Thẻ đỏ trong bóng đá: Gặp hạn “tam tai”, anh tài cũng đổ khuỵu
1 Cách đây 3 tháng, Sunderland đánh bại Newcastle 3-0 ở vòng 10 và chiến thắng của “Mèo đen” bắt đầu từ tình huống Coloccini phạm lỗi với Fletcher trong vòng cấm, dẫn đến 1 quả phạt đền còn bản thân trung vệ của Newcastle bị đuổi thẳng cổ. Khi đó, HLV bộc trực của Sunderland, Sam Allardyce, dù thắng cuộc đã phải thốt lên rằng: “Đó là pha phạm lỗi bình thường và chúng tôi được hưởng phạt đền, thế là đủ, không cần rút thẻ đỏ. Tôi nghĩ trọng tài cũng nghĩ vậy. Đã đến lúc các nhà làm luật phải thay đổi. Hãy để trận đấu cân bằng 11 đấu 11 để chất lượng, tính giải trí ở mức cao nhất”.
Đây không phải lần đầu tiên việc rút thẻ đỏ trong tình huống có thể dẫn tới bàn thắng và cầu thủ phạm lỗi là chốt chặn cuối cùng của đội, làm dấy lên màn tranh cãi. Tất nhiên, phải loại trừ luôn những tình huống chơi bạo lực hay các pha bóng triệt hạ đối phương. Những hành vi xấu chơi như thế phải nhận thẻ đỏ, bị đuổi khỏi sân và nhận án phạt treo giò thật nặng. Nhưng nếu đơn thuần chỉ là một cú ra chân xoạc bóng muộn dù chỉ 1 giây, không ác ý thì sẽ ra sao? Nói như huyền thoại bóng đá Franz Beckenbauer, “chỉ cần một quả phạt đền là đủ, nếu nó chỉ là cú xoạc bóng muộn nhằm ngăn cản đối phương trước một cơ hội ghi bàn rõ rệt”. Ở đây, góc độ bình luận của Allardyce hay Beckenbauer vẫn tập trung đến những pha bóng trong vòng cấm. Nhưng giờ cần phải đặt câu hỏi, tại sao lại không thể áp dụng điều đó với những tình huống nhận thẻ đỏ tương tự ở ngoài vòng cấm, như trường hợp của Mertesacker rạng sáng qua? Nghĩa là, thay vì trọng tài Clattenburg đuổi trung vệ của Arsenal, các nhà làm luật có thể “sửa kịch bản” và quy chiếc thẻ đỏ dành cho Mertesacker thành 1 quả phạt đền mà Chelsea được hưởng và nếu cần thêm nữa, Mertesacker sẽ phải ra ngoài nghỉ 15-20 phút thay vì ngồi co ro chứng kiến 10 đồng đội trầy trật chiến đấu hơn 70 phút còn lại trên sân?
2 Tất nhiên, đó chỉ là một gợi ý. Còn cần nhiều cuộc họp bàn giữa LĐBĐ Anh (FA), UEFA, FIFA, đặc biệt là ở IFAB (Hội đồng làm luật bóng đá quốc tế, cơ quan có thẩm quyền đưa ra hoặc gỡ bỏ các điều luật trong bóng đá) và cả thời gian thử nghiệm nếu ý tưởng được xem xét triển khai. Nhưng sau cùng không thể phủ nhận những mặt tích cực mà nó đem lại.
