"Bóng đá là phần lớn nhưng không phải là tất cả của TTVN"
Buổi giao lưu trực tuyến với mục đích giúp người yêu thể thao cả nước hiểu rõ hơn về Cúp Chiến thắng - “Oscar của thể thao Việt Nam” lần đầu tiên tại Việt Nam, cũng như hàng loạt gương mặt xuất sắc được đề cử, BTC Cúp Chiến thắng - Báo Thể thao 24h, Ban biên Tập Truyền hình Cáp Việt Nam và Công ty Cổ phần Thể thao 24h sẽ tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến với chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, thành viên Hội Đồng Giám khảo và ngôi sao điền kinh Nguyễn Thị Huyền, một ứng viên sáng giá của hạng mục “Nữ VĐV của năm”.
Chuyên gia kỳ cựu Nguyễn Hồng Minh từng là Vụ trưởng Vụ Thể thao Thành tích cao, Trưởng đoàn TTVN tại nhiều kỳ SEA Games, ASIAD và Olympic.
Ngoài những hiểu biết đầy đủ, sâu sắc và toàn diện về TTVN qua hơn 4 thập kỷ gắn bó, ông Nguyễn Hồng Minh còn nổi tiếng là người luôn có những ý kiến sắc sảo, kịp thời, rất có trọng lượng về những vấn đề “nóng” của đời sống thể thao.
Ngôi sao điền kinh Nguyễn Thị Huyền bằng nghị lực ý chí phi thường cùng tài năng đặc biệt của mình đã vừa có một năm thành công rực rỡ, nổi bật là 3 tấm HCV, 2 kỷ lục, 2 chuẩn Olympic tại SEA Games 28, cùng 1 HCV tại Asian Grand Prix. Huyền cũng là VĐV Việt Nam đầu tiên giành quyền dự tranh giải điền kinh vô địch thế giới.
Dưới đây là nội dung của buổi giao lưu trực tuyến giữa chuyên gia Nguyễn Hồng Minh và kỷ lục gia SEA Games Nguyễn Thị Huyền với NHM:
- Thưa ông Nguyễn Hồng Minh, là người gắn bó với thể thao Việt Nam, tham gia vào hàng loạt sự kiện, ông thấy Cúp Chiến thắng có gì khác biệt và đặc sắc? Với bản thân mình, ông kỳ vọng những gì về Cúp Chiến thắng? Ông có thể chia sẻ gì với giới chuyên môn, cùng người yêu thể thao, những người sẽ trực tiếp bầu chọn cho các hạng mục giải thưởng? (Câu hỏi của độc giả Vũ Tuấn Anh, 32 tuổi đến từ Hà Nội).
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Xin chào tất cả các bạn yêu mến thể thao và quan tâm tới thể thao Việt Nam. Câu hỏi của bạn đòi hỏi người trả lời phải có sự tổng hợp rất nhiều những mặt của thể thao Việt Nam. Sự độc đáo của Cúp Chiến thắng nằm ở ý tưởng sáng tạo. Tôi chú trọng đến ý tưởng sáng tạo, xác định Cúp Chiến thắng là "giải Oscar của thể thao Việt Nam". Sáng tạo ở điểm khi TTVN đang gặp khó khăn trong việc phát triển, NHM muốn tìm hiểu nhiều hơn về đóng góp của các VĐV. Nếu tìm được những người xuất sắc nhất, có cống hiến nhiều nhất, những người yêu mến thể thao có thể hiểu được tính cống hiến và sự đóng góp của các VĐV cho TTVN. Sự sáng tạo là tìm ra một người điển hình nhất, xuất sắc nhất cho TTVN trong 1 năm, mà trong 1 năm không thể có đầy đủ các sự kiện ở tầm khu vực, châu lục và thế giới cùng diễn ra, như năm 2015 có SEA Games 28 nhưng lại thiếu ASIAD hay Olympic. Thành tích của TTVN ở tầm khu vực là rất tố nhưng khi tranh tài ở tầm châu lục và thế giới thì chúng ta vẫn còn khoảng cách, vì vậy việc tổng hợp và so sánh thành tích của các VĐV trong năm đó, cũng như việc căn cứ vào tiêu chí nào để chọn ra VĐV xuất sắc nhất là điều rất khó khăn.
