Tấm HCV Olympic Tokyo 2021 có giá đắt nhất lịch sử?
Ở Olympic La Mã cổ đại phần thưởng cho những người chiến thắng là vòng nguyệt quế làm từ cây ô liu. Những kỳ Olympic đầu tiên ở kỷ nguyên hiện đại, năm 1896 và 1900 các VĐV cũng chỉ tranh chấp cho các tấm huy chương Bạc và Đồng.
Phải tới kỳ Olympic mùa hè 1904 ở Saint Louis những tấm huy chương Vàng (HCV) đầu tiên trong lịch sử mới được trao.
Cũng kể từ đây, hơn một thế kỷ qua, kích thước, hình dáng và giá trị của những tấm huy chương tôn vinh người chiến thắng tại Olympic cũng "tiến hóa" không ngừng, dù giá trị cảm xúc vô giá mà nó mang lại cho các VĐV là không đổi.
Thực tế mỗi tấm huy chương, đặc biệt là HCV vẫn "có giá" của nó, ít nhất với quốc gia đăng cai và quốc gia chi tiền thưởng cho các VĐV mang vinh quang thể thao cao quý nhất về cho tổ quốc.
5 năm trước ở Olympic Rio 2016 mỗi tấm HCV có giá 564 đô la, tính theo giá trị khối lượng nguyên liệu cấu thành.
Nhưng đó chưa phải tấm HCV Olympic đắt giá nhất. Bởi trước đấy 2 năm khi Nga tổ chức Thế vận hội mùa Đông ở Sochi thì giá trị nguyên liệu để sản xuất mỗi tấm HCV đã lên tới 566 đô la.
4 năm sau đó tới kỳ Thế vận hội mùa đông ở Pyeongchang, 2018, chủ nhà Hàn Quốc giới thiệu tấm HCV có giá trị lên tới 606 đô la. Đó cũng là tấm HCV nặng ký nhất đến lúc này, 586 gram (trong đó có 6 gram vàng nguyên chất, còn lại là bạc).
Nhưng giá trị nguyên liệu sản xuất tấm HCV ở một kỳ Thế vận hội sẽ sớm thay đổi khi VĐV đầu tiên bước lên bục cao nhất và nhìn quốc kỳ nước mình kéo lên tại Olympic Tokyo tới đây.
Thật vậy! Tấm HCV ở Olympic Tokyo 2021 chỉ nặng 556 gram, nhưng có giá lên tới 810 đô la, dựa trên giá trị nguyên liệu thô (6 gram vàng, 550 gram bạc) được sử dụng để sản xuất.
Để so sánh, ở kỳ Thế vận hội mùa hè gần nhất - Rio 2016 - BTC nước chủ nhà đã sản xuất 812 HCV, 812 HCB và 864 tấm HCĐ với chi phí cho nguyên liệu sản xuất (vàng, bạc) tính ở thời điểm đó là khoảng 700,000 đô la.
Năm nay, dù giá trị tấm HCV đắt hơn tới hơn 250 đô la nhưng do những tấm HCB, HCĐ có thành phần cấu tạo bao gồm 30% là nguyên liệu tái chế từ những thiết bị điện tử (ví dụ điện thoại di động), nên tổng chi phí nguyên liệu sản xuất sẽ tiết kiệm hơn.
Theo tiết lộ từ BTC, sẽ có khoảng 5,000 tấm huy chương được trao, tính cả sự kiện Paralympic diễn ra kế tiếp sau đây.
-->> Ký ức cú bắn kỳ diệu và tấm HCV lịch sử của Hoàng Xuân Vinh tại Olympic 2016
Để đi tìm tấm HCV "nặng đô" nhất lịch sử Olympic có lẽ phải trở lại tận năm 1912, ở kỳ Thế vận hội mùa hè tại Stockholm (Thụy Điển), khi tấm HCV được làm từ 100% vàng nguyên chất.
Đó cũng là Thế vận hội cuối cùng các VĐV được sở hữu đúng nghĩa tấm HCV, trước khi có những thay đổi về kết cấu chế tạo huy chương mà hiện tại theo quy định của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC), mỗi tấm HCV Olympic cần tối thiểu 6 gram vàng nguyên chất còn tỷ lệ bạc chiếm khoảng 92,5% trọng lượng tổng.
Thực tế ngoài việc tính toán chi tiết dựa trên nguyên liệu sản xuất ra những tấm huy chương Olympic, thước đo giá trị cho chúng còn nằm ở khía cạnh khác. Đó là khi chủ nhân những tấm HCV Olympic rao bán chúng thì giá trị thường sẽ nâng lên.
Còn nhớ nhà cựu vô địch Boxing hạng nặng Wladimir Klitschko từng bán đấu giá tấm HCV Olympic Atalanta 1996 được 1 triệu đô la vào năm 2012 và tặng hết số tiền thu về vào quỹ từ thiện của bản thân và anh trai Vitaly Klitschko.
Và sau cùng, nếu nhìn vào các mức treo thưởng mỗi quốc gia đặt ra cho tấm HCV Olympic cao quý thì giá trị của chúng cũng được "cộng dồn" ấn tượng. Chẳng nói đâu xa, đến thời điểm này, Singapore đang treo thưởng kỷ lục ở Olympic Tokyo với mức 1 triệu đô la cho tấm HCV.
Trong lịch sử, quốc gia chỉ rộng chưa đầy 750 km vuông này mới giành 5 tấm huy chương ở Olympic và cho tới Rio 2016 họ mới có tấm HCV lịch sử đầu tiên nhờ tài năng Joseph Schooling mang về từ nội dung 100m bơi bướm.
Năm nay, nếu bảo vệ thành công ngai vàng trên đường đua xanh, không nghi ngờ gì cả, Schooling sẽ sở hữu tấm HCV đắt giá bậc nhất trong lịch sử Olympic.