Olympic 2016: Tuyển bóng chuyền nữ Mỹ chơi công nghệ cao
Bóng chuyền nữ của Mỹ đang chuẩn bị rất chu đáo cho Rio 2016 vào tháng 8 tới đây nhằm hướng tới chiếc HCV đầu tiên trong lịch sử tại đấu trường Olympic.
Bên cạnh việc thực hiện đều đặn các bài tập kéo dài 6 tiếng/ngày nhằm đảm bảo thể lực cũng như nâng cao tư duy chiến thuật trong khi thi đấu, các VĐV còn nhận được sự trợ giúp từ một thiết bị gọi là VERT.
Với hai bộ phận chính gồm một con quay hồi chuyển (dùng để đo hướng chuyển động lên, xuống) và các gia kế (dùng để đánh giá sự thay đổi về vận tốc bước nhảy), VERT là thiết bị dùng để theo dõi, phân tích độ cao cũng như số lượng bước nhảy mà các VĐV thực hiện trong suốt buổi tập.
Khi các VĐV đeo VERT vào vùng thắt lưng, tất cả những số liệu trên sẽ được hiển thị trên màn hình và truyền tới một thiết bị đi kèm (máy tính bảng hoặc smartphone có cài đặt ứng dụng VERT). Điều này giúp đội ngũ HLV có cái nhìn chính xác về thể trạng và phong độ của mỗi VĐV, từ đó đưa ra những kế hoạch tập luyện phù hợp.
Đến đây có lẽ cần nhắc lại là tại Olympic London 2012, việc tay chắn Christa Dietzen bị tái phát chấn thương vai và đầu gối đã khiến cho đội tuyển bóng chuyền nữ của Mỹ không thể thi đấu với phong độ tốt nhất trong trận chung kết với Brazil, qua đó ngậm ngùi giành HCB.
Ngoài ra, việc các VĐV Mỹ bị tái phát chấn thương trong thời gian diễn ra các giải đấu lớn là chuyện không hiếm gặp. Tuy nhiên, mọi thứ đang được cải thiện đáng kể từ khi Liên đoàn Bóng chuyền Mỹ hợp tác với VERT vào năm 2013.
“Các VĐV chơi ở vị trí chắn giữa thường thực hiện 150 đến 200 bước nhảy trong một trận đấu. Do vậy, việc thực hiện 200 đến 300 bước nhảy trong mỗi buổi tập là không cần thiết”, Christa Dietzen cho biết.
Bằng việc phân tích các số liệu trên VERT, các HLV phát hiện ra đầu gối phải của Christa Dietzen thường có dấu hiệu suy yếu trong buổi tập thứ tư liên tiếp.
Do đó, cô chỉ phải tập liên tiếp 2 ngày và được nghỉ tập ở ngày thứ ba. Trong ngày nghỉ, Dietzen sẽ thực hiện các bài phục hồi thể lực bằng việc đạp xe tại chỗ hoặc bơi. Thêm vào đó, VĐV 29 tuổi này tập yoga 2 lần/tuần vào các buổi tối.
“Thiết bị này giúp các HLV biết rõ được khối lượng bài tập của chúng tôi. Giờ đây, chúng tôi có thể nắm chắc mình đã nhảy ở vị trí ấy bao nhiêu lần để nếu chúng tôi nhảy nhiều hơn, họ sẽ cản lại để chúng tôi có điều kiện thư giãn, xả hơi, tránh bị quá tải. Nhờ đó, các tuyển thủ nữ già dặn kinh nghiệm không còn lo tái phát các chấn thương ở lưng và gối”, VĐV Kelsey Robinson chia sẻ.
Người sáng lập ra Công ty chuyên sản xuất các thiết bị công nghệ VERT Martin Matak cho biết ý tưởng sáng tạo ra thiết bị đo bước nhảy đã được ông ấp ủ cách đây hơn 20 năm.
“Khi tôi còn là một HLV bóng rổ cho trẻ em tuổi từ 12 đến 16, người ta thường hỏi là liệu tụi nhỏ có thể nhảy cao được bao nhiêu, và tôi không thể trả lời được điều đó cho đến năm 2013, thời điểm thiết bị VERT chính thức ra lò. Giá trị cốt lõi của VERT chính là việc theo dõi ảnh hưởng và độ chính xác của bước nhảy cũng như bảo vệ sức khỏe cho các VĐV”, ông Martin Matak cho biết.
Hiện tại thì ngoài ĐT Bóng chuyền nữ của Mỹ, 25 đội bóng chuyền của Hiệp hội Thể thao Đại học Hoa Kỳ (NCAA) và đội bóng rổ Mimami Heat cũng đang sử dụng VERT như một công cụ hỗ trợ đắc lực, giúp cho các VĐV tránh được chấn thương đồng thời giành nhiều thành tích cao trong khi thi đấu.
Video: Đội bóng rổ nữ Houston Juniors sử dụng thiết bị VERT để phân tích bước nhảy của các VĐV