Khi các thành viên BTC của Báo Thể thao 24h, VTVCab trao đổi, tôi cảm thấy hết sức vui mừng và tôi kỳ vọng điều lớn lao nhất thể thao là một phạm trù chuyên môn hẹp, nhưng thể thao là lựa chọn ra những VĐV tập luyện và huấn luyện đỉnh cao. VĐV xuất sắc là đại diện cho sự giáo dục, tiến bộ của một đất nước, xã hội. Nếu Cúp Chiến thắng được tổ chức hàng năm, những VĐV sẽ có dịp được đến gần hơn với những NHM và đó là bước chuyển mình của TTVN trên bước đường phát triển. Ở những giải thể thao thường niên, có người được giải nhất nhưng cũng có giải nhì hay giải ba, nhưng giải thưởng của Cúp Chiến thắng là để tôn vinh một con người duy nhất. Vì thế, phải tìm ra người xứng đáng nhất buộc chúng ta cần phải có thời gian để xem xét, cân nhắc và suy nghĩ thật kỹ lưỡng trước khi bầu chọn.
- Xin chào kỷ lục gia Nguyễn Thị Huyền, được biết Huyền đang nhận được số phiếu bầu chọn từ rất nhiều người hâm mộ ở hạng mục “VĐV nữ của năm” của Cúp Chiến thắng. Chị đánh giá khả năng chiến thắng của mình như thế nào, và đâu là gương mặt mà chị ấn tượng nhất trong các đề cử cùng hạng mục với mình (Câu hỏi của độc giả Vương Thị Nhàn tại 23 Hàng Bông, Hà Nội).
Nguyễn Thị Huyền: Mình chào tất cả người hâm mộ. Mình rất vui khi được tham dự buổi giao lưu trực tuyến Cúp Chiến thắng 2015. Tuy nhiên, ấn tượng với mình nhất là kình ngư Ánh Viên. Như các bạn đã biết, kình ngư Ánh Viên là một gương mặt khá nổi trội với việc đạt nhiều thành tích nổi bật ở SEA Games 28 vừa rồi với 8 HCV và 8 kỷ lục SEA Games cùng 3 chuẩn A Olympic. Ai dự tranh cũng rất kỳ vọng vào chiến thắng, tuy nhiên theo mình nghĩ là VĐV nào được đề cử ở hạng mục này đều xứng đáng giành danh hiệu này. Với bản thân mình, việc lọt vào danh sách đề cử và nhận được sự quan tâm đặc biệt của NHM đã là một vinh dự và động lực phấn đấu lớn.
- Được biết ông là nhà quản lý thể thao, vợ ông là cựu kỷ lục gia điền kinh, con gái là một Hoa hậu thể thao. Xin hỏi ông Minh, một gia đình thể thao có gì đặc thù, nhất là những thuận lợi và khó khăn để thu xếp cuộc sống? Bí quyết của ông khi mà đã ở tuổi 70 vẫn giữ được sức khỏe, phong độ và liên tục tham gia vào các hoạt động của đời sống thể thao? (Câu hỏi của độc giả Nguyễn Thị Ngà, TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai)
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Đối với một gia đình thể thao, có một thuận lợi cơ bản, đó là sự chia sẻ và cảm thông với nhau từ nhận thức tư tưởng cho đến việc cùng giải quyết những khó khăn trong cuộc sống, trước tiên là chuyên môn thể thao và sau đó là khắc phục những trở ngại trong gia đình. Khó khăn là thiếu thời gian, sự quây quần ở cùng 1 thời điểm để giải quyết những vấn đề của cuộc sống. Tôi đã thấy điều đó ở rất nhiều gia đình thể thao của các thế hệ, từ anh Quốc Cường, chị Đặng Thị Đông; gia đình của chị Hoàng An, anh Tô Hiền. Hầu hết họ đều có khó khăn. Hiện nay, các gia đình thể thao trẻ cũng phải khắc phục những trở ngại như vậy.
Đối với chúng tôi thì thời gian là yếu tố khó khăn hàng đầu. Cả một thời kỳ dài tôi ở nhà với các con còn vợ tôi phải đi tập luyện, tập huấn và học tập xa nhà. Sau này, khi nhà tôi làm giáo viên, tôi lại cùng các VĐV rong ruổi trên các chặng đường thể thao và suốt ngày đêm vắng nhà. Tôi hiểu rằng những người tham gia thể thao không hối tiếc hay ân hận bất cứ điều gì, họ luôn theo đuổi và nỗ lực cho sự nghiệp thể thao mà mình đã gắn bó. 10 năm qua, tôi đã cùng anh chị em làm thể thao, từ các VĐV, HLV đến các phóng viên, biên tập viên, bình luận viên - họ là những người luôn đồng hành với tôi để đóng góp cho sự phát triển của thể thao Việt Nam, nghĩ những điều tốt lành, tranh đấu và phản biện với những điều tiêu cực, hòa đồng cùng những người cùng chí hướng và phát huy sức mạnh của truyền thông để đóng góp cho sự phát triển của thể thao.
