee Chand
Điều luật mới này đã vấp phải rất nhiều tranh cãi khi nhiều người cho rằng chỉ dựa vào lượng testosterone để kết luận một VĐV nữ có được thi đấu hay không là thiếu công bằng và cơ sở khoa học.
Đỉnh điểm của vấn đề này đến vào tháng 7/2014 khi nữ VĐV chạy nước rút Dutee Chand đột ngột bị loại khỏi Đại hội thể thao khối Thịnh vượng chung. IAAF cho rằng Dutee vi phạm quy định Hyperandrogenism với lượng hormone nam cao quá mức cho phép. Thậm chí, Ủy ban Olympic châu Á (OCA) còn kết luận Dutee là… nam và hủy bỏ mọi thành tích của cô. Dutee bị sốc và từng suýt tự tử.
Sau khi bình tâm trở lại, Dutee đã gửi đơn kiện lên Tòa án trọng tài thể thao (CAS). Cô nói rằng mình không đáng bị trừng phạt vì những yếu tố sinh học vốn từ lúc sinh ra đã vậy, và cho rằng đây là bộ luật “trọng nam, khinh nữ”.
Tháng 7/2015, CAS xử Dutee thắng kiện, chiến thắng lịch sử đối với một vụ việc về giới tính trong thể thao. Phán quyết của CAS chỉ rõ: Không có đủ bằng chứng cho thấy testosterone cải thiện thành tích thi đấu của các nữ VĐV và đình chỉ điều luật Hyperandrogenism của IAAF. CAS yêu cầu IAAF thay đổi phương pháp xét nghiệm cũng như quy định về giới tính.
CAS ra hạn cho IAAF 2 năm (đến năm 2017) để tìm thêm những bằng chứng thuyết phục hơn về phương pháp kiểm tra đang thực hiện. Nếu không đưa ra được chứng cớ nào rõ ràng, phương pháp hiện tại phải bị hủy bỏ.
Như vậy, trong khoảng thời gian trên, Semenya, Dutee và những VĐV lưỡng tính khác sẽ được phép tham dự các giải đấu mà không cần phải điều trị để giảm lượng testosterone.
5 VĐV lưỡng tính đáng chú ý khác trong thể thao
Maria Patino: Patino là VĐV vượt rào của Tây Ban Nha trong thập niên 1980. Patino được công nhận là nữ ở giải VĐTG năm 1983, nhưng lại quên đem theo giấy chứng thực này ở Đại hội thể thao đại học thế giới năm 1985 ở Nhật Bản.
Patino không đấu giải đó với lý do chấn thương, nhưng thực chất là vì kết quả kiểm tra y tế nhập nhằng và cô được khuyên rời giải. Hai tháng sau, Patino choáng váng khi biết mình không vượt qua bài kiểm tra do bị xác định là nam giới.
Cô bị chẩn đoán mắc hội chứng nữ hóa tinh hoàn (AIS). Hội chứng này khiến người nhiễm tuy có hình dáng là nữ nhưng lại mang gen nam giới.
Patino đã khiếu nại lên IAAF vì cho rằng điều này không làm cô có thêm lợi thế thi đấu. IAAF sau đó đã gỡ bỏ lệnh cấm nhưng Patino cũng không kịp dự Olympic 1988.
Santhi Soundarajan: Sau khi giành HCB nội dung 800m tại Asian Games 2006 ở Qatar, Santhi đã bị gọi đi kiểm tra cơ thể. Một ngày sau, Santhi bị loại khỏi giải đấu mà không hiểu vì sao. Chỉ cho đến khi cô xem bản tin như tất cả mọi người mới biết mình bị IAAF loại do không phải là một người phụ nữ thực sự.
Giống Patino, Santhi nhiễm chứng AIS. Tuy nhiên, thay vì đứng lên đấu tranh như Patino, Santhi lại phẫn uất và chỉ có may mắn mới giúp cô thoát chết sau khi uống thuốc độc tự tử.
Zdenek Koubek (Zdenka Koubkova ): Năm 1934, VĐV điền kinh Koubek gây chú ý khi từ chối tham dự buổi kiểm tra y tế trong một nghiên cứu về ảnh hưởng của thể thao lên cơ thể phụ nữ.
Trước đó, nữ VĐV này đã bị nghi ngờ về giới tính khi rời bỏ Liên đoàn Điền kinh nữ của Tiệp Khắc, dù vừa mới lập kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 800m. Năm 1935, Zdenek phẫu thuật chuyển giới thành nam và đổi tên.
Edinanci Silva: Sinh ra với cả bộ phận sinh dục nam và nữ, Silva đã trải qua ca phẫu thuật vào giữa năm 1990 để có thể được thi đấu với tư cách một nữ võ sĩ judo.
Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) cho phép Silva đại diện cho Brazil tham dự Olympic 1996 ở Atlanta. Silva không giành được huy chương nào năm ấy, nhưng đã đạt được HCĐ giải VĐTG sau đó 1 năm .
Stella Walsh: Đây là một trong những VĐV lưỡng tính nổi tiếng và giàu thành tích nhất dù phần lớn cuộc đời, chẳng ai nghi ngờ Walsh là phụ nữ đích thực.
Sinh ra ở Ba Lan nhưng chuyển đến Mỹ sống từ nhỏ, Walsh từng lập được nhiều kỷ lục quốc gia và 26 kỷ lục thế giới trong sự nghiệp. Nổi bật nhất là tấm HCV nội dung 100m tại Olympic 1932.
Năm 1980, bà bị bắn chết trong một vụ cướp trên đường phố ở Cleveland. Kết quả khám nghiệm tử thi cho biết bà là người lưỡng tính do một nhiễm sắc thể cực hiếm có tên “mosaicism” (hội chứng rối loạn nhiễm sắc thể nam nữ) gây nên. Ngoài ra, Walsh còn có cả bộ phận sinh dục nam.