Sau 38 năm, Tham đổi màu HC SEA Games thành vàng, nhưng ở môn khác!
Sau gần 40 năm ròng rã, Christina Tham rốt cuộc đã đổi được màu huy chương SEA Games cho Singapore thành vàng. Thậm chí trong vòng 2 ngày, cô đã đoạt được 2 HCV. "Cảm giác chiến thắng như thế này thật không thể tin nổi," Tham thú nhận sau khi đoạt HCV đầu tiên vào ngày 4/12 cùng đội khúc côn cầu dưới nước ở nội dung 4x4. "Đoạt HCV đầu tiên ở kỳ SEA Games thừ 3 sau khi giành 2 HCB thật là khó tin."
Lần đầu Christina Tham dự SEA Games là vào năm 1981, lúc cô còn là kình ngư 12 tuổi của Singapore. Lần thứ 2 là vào năm 1983. Ở lần đầu, Tham đoạt HCB nội dung 4x100m hỗn hợp. 2 năm sau, cô đoạt HCB nội dung 200m ếch.
36 năm sau lần cuối dự SEA Games và 38 năm sau lần đầu góp mặt tại Đông Nam Á vận hội, Tham lại vừa có HCV thứ 2 tại Philippines 2019 do Singapore thắng Philippines 3-0 ở nội dung 6x6 ngày 5/12.
"Thật là lạ lùng, thật là kỳ thú, thật không thể tin nổi. Tôi không rõ có ai khác từng làm điều như tôi đang làm hay không," vị luật sư 50 tuổi phấn khích cho biết. "Tôi hy vọng kỳ tích này cũng truyền đi thông điệp đến mọi người rằng tuổi tác chỉ là một con số và mình chỉ già khi chính mình cảm thấy như vậy."
Điều thú vị không kém là cách mà Tham đến với khúc côn cầu dưới nước. Sự kiện ấy đến vào năm 2005, lúc Tham đọc một mẩu quảng cáo trên tờ báo địa phương về môn khúc côn cầu dưới nước. "Tôi quyết định chọn môn này vì nó tương xứng với khả năng bơi của tôi. Nó cũng đem đến thách thức cho tôi trong một môn thể thao đồng đội, ngược với trước đây chơi thể thao cá nhân." - Tham giải thích.
"Tôi tin rằng những người chơi thể thao cá nhân thường khó gia nhập vào thể thao đồng đội, nhưng tôi muốn làm điều đó do cảm thấy trong cuộc đời, thật sự chỉ đạt đến thành công bằng cách làm việc với người khác. Đó là lý do người ta nói nếu bạn muốn đi nhanh, bạn hãy đi một mình, nhưng nếu bạn muốn đi xa, hãy đi với đội của mình.
Sự chuyển đổi này thật ra không hề dễ, với vô số vòng bơi, với hàng giờ trong phòng gym, cực khó để chơi tốt môn khúc côn cầu dưới nước." - Tuyển thủ lớn tuổi nhất trong đội khúc côn cầu dưới nước nữ tâm sự. "Tôi mất rất nhiều năm để điều chỉnh kỹ thuật vì cần kết hợp giữa thể lực với kỹ thuật do ảnh hưởng của hiếu khí và kỵ khí..., cũng như cần hiểu lối chơi của từng đồng đội để có thể đoán hướng do di chuyển và theo sát hướng di chuyển đó."