Thứ nhất, đúng như mong muốn của HLV Allardyce, khi đó những chiếc thẻ đỏ không phá hỏng trận đấu. Việc một đội bóng chỉ chơi với 10 người trong 15 đến 20 phút đã là sự trừng phạt, bên cạnh việc họ phải chịu 1 quả penalty mà thống kê chỉ ra rằng thường là 75% khả năng bàn thắng sẽ đến từ tình huống này. Trong khoảng thời gian đó đội chơi hơn người hoàn toàn có thể tấn công khai thác lợi thế quân số, nên nó sẽ tạo ra bầu không khí phấn khích, sôi động. Và khi quân số 2 đội trở lại cân bằng đương nhiên chất lượng trận đấu lại được đảm bảo. Thứ hai, nếu mỗi chiếc thẻ đỏ đều có cách thức xử lý hậu quả thấy ngay, rõ ràng và minh bạch như trên, sẽ không còn những màn tranh cãi nảy lửa sau trận một khi đội bóng chỉ còn 10 người thất bại (hoặc không thể thắng đối thủ bị đánh giá yếu hơn) mà đó lại là trận chung kết hoặc một trận đấu quyết định tới cơ hội vô địch cả mùa giải. Rạng sáng qua, tất cả đều thấy HLV Arsene Wenger điên tiết nhường nào sau tiếng còi mãn cuộc. Thất bại sau hơn 70 phút chỉ còn 10 người trên sân không chỉ khiến Arsenal đánh mất ngôi đầu bảng, tụt xuống vị trí thứ 3 mà nó hoàn toàn có thể đánh dấu mốc quan trọng một khi “Pháo thủ” thua cả cuộc chiến Premier League vào cuối mùa, không thể lần đầu tiên đăng quang kể từ năm 2004.
3 Được biết, việc thay đổi “điều luật thẻ đỏ” đã và đang được IFAB xem xét trong hơn 1 năm qua. Nhưng thực chất thì cơ quan trên mới chỉ nghiên cứu nhằm giảm nhẹ cho cái gọi là “hình phạt 3 lần” (Tripple punishment), đó là trường hợp một cầu thủ phạm lỗi ở tình huống có thể dẫn đến bàn thắng trong vòng cấm thì anh ta sẽ phải nhận thẻ đỏ, đội bóng bị thổi phạt đền và cầu thủ này sẽ bị treo giò. Cả UEFA lẫn FIFA đều muốn hạ bớt hình phạt này theo hướng: Nếu đã thổi phạt đền, cầu thủ phạm lỗi chỉ phải nhận thẻ vàng.
Rõ ràng, không chỉ các cầu thủ phạm lỗi, đội bóng vướng vào tình huống này mà còn cả các LĐBĐ uy tín đều muốn thay đổi “cái điều luật xuẩn ngốc” từng làm hỏng không ít trận đấu. Đặc biệt, nếu hỏi CĐV thì có lẽ số đông cũng sẽ chẳng tán thành việc đuổi một cầu thủ, trong những tình huống xoạc bóng thông thường không mang tính triệt hạ, để rồi khiến trận đấu trở nên mất cân bằng và không còn hấp dẫn nữa. Bởi CĐV đã bỏ tiền, công sức tới sân, họ cần và đáng được vui vẻ thưởng thức những trận đấu với chất lượng tốt nhất có thể. Giờ thì quyền định đoạt phụ thuộc vào IFAB. Sự lạc quan là đã thấy những tín hiệu “Tripple punishment” sẽ được thay đổi. Và xa hơn có lẽ không chỉ ở các tình huống trong vòng cấm mà khi chiếc thẻ đỏ được rút ra ở các khu vực khác trên sân, hy vọng nó sẽ không triệt đi hẳn một cầu thủ và triệt tiêu luôn cả tính giải trí trận đấu có thể mang lại với đủ 22 người trên sân.
Premier League có thể trở thành mô hình thí điểm một khi IFAB xem xét việc quy đổi thẻ đỏ thành phạt đền và cầu thủ chỉ bị đuổi khỏi sân chừng 15-20 phút. Bởi đây là giải VĐQG hàng đầu thế giới, có sức hút và tầm ảnh hưởng rộng lớn. Sự điều chỉnh lại “luật thẻ đỏ” sẽ càng giúp các trận đấu của giải hấp dẫn hơn. Nên nhớ kể từ mùa tới Cúp FA cũng được chọn thí điểm công nghệ hỗ trợ video cho trọng tài.