Trước lễ khai mạc SEA Games 32: Ngỡ ngàng với chủ nhà Campuchia "bừng sức sống"
3.000 tỷ đồng và cam kết tổ chức SEA Games 32 như Olympic
"SEA Games 32 là một sự kiện lớn mà chúng tôi cần chi rất nhiều tiền. Trung Quốc đã giúp xây dựng SVĐ Quốc gia Morodok Techo còn chúng tôi cũng sử dụng ngân sách của mình để bổ sung vào công trình đó và các cơ sở vật chất khác.
Trước đây, tôi đã nói chúng tôi sẽ chi khoảng 40 triệu USD mỗi năm. Như vậy, công tác chuẩn bị cho đến nay đã được 3 năm (tính đến đầu năm 2023) và bây giờ tổng kinh phí phải bỏ ra sẽ là hơn 100 triệu USD. Tôi không che giấu sự thật này". Tờ Phnom Penh Post đăng phát biểu của của Thủ tướng Hun Sen tại một hội nghị hồi cuối tháng 1 năm nay.
Thủ tướng Campuchia cho biết: “Chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức kỳ SEA Games 32 một cách có trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho tất cả các đoàn thể thao khu vực đến thi đấu".
Tờ Thmey Thmey cho biết thêm, Campuchia chi thêm 7 triệu USD bổ sung vào kinh phí tổ chức SEA Games 32. Kinh phí này chủ yếu phục vụ chi trả sinh hoạt cho tất cả 11 đoàn tham dự. Tổng kinh phí tổ chức SEA Games 32 khoảng 131 triệu USD (tương đương hơn 3.000 tỷ đồng).
Campuchia cũng đưa ra quyết định chưa có tiền lệ. Họ miễn phí ăn ở, di chuyển cho các đoàn, bản quyền truyền hình... Tổng thư ký BTC SEA Games 32 Vath Chamroeun cho biết, Campuchia sẽ mang đến trải nghiệm theo tiêu chuẩn Olympic ở kỳ đại hội này.
Ngỡ ngàng với Campuchia
Đối với các quốc gia mới lần đầu tổ chức SEA Games, hẳn nhiên, cảm giác lo ngại luôn hiện hữu. Tuy vậy, trong 10 ngày đồng hành cùng nước chủ nhà, chúng tôi hết sức ngạc nhiên về sự quy củ nơi đây.
Điều dễ dàng nhận thấy là cách sắp xếp các địa điểm thi đấu. Campuchia tổ chức ở 5 địa điểm: Phnom Penh, Siem Reap, Sihanoukville, Kampot, Kep. Trong đó, Phnom Penh là khu vực chính, tổ chức hơn 30 môn.
Dù vậy, nước chủ nhà quy hoạch trong bán kính khoảng 30km; bao gồm 3 khu thi đấu chính là Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Chroy Changvar, Sân Olympic và khu phức hợp thể thao Modorok Techo. Trong đó, Modorok Techo là niềm tự hào, biểu tượng mới của Campuchia.
Sân vận động có sứa chứa khoảng 60.000 chỗ ngồi chỉ để tổ chức khai mạc, bế mạc và điền kinh. Kiến trúc của công trình này khiến người xem cảm giác choáng ngợp với vẻ đẹp, sự bề thế, sạch sẽ.
Trong khi đó, Trung tâm hội nghị triển lãm quốc tế Chroy Changvar được phân chia tách bạch các hall (hội trường) để tổ chức các môn khác nhau và có thể cùng tổ chức một thời điểm. Sự phân bổ này giúp người hâm mộ dễ dàng tìm kiếm thông tin để theo dõi.
Thậm chí, các sân đấu bóng đá cũng thuộc khu vực trung tâm. Chính sự thuận tiện này giúp giới truyền thông dễ dàng di chuyển, đưa tin nhiều nhất có thể các môn thể thao diễn ra. Nước chủ nhà bố trí lịch thi đấu khá hợp lý, theo kiểu cuốn chiếu để tạo sự thuận tiện nhất cho cả BTC, truyền thông lẫn người hâm mộ.
Bên cạnh lực lượng tình nguyện viên đông đảo, Campuchia bố trí số đông lực lượng an ninh làm nhiệm vụ ở các khu vực thi đấu. Thậm chí, ở sân vận động Prince Stadium, nơi không tổ chức các trận đấu của chủ nhà, để vào sân, tất cả phải được kiểm tra nghiêm ngặt qua 3 cổng an ninh.
Cổng chính đầu tiên kiểm soát vé, cổng từ thứ hai kiểm tra tất cả vật dụng mang theo người, cổng thứ 3 là lực lượng tình nguyện viên rà soát lại vé. Mỗi khu vực trong trận đấu, lực lượng an ninh túc trực và chỉ cho phép các bộ phận có liên quan đi vào.
Trong một lần tác nghiệp ở sân Prince Stadium, khi giới truyền thông phản ánh về hạ tầng internet không đủ đáp ứng số đông phóng viên, chủ nhà nhanh chóng khắc phục và đường truyền internet sớm ổn định trở lại.
Sự chu đáo còn được thể hiện ở cách xây dựng hình ảnh của nước chủ nhà. Họ gửi các phóng viên sang Việt Nam để học hỏi cách chụp ảnh, làm truyền hình về thể thao. Họ thuê những người gạo cội, giàu kinh nghiệm để đảm trách các công việc khác nhau, liên quan đến khâu tổ chức.
Ngoài việc xây dựng ekip BHL U22 Campuchia là người Nhật Bản, nước này cũng thuê những chuyên gia đến từ xứ sở mặt trời mọc đảm trách chăm sóc sân Olympic. Họ tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ để giúp sân có mặt cỏ khá tốt.
Hay như đội ngũ truyền hình của Hàn Quốc, Trung Quốc góp sức vào công tác tuyên truyền giải đấu. Theo ghi nhận, website của SEA Games 32 được thiết kế đẹp mắt, hiện đại, cập nhật nhanh chóng, dễ tìm kiếm.
Những câu chuyện “dở khóc, dở cười”, tranh cãi về chuyên môn trên sàn đấu luôn thường xuyên xảy ra ở mỗi kỳ SEA Games. Một vài những thiếu sót khó tránh khỏi. Tuy vậy, nhìn cách thức tổ chức, vận hành bộ máy của nước chủ nhà, tất cả đều phải ngạc nhiên, bất ngờ và chờ đợi vào một trong những kỳ SEA Games có cách thức tổ chức tốt nhất từ trước đến nay.