Hoạt động với tinh thần như thế, tôi cảm thấy mình vẫn còn tỉnh táo và mạnh mẽ. Sự quen biết, phối hợp những vấn đề cùng quan tâm của giới thể thao xa gần, đặc biệt là anh chị em giới truyền thông luôn là nguồn cảm hứng, động viên tôi. Tôi cũng có bệnh và khi tuổi càng cao thì bệnh tật có thể cũng càng phát triển, nhưng các yếu tố trên đã giúp tôi đẩy lùi bệnh tật để hy vọng tiếp tục cùng những người yêu mến thể thao góp sức cho thể thao Việt Nam phát triển.
- Chào chị Nguyễn Thị Huyền, em là một đồng hương Nam Định, xin được hỏi cuộc sống của chị Huyền và gia đình đã thay đổi như thế nào sau SEA Games 28? Nghe nói Huyền đã được xét đặc cách vào biên chế của thể thao Nam Định? Chị Huyền có thi thoảng có giúp mẹ làm đồng hay không? (Câu hỏi của độc giả Ngô Nam Thanh, 18 tuổi CH Séc)
Nguyễn Thị Huyền: Trước hết cảm ơn sự quan tâm của em đến chị và gia đình. Sau SEA Games, nhờ thành tích cùng những nguồn động viên tinh thần và vật chất, chị rất mừng vì đã có thể giúp cho cuộc sống của gia đình và bản thân chị được cải thiện rất nhiều. Trong đó, điều khiến chị đã có thể toàn tâm toàn ý cho đường chạy chính là những thành quả của mình đã giúp cho mẹ đỡ phải lo lắng, vui vẻ hơn và khỏe mạnh hơn. Chị được biết, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã quan tâm để chị được xét đặc cách vào biên chế, tuy nhiên hiện vẫn đang phải chờ hoàn thiện về thủ tục. Nhà chị đang làm 1 mẫu ruộng. Vào các dịp nghỉ, chị vẫn tranh thủ tối đa thời gian để giúp mẹ việc đồng áng. Em có tin không, không có việc gì của con nhà nông mà chị chưa từng không làm.
- Huyền có thể cho biết sở thích cá nhân của mình. Chúng tôi thấy Huyền không chỉ xinh đẹp, ăn mặc có gu mà còn xuất hiện rất thành công trong các bộ mẫu ảnh, hay chương trình truyền hình. Chị có bao giờ nghĩ đến khả năng mình sẽ lấn sân sang showbiz? (Câu hỏi của độc giả Trần Văn Thắng, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang).
Nguyễn Thị Huyền: Cũng như bao bạn nữ khác, mình cũng có những sở thích như shopping, ngồi "chém gió" với bạn bè thân. Ngoài điền kinh, mình còn thích thử thách bản thân ở nhiều trò chơi mạo hiểm như tàu lượn siêu tốc, trượt ống nước và mình cũng rất "siêu" ở mấy trò này đấy. Thực ra, việc mình tranh thủ tham gia vào một số chương trình truyền hình hay chụp hình mẫu chỉ là để trải nghiệm, trau dồi, học hỏi các kỹ năng khác trong cuộc sống. Mình chưa bao giờ nghĩ mình là một ngôi sao hay có thể lấn sân sang showbiz. Với mình, điền kinh mới là sự nghiệp và cuộc sống của mình.
- Trong các lần cầm quân của ông, đâu là sự kiện ấn tượng và kỷ niệm đặc biệt nhất. Có điều gì mà ông còn nuối tiếc trong các lần mình làm Trưởng đoàn? (Câu hỏi của độc giả Trần Văn Hùng ở Hồng Bàng, Hải Phòng).
- Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Thật khó có thể nói đâu là sự kiện đáng ghi nhớ nhất. Tôi chỉ muốn nói đến những điều cảm xúc lớn diễn ra trong những sự kiện không thể quên. SEA Games 22 năm 2003 tại nước nhà, đây là sự kiện không phải của riêng ngành thể thao, mà còn có ảnh hưởng chính trị - xã hội lớn ở Việt Nam; sự kiện này nhận được sự quan tâm đặc biệt khi mà Chủ tịch nước, Thủ tướng chính phủ, Phó Thủ tướng trực tiếp tham gia chỉ đạo tổ chức; hàng triệu đồng bào cả nước đến các địa điểm thi đấu để ủng hộ và cổ vũ cho các VĐV chủ nhà. Tôi nhớ có một chi tiết thế này: Có một đám đông các em thanh thiếu niên đi cổ vũ thể thao bằng motor, họ đã vi phạm quy chế giao thông, đã bị các đồng chí CSGT giữ lại để xử lý. Việc này diễn ra ngay trên đường Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thái Học nhưng lúc đó tôi với tư cách Trưởng đoàn TTVN đã nói với các đồng chí CSGT: "Hôm nay là 1 ngày vui mừng của TTVN và những NHM, tôi xin các đồng chí "tha" cho các em và các cháu, cùng với những lời khuyên rằng đoàn motor chỉ nên đi hành tiến thôi, không nên chạy đua với tốc độ cao để xảy ra tai nạn. Cả đoàn motor hò reo và các đồng chí CSGT cũng sẵn lòng "tha thứ cho các cháu" và khuyên họ gìn giữ trật tự và an toàn.
Sẽ còn nhiều kỷ niệm vui buồn khác không thể kể ra hết, nhưng có một điều chung nhất, đấu trường châu lục và thế giới vô cùng khó khăn và tôi đã chứng kiến, đã trân trọng thậm chí đã biết ơn tất cả các VĐV của TTVN, cả những người thành công và những người chưa đạt được mong muốn. Giờ đây, nhiều lần gặp lại họ, tôi vẫn có những cảm xúc như vậy. Sẽ còn nhiều thế hệ VĐV nữa, họ sẽ có trình độ cao hơn những thế hệ trước nhưng họ vẫn phải cố gắng, chịu đựng hy sinh để góp phần nâng cao thành tích cho thể thao nước nhà.
- Người ta đã nói nhiều về bộ đôi đẹp nhất làng điền kinh, giữa chị với đồng đội Quách Công Lịch, còn bản thân chị có thể tiết lộ gì thêm? Xin hỏi thật có bao giờ Huyền thấy khó xử khi liên tục phải đối đầu trực tiếp, rồi nhiều lần đánh bại người đồng đội thân thiết Quách Thị Lan đồng thời là em gái của người yêu Huyền? (Câu hỏi của độc giả Vương Đình Lan, TP. Phan Thiết).
Nguyễn Thị Huyền: (Cười) Thực sự tôi rất ngạc nhiên khi trên các diễn đàn lại cứ hay nhắc về chuyện bộ đôi điền kinh mà trong đó tôi là người trong cuộc. Chuyện tình cảm có những điều rất khó, tôi chỉ nói rằng chúng tôi đang là những người anh em, bạn bè và đồng đội thân thiết trong ĐTQG điền kinh. Còn tôi và Quách Thị Lan là đồng đội thân thiết, đã từng có thâm niên tập luyện thi đấu cùng nội dung (400m và 400m rào), ở cùng phòng trong 2 năm. Chúng tôi luôn xác định, trong tập luyện và sinh hoạt phải luôn đoàn kết hỗ trợ tối đa. Còn khi bước vào đường chạy thi đấu, phải luôn thi đấu với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Tôi không chỉ thắng mà cũng nhiều lần thua Lan. Chúng tôi chưa bao giờ có chút lăn tăn hay tư tưởng nhường nhịn trên đường chạy.
- Ông từng nói rằng 2015 là một năm thành công bậc nhất của thể thao Việt Nam, trừ bóng đá. Và cũng như nhiều lần khác, hễ bóng đá thất bại là coi như cả thể thao Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực theo. Ông có nhìn nhận gì xung quanh hiện tượng đầy nghịch lý này? (Câu hỏi của bạn Nguyễn Ngọc Thiện ở quận 3, TP.HCM).
