Nhảy cầu sẽ có HCV đầu tiên ở SEA Games 31, quốc gia nào nhận vinh dự này?
Theo lịch thi đấu, SEA Games 31 khởi tranh ngày 6/5/2022 với các môn bóng đá (nam) và bóng ném bãi biển (nam). Mặc dù Lễ khai mạc SEA Games 31 tới tận tối 12/5/2022 mới được tổ chức, nhưng sẽ có một số môn thi đấu trước, thậm chí kết thúc trước.
Nhảy cầu sẽ xác định bộ huy chương đầu tiên
Theo lịch, nhảy cầu diễn ra trong 4 ngày, từ 8-11/5/2022, tức kết thúc trước cả Lễ khai mạc SEA Games 31. Môn này có 8 nội dung với sự góp mặt của 7 quốc gia gồm: Malaysia, Thái Lan, Campuchia, Indonesia, Singapore, Philippines và Việt Nam.
Số lượng quốc gia dự môn này tăng thêm một so với SEA Games 30 khi Campuchia, chủ nhà SEA Games 32 (2023) góp mặt. Gần 3 năm trước, môn này chỉ được chủ nhà Philippines đưa vào thi đấu 4 nội dung là: Đơn nữ cầu mềm 3m, Đơn nam cầu mềm 3m, Đôi nữ cầu mềm 3m và Đôi nam cầu mềm 3m.
Lịch hoạt động của giải bắt đầu từ 6/5/2022 tại Cung thể thao dưới nước Mỹ Đình (Hà Nội). Các đội có mặt và bắt đầu tập luyện chính thức hai buổi mỗi ngày, trong hai ngày 6-7/5/2022. Đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đã có mặt tại đây từ cuối tháng 4 để tâp luyện.
Ngày thi đấu đầu tiên của môn nhảy cầu (8/5) có hai nội dung chung kết là: Đơn nữ cầu mềm 1m và Đôi nam cầu mềm 3m. Các VĐV sẽ thi đấu loại vào buổi sáng (9:00-11:00) và thi chung kết vào buổi chiều (15:00-17:00).
Dự kiến, nội dung xác định được VĐV đầu tiên giành HCV là Đơn nữ cầu mềm 1m, lúc khoảng 15:30 ngày 8/5/2022.
Quốc gia nào có khả năng giành HCV nhảy cầu đầu tiên?
Người giành được HCV đầu tiên ở môn nhảy cầu cũng là chính là nhân vật giành tấm HCV đầu tiên tại SEA Games 31. Đây sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho bộ môn không thật sự được chú ý bằng “người anh em” là môn bơi.
Malaysia được đánh giá mạnh nhất ở môn này và được dự đoán sẽ thâu tóm cả 8 HCV nhảy cầu SEA Games 31.
Nội dung đầu tiên Đơn nữ cầu mềm 1m có sự góp mặt của Nur Dhabitah Sabri, tuyển thủ có vinh dự được trao nhiệm vụ cầm cờ Malaysia trong Lễ khai mạc SEA Games 31, có khả năng sẽ là người giành HCV đầu tiên của Đại hội lần này.
Người đẹp 22 tuổi này được đánh giá là nữ VĐV nhảy cầu xuất sắc nhất Đông Nam Á. Dhabitah (sinh 12/7/1999) sở hữu bộ sưu tập thành tích “khủng” khi đã giành tới 4 HCV ở 4 kỳ SEA Games gần đây nhất (2013-15-17-19) ở các nội dung cầu mềm 3m đơn, đôi nữ và cả cầu cứng 10m.
Dhabitah từng giành 1 HCB, 2 HCĐ tại ASIAD 2018, giành 3 HCĐ Đại hội Thể thao các khối thịnh vượng chung, được trao vinh dự thắp đài lửa Lễ khai mạc SEA Games 29 trên sân nhà năm 2017. Cô cùng từng giành quyền tham dự hai kỳ Olympic là Rio 2016 (Brazil, xếp hạng 5 đôi nữ cầu mềm 3m) và đặc biệt suýt giành huy chương Olympic Tokyo 2020 (Nhật Bản, tháng 8/2021, lùi do dịch COVID-19) khi xếp hạng 4 nội dung Đơn nữ cầu mềm 3m).
Malaysia cũng được dự đoán sẽ chiếm nốt HCV Đôi nam cầu mềm 3m khi cặp Chew Yiwei và Ooi Tze Liang vẫn đến Việt Nam để bảo vệ HCV họ từng giành được ở SEA Games 30.
Các tuyển thủ khác của đội nhảy cầu Malaysia lần này còn có: Pandelela Rinong, Wendy Ng Yan Yee, Kimberly Bong, Ong Ker Ying (nữ); Syafiq Puteh, Gabriel Gilbert Daim, Jellson Jabilin và Hanis Nazirul Jaya Surya (nam). Malaysia dự tranh đủ 8 nội dung và đặt mục tiêu giành trọn 8 HCV.
Đội tuyển nhảy cầu Việt Nam đăng ký dự SEA Games 31 với 12 thành viên: gồm 3 HLV: Trương Anh Tài, Đào Quốc Bình, Hoàng Thanh Trà cùng 9 VĐV: Ngô Phương Mai, Mai Hồng Hạnh, Nguyễn Phương Anh, Nguyễn Tùng Dương, Đỗ Tuấn Minh, Phương Thế Anh, Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Quang Đạt, Đặng Hoàng Tú.
Ngô Mai Phương là cái tên đáng chú ý nhất đội khi từng giành HCĐ Đơn nữ cầu mềm 3m tại SEA Games 30. Thành viên còn lại cũng từng dự SEA Games 31 là nam VĐV Nguyễn Tùng Dương, người xếp hạng 4 Đơn nam cầu mềm 3m.
Mục tiêu của đội tuyển nhảy cầu Việt Nam là phấn đấu có huy chương.