Toàn cảnh vụ Việt Nam tố Malaysia "ăn gian" ở nội dung triathlon hỗn hợp SEA Games 30
Do ảnh hưởng của siêu bão Kammuri đổ bộ vào Philippines đúng thời điểm SEA Games bắt đầu những ngày thi đấu chính thức đầu tiên nên nhiều môn đã phải thay đổi lịch trình. Triathlon và Duathlon tại vịnh Subic được thay đổi lịch, đẩy nội dung 3 môn phối hợp tiếp sức hỗn hợp lên chiều 2/12/2019, thay vì 4/12/2019 như dự kiến.
Ở nội dung này, 6 đội tham gia gồm: Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam, Campuchia và Malaysia. Với thực lực vượt trội, chủ nhà Philippines không có đối thủ và giành huy chương vàng thứ 4/5 nội dung đã thi đấu (ngoại trừ HCB duathlon cá nhân nam). Đội Singapore về nhì còn Indonesia giành HCĐ.
Tuy nhiên cuộc cạnh tranh của những đội còn lại và đặc biệt là sự cố gian lận đạp xe đường tắt của một vận động viên Malaysia đã bị Việt Nam phát hiện và khiếu nại thành công. Dưới đây là toàn cảnh sự việc này.
Đội tuyển 3 môn phối hợp tiếp sức hỗn hợp của Việt Nam gồm: Nguyễn Thị Kim Tuyến, Lâm Quang Nhật, Phạm Thúy Vi và Lê Hoàng Vũ (phải sang trái).
Đội tuyển Malaysia tham dự nội dung này được giới thiệu ngay sau Việt Nam.
Từng thành viên trong đội sẽ xuất phát theo thứ tự nữ-nam-nữ-nam và phải hoàn thành bơi 300m, đạp xe 6,6km, chạy bộ 1,8km (riêng thành viên nam thứ tư chạy 2km). Đây là Yeong của Malaysia, người là nhân vật chính của sự việc lần này.
Kim Tuyến và Yeong đứng cạnh nhau trong phần thi bơi đầu tiên.
Vốn xuất thân là một kiện tướng bơi, Kim Tuyến thực hiện phần thi của mình rất tốt, về trong nhóm 3 VĐV dẫn đầu gồm Philippines và Singapore.
Cô gái Việt Nam tự tin nằm trong nhóm có khả năng giành huy chương.
Kim Tuyến vào khu vực chuyển tiếp xe đạp rất nhanh, xuất phát chỉ sau 2 VĐV phía trên không đáng kể.
Đây là Octaria (Indonesia), người giành huy chương đồng 3 môn phối hợp đơn nữ hôm 1/12/2019, chuẩn bị vào phần đạp xe là một thế mạnh của mình. Sau đó, Octaria cũng tham gia phản ánh về sự việc sắp tới.
Yeong của Malaysia xuất phát phần đạp xe sau nhiều VĐV khác, trong đó có cả Kim Tuyến.
Nhưng VĐV này hoàn thành phần đạp xe của mình cực nhanh, về chỉ sau VĐV Philippines và Singapore, trước cả Kim Tuyến. Tuy nhiên, Yeong bị phát hiện phạm luật ở phần quay đầu xe (U Turn) khi đã không tuân thủ yêu cầu của BTC mà đạp xe không đúng phần đường quy định.
Yeong thực hiện phần chạy 1,8km của mình sau đó.
Và Kim Tuyến cũng rất nỗ lực bám đuổi phía sau.
Kim Tuyến hoàn thành phần thi của mình, chạm vào vai của Lâm Quang Nhật để VĐV tiếp tục phần thi cho đội Việt Nam.
Yeong của Malaysia cũng hoàn thành trong tình trạng kiệt sức.
VĐV này ngã gục xuống sàn và cần nhờ đến sự trợ giúp của đội y tế.