Chuyên gia Nguyễn Hồng Minh: Trước hết cho phép tôi bày tỏ, nhận định trên có phần cảm tính theo những sự mong muốn của các bạn yêu mến bóng đá. Phải thừa nhận bóng đá là môn thể thao được đông đảo quần chúng yêu thích nhất, và từ sự yêu thích do chúng ta kỳ vọng lớn vào thành tích của bóng đá. Bóng đá là một phần lớn của TTVN, nhưng không phải là tất cả của TTVN. Nhìn nhận vào thành tích của TTVN lâu nay và đặc biệt là 2015, chúng ta thấy chưa thỏa mãn, vui mừng vì thành tích của bóng đá. Rõ ràng, bóng đá đã có những sự tiến bộ, sự tiến bộ đó không phải ở việc đạt được HCĐ ở SEA Games 28 mà theo tôi đó là sự chuyển biến tích cực theo hướng chuyên nghiệp hóa và xã hội hóa của bóng đá, đặc biệt là ở quá trình xã hội hóa. Thành tích của đoàn TTVN đặc biệt xuất sắc ở SEA Games 28 tại Singapore với sự thắng lợi gần như tuyệt đối của nhiều môn thể thao thuộc chương trình Olympic, của ĐT điền kinh với 11 HCV, bơi với 10 HCV, thể dục dụng cụ với 9 HCV. Ngoài ra, đấu kiếm hay đua thuyền cũng đạt thành tích rất tuyệt vời. Bên cạnh đó, chúng ta thấy nhiều thành tích cao trên đấu trường châu lục và thế giới của Cờ vua, Tennis, Đua thuyền... đã khẳng định những bước tiến mới của TTVN.
Nhiều VĐV trẻ xuất sắc là điều mang lại cho chúng ta sự hy vọng, bởi lẽ nếu như thiếu hụt đi lực lượng này, những năm tháng sau chúng ta sẽ rất khó để có thành tích trên đấu trường châu lục. Chúng ta cũng hy vọng, với sự quyết tâm lớn của LĐBĐ Việt Nam, những người yêu mến môn bóng đá và đặc biệt là các doanh nghiệp có sự hy sinh, đầu tư lớn cho bóng đá, với sự quan tâm của chính phủ, bóng đá Việt Nam sẽ có những biến chuyển tích cực trong thời gian tới. Tôi chỉ nói biến chuyển tích cực chứ tôi chưa nói là những thay đổi lớn, bởi lẽ quá trình phát triển của bóng đá sẽ phải gắn chặt hơn nữa với xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, điều mà muốn thực hiện được cũng cần phải có thời gian để có sự đổi thay về nhận thức.
- Mục tiêu và kế hoạch tập huấn thi đấu của Huyền trong thời gian tới như thế nào như thế nào. Qua theo dõi của chúng tôi, có vẻ như Huyền không mấy mặn mà đi nước ngoài tập huấn? Với thực tế của mình hiện tại, theo Huyền, đâu là điều kiện mình cần nhất để tiếp tục vươn cao? Câu hỏi của độc giả Nguyễn Thị Phương tại TP. Nam Định.
Nguyễn Thị Huyền: Hiện tại, Huyền đang gặp chấn thương, Huyền vẫn tập luyện kết hợp chữa trị bằng vật lí trị liệu để có thể nhanh hồi phục và quay lại tập luyện đỉnh cao. Mục tiêu của Huyền là phấn đấu giành suất chính thức tới Olympic 2016 cũng như chuẩn bị cho các đấu trường quốc tế tầm cao khác như ASIAD 2018. Còn về chuyện tập huấn nước ngoài, thực sự là theo quan điểm cá nhân của Huyền, việc tập luyện trong nước cũng có thể đảm bảo phong độ và thành tích, miễn sao có đủ các điều kiện cần thiết. Ở thời điểm hiện tại, Huyền đang phải tập một mình và mình mong nhất có một quân "xanh" là một đồng nghiệp nam để có thể giúp Huyền phát huy cao nhất khả năng và sự nỗ lực trong các bài tập.
Video buổi giao lưu trực tuyến của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh và VĐV Nguyễn Thị Huyền:
Vì thời gian của cuộc giao lưu trực tuyến có hạn, các khách mời không có điều kiện để trả lời tất cả số lượng câu hỏi rất lớn của độc giả gửi từ khắp mọi miền đất nước. Trong thời gian tới, tòa soạn báo Thể thao 24h sẽ chuyển những câu hỏi này đến cho chuyên gia Nguyễn Hồng Minh và VĐV điền kinh Nguyễn Thị Huyền và sẽ đăng tải thông tin qua cả 2 kênh thông tin là Báo Thể thao 24h và trang điện tử thethao24.tv
Mọi thông tin về Cúp Chiến thắng 2015, quý độc giả tham khảo tại địa chỉ