Tuyển Anh: Bí quá đành gặt lúa non
Tuy nhiên, chiến lược này chưa hẳn đủ để giúp tuyển Anh cải thiện thành tích, vì gần như chẳng có mối liên hệ đáng kể nào giữa các “U” với ĐTQG! Truyền thống “gặt lúa non” này có thể xem như một trong những nguyên nhân khiến “Tam sư” hiếm khi ngóc đầu lên nổi.
Khác biệt này rất dễ nhận ra. Chẳng hạn như ở Pháp, khi HLV Didier Deschamps đặc cách cho các tài năng trẻ Raphael Varane và Paul Pogba vào ĐTQG, tờ L’Équipe đã làm rùm beng do hiếm khi nào thấy sự việc tương tự như này xảy ra. Hoặc so sánh giữa đội hình hai đội đá chung kết U.21 châu Âu 2009 và gặp nhau ở VCK World Cup 2010, Đức còn Manuel Neuer, Jerome Boateng, Sami Khedira và Mesut Oezil, nhưng Anh chỉ có James Milner.
Trong lúc các ĐTQG khác hiếm lạm dụng tài năng trẻ thì từ Italia 90, Anh đưa tới 12 thiếu niên dự các giải lớn với xu thế ngày càng tăng: Phil Neville ở EURO 96, Michael Owen và Rio Ferdinand ở World Cup 98, Gareth Barry ở EURO 2000, Wayne Rooney ở EURO 2004, Theo Walcott và Aaron Lennon ở World Cup 2006, Alex Oxlade-Chamberlain và Jack Butland ở ở EURO 2012, Luke Shaw, Ross Barkley, Oxlade-Chamberlain và Raheem Sterling tại World Cup 2014.
Thậm chí không thiếu trường hợp vượt cấp như Rooney bay thẳng từ U.19 lên ĐTQG, Walcott đá cho ĐTQG trước lúc chơi cho U.21. Cũng trong giai đoạn đó, Italia không có cầu thủ trẻ nào dự giải, còn Pháp phải tới World Cup 2014 mới có Lucas Digne. Hậu quả là “Tam sư” ngày càng kém, vì theo cựu HLV U.21 Anh Stuart Pearce giải thích, “Thành công của ĐTQG chủ yếu dựa vào trải nghiệm của các tuyển thủ qua từng giải trẻ để biết làm thế nào giành chiến thắng. Các tuyển thủ Anh hiện nay đang thiếu trải nghiệm như thế”.
Thiên Tứ