Tuyển thủ Việt nhận thưởng như thế nào nếu đoạt HCV Olympic 2016
Nếu bước lên đỉnh cao nhất tại Rio, tuyển thủ Việt Nam sẽ nhận mức thưởng rất thấp so với mặt bằng chung thế giới. Ngoài ra, họ không được thêm khoản nào khác.
Điều trớ trêu là khả năng tranh chấp huy chương của TTVN tại Olympic 2016 hãy còn rất mong manh, dù chỉ 1 tấm. Ở kỳ Olympic trước, Việt Nam đã “tay trắng” trở về.
Thế nhưng, như một nghịch lý, chuyện thưởng cho chiến tích vô cùng quý lẫn khó ấy lại rất thấp và hẹp. Về cơ bản, nó mới chỉ dừng lại ở việc thưởng tiền, chưa kể còn ở mức tụt lại xa so với mặt bằng chung thế giới, cũng như thua hầu hết các đoàn trong khu vực.
Tại lễ xuất quân đoàn TTVN, mức thưởng đã chính thức được công bố, theo đó tuyển thủ đoạt HCV sẽ chắc chắn nhận được 680 triệu đồng từ nguồn thưởng của Nhà nước và các nhà tài trợ. Với HCB và HCĐ, con số khiêm tốn hơn nhiều, lần lượt là 350 triệu và 230 triệu đồng.
Đáng chú ý là nếu không có doanh nghiệp “treo” thưởng, các tuyển thủ lập công sẽ chỉ có 180 triệu, 80 triệu và 60 triệu đồng theo quy định thưởng của Nhà nước.
Đó là mức thưởng chung, dù còn có thể tăng lên tùy theo từng môn. Chẳng hạn hai xạ thủ Xuân Vinh, Quốc Cường còn được 3 doanh nghiệp “treo” tới 2,2 tỷ đồng cho tấm HCV, trong khi HCB và HCĐ cũng nhận tương ứng 2 tỷ và 1,8 tỷ đồng.
Trong trường hợp Xuân Vinh đoạt HCV, anh sẽ lĩnh tổng cộng 2,880 tỉ từ các nguồn khác nhau. Dù nhiều người cho rằng, ngay cả việc đoạt HCĐ với hai xạ thủ Việt mới chỉ dừng ở mức hi vọng, thì việc “treo” thưởng cao ấy vẫn là một động thái tích cực.
Có thể thấy, kể cả với 2,880 tỷ đồng gần như ngoài tầm của tuyển thủ Việt Nam, mức thưởng của TTVN hãy còn kém xa hầu hết các đoàn tại Olympic.
Đơn cử ngay một nước trong cùng khu vực như Indonesia sớm công bố thưởng 5 tỷ Rupiah, khoảng 8 tỷ đồng cho VĐV đoạt HCV, kèm theo một khoản hỗ trợ suốt đời 1.500 USD/tháng.
Năm 2000, võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân nhận khoảng 300 triệu đồng từ HCB lịch sử, trong đó tính cả khoản bồi dưỡng làm đại sứ cho một thương hiệu quốc tế tại Việt Nam.
Tám năm sau, một nhà Á quân khác - đô cử Hoàng Anh Tuấn cũng chỉ lĩnh trên 300 triệu đồng. Đến giờ, câu chuyện thưởng thành tích Olympic về cơ bản vẫn chưa có gì đột phá.
Đáng nói hơn, chuyện thưởng thành tích Olympic của TTVN không chỉ là mức tiền thưởng rất thấp, mà còn rất hẹp khi không có bất cứ chế độ nào khác như tặng nhà, đất, sổ tiết kiệm, ưu tiên đào tạo nghề, việc làm...
Điều cốt yếu là sau nhiều năm, ngành thể thao vẫn chưa đề xuất để xây dựng được một quy định riêng về khen thưởng, đãi ngộ đối với những tuyển thủ giành huy chương Olympic, giống như nhiều nước áp dụng lâu nay.