Ngay sau đó, Kim Tuyến cùng các thành viên ban huấn luyện viên Việt Nam đã khiếu nại với ban tổ chức về hành vi đạp xe không đúng cung đường của VĐV Malaysia. Việc khiếu kiện được áp dụng đúng quy định của ban tổ chức là đội khiếu nại cần nộp đơn và khoản lệ phí 100 USD để chờ giải quyết. Nếu khiếu nại đúng sẽ được nhận lại khoản tiền này.
Lâm Quang Nhật cũng đã có phần thi bơi xuất sắc, giúp Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các đội phía trên. Anh chàng từng giành huy chương bơi 1500m SEA Games này thực hiện phần thi của mình đầy nỗ lực.
Khoảnh khắc Lâm Quang Nhật chạm vai Phạm Thúy Vi để VĐV thứ ba của Việt Nam xuất phát.
Phạm Thúy Vi là một kiện tướng bơi lội và hiện đang huấn luyện môn bơi tại Singapore.
Cô nhanh chóng hoàn thành phần bơi 300m của mình rất ấn tượng.
Vượt trên cả thành viên nữ thứ ba của Malaysia.
Khoảnh khắc vào trạm chuyển tiếp sau phần đạp xe của Phạm Thúy Vi với đối thủ Malaysia gần như cùng lúc.
Màn kết thúc "all-out" của các VĐV trong phần thi chạy 1,8km đã cho thấy sự khắc nghiệt của nội dung này. Hầu hết các VĐV đều ngã quỵ và phải cần đến sự giúp đỡ của y tế.
Phạm Thúy Vi hoàn thành đường chạy của mình, bàn giao lại nhiệm vụ cuối cùng cho Lê Hoàng Vũ.
Lê Hoàng Vũ có phần thi bơi tốt hơn rất nhiều so với lần thi đấu 3 môn phối hợp đơn nam sáng 1/12/2019. Anh đã nỗ lực lớn trong các phần thi đạp xe và chạy tiếp theo (2km).
Trong khi đó, đội Philippines đã về đích, bỏ xa các đối thủ còn lại. Lực lượng đồng đều của Philippines giúp chủ nhà có huy chương vàng thứ 4/5 nội dung đã thi đấu.
Đội Singapore với sức trẻ đã xuất sắc giành huy chương bạc nội dung này.
Đội Indonesia cho thấy nội lực vô cùng lớn ở nội dung tiếp sức, giành huy chương đồng ấn tượng, mặc dù cách đó vài giờ, Desiana vừa thi đấu 2 môn phối hợp nữ, nội dung mà Nguyễn Thị Phương Trinh của Việt Nam giành tấm huy chương đồng lịch sử.
Chong là nam VĐV cuối cùng của Malaysia thực hiện phần thi của nội dung 3 môn phối hợp tiếp sức hỗn hợp.
Do bung sức để đua với đội Indonesia nên VĐV này đã đỏ gục sau khi cán đích.
Chong là VĐV đầu tiên sau 2 ngày thi đấu phần cần đến xe cáng vào khu hỗ trợ y tế, dù trước đó có khá nhiều VĐV kiệt sức, phải ngồi xe đẩy.
Lê Hoàng Vũ rút đích đầy nỗ lực để giúp đội Việt Nam về đích thứ 5. Tuy nhiên, sau khi khiếu nại của đội Việt Nam thành công, kết quả của đội Malaysia đã không được công nhận. Đội Việt Nam chính thức về đích ở vị trí thứ 4 nội dung hấp dẫn này.
Các thành viên của đội Việt Nam dự nội dung 3 môn phối hợp tiếp sức hỗn hợp sau khi kết thúc phần thi của mình. Tất cả đều vui mừng vì đây là sân chơi đầu tiên tại SEA Games 30 của triathlon và duathlon Việt Nam và đội đặt mục tiêu học hỏi lên hàng đầu, hướng đến SEA Games 31 tại Việt Nam 2 năm nữa.