Góc chiến thuật: Khi Schneiderlin “giẫm chân” Carrick
Bình cũ rượu cũ
Lần lượt những chiến thắng tưng bừng 3-0 trước Stoke City cùng trận hòa 1-1 trước Chelsea tưởng chừng như đã mang đến một luồng sinh khí mới cho Quỷ đỏ trong năm 2016. Mặc dù vậy, ở cuộc chạm trán ứng cử viên xuống hạng Sunderland đêm qua, đội bóng thành Manchester đã nhanh chóng “hiện nguyên hình” là một tập thể vẫn chưa thoát ra khỏi sự bạc nhược dưới triều đại Louis van Gaal.
Về mặt lý thuyết, cách thức vận hành chiến thuật bên phía M.U gần như chẳng hề thay đổi chút gì so với giai đoạn lượt đi. Trong phần lớn thời gian của trận đấu, Quỷ đỏ vẫn kiểm soát bóng hoàn toàn áp đảo (gần 62%) nhưng lại không thể tìm ra các phương án nhằm tiếp cận khung thành đối phương. Thống kê cho thấy, Sunderland mới chính là đội thi đấu ấn tượng hơn với tổng cộng 21 pha dứt điểm, trong khi M.U chỉ có 12 cú sút. Dưới một hệ thống luân chuyển bóng quá rườm rà đồng thời thiếu đi tính trực diện cần thiết, chẳng quá bất ngờ khi thầy trò HLV Van Gaal tiếp tục thi đấu kém hiệu quả và phải nhận thất bại chung cuộc 1-2.
Martial quá đơn độc
Như thường lệ, tài năng trẻ người Pháp vẫn là nhân tố hoạt động nổi bật nhất trên hàng công đội bóng thành Manchester. Thế nhưng, chỉ một mình sự lắt léo của Anthony Martial là không đủ để giúp cho M.U tạo được yếu tố đột biến cần thiết, đặc biệt là khi những Wayne Rooney, Juan Mata hay Jesse Lingard đều trải qua một ngày thi đấu dưới sức. Hệ quả, trong khá nhiều tình huống xử lý, tiền đạo 20 tuổi này đã phải tự mình nỗ lực thực hiện những pha đi bóng mang tính cá nhân, qua đó khiến anh vấp phải sự truy cản quyết liệt đến từ các hậu vệ Sunderland. Bàn thắng gỡ hòa mà Martial ghi được cũng chính là tình huống phối hợp có nét duy nhất bên phía M.U trong suốt cả trận, một pha bóng hiếm hoi mà Mata tạo ra được mối liên kết với chân sút người Pháp.
Schneiderlin “giẫm chân” Carrick
Trên thực tế, cả Morgan Schneiderlin lẫn Michael Carrick đều là những tiền vệ mỏ neo thuần túy. Đành rằng phong cách thi đấu của cựu cầu thủ Southampton có phần thiên về phòng ngự nhiều hơn. Tuy nhiên, về cơ bản thì ngôi sao người Pháp vẫn chủ yếu tập trung hoạt động ở khu vực trước thềm vòng cấm địa đội nhà cũng như vòng tròn giữa sân. Điều này vô hình trung cũng ảnh hưởng đáng kể đến không gian hoạt động của Carrick, vốn dĩ là một chuyên gia phân phối bóng từ xa theo kiểu deep-lying playmaker (tiền vệ tổ chức lùi sâu).
Theo thống kê, Carrick chỉ chuyền bóng chính xác khoảng 81% trước Sunderland. Hiếm khi nào, người ta lại thấy “lão tướng” 34 tuổi này chuyền hỏng nhiều đến như vậy (17/91 lần). Đặt trong hoàn cảnh thường xuyên bị Schneiderlin “giẫm chân”, ngôi sao người Anh đã phải chấp nhận di chuyển rời xa khỏi vị trí sở trường, qua đó khiến cho Carrick liên tục phải chịu tác động từ phía các tiền vệ đối phương.
Mặt khác, việc thiếu vắng đi một “tiền vệ con thoi” theo đúng nghĩa (ở những trận trước Marouane Fellaini hoàn thành khá tốt nhiệm vụ này) cũng tác động không nhỏ đến khả năng gây áp lực trên hàng công M.U, khi mà cả Carrick lẫn Schneiderlin đều gặp hạn chế tương đối về mặt tốc độ cũng như sức càn lướt.
Hậu vệ M.U và nỗi ám ảnh… bóng chết
Người ta sẽ còn nhắc khá nhiều đến bộ đôi tân binh Wahbi Kharzi và Lamine Kone bên phía Sunderland, sau khi hai cầu thủ này góp công trực tiếp vào hai bàn thắng giúp cho “Mèo đen” đánh bại M.U chung cuộc 2-1. Xét trên phương diện khách quan, đương nhiên thầy trò HLV Sam Allardyce hoàn toàn xứng đáng giành được 3 điểm trọn vẹn nhờ vào một màn trình diễn tràn đầy nhiệt huyết trước Quỷ đỏ.
Mặc dù vậy, cũng cần phải nhấn mạnh rằng, hàng phòng ngự M.U vẫn chưa thể thoát ra khỏi “bóng ma” đến từ các tình huống cố định nói chung. Lần lượt cả hai bàn thua khiến David de Gea phải vào lưới nhặt bóng đêm qua, trên thực tế đều xuất phát từ những sai lầm trong khâu tổ chức kèm người của các hậu vệ đội bóng thành Manchester. Công cùn, thủ kém, việc thầy trò Van Gaal phải “trắng tay” rời sân Ánh sáng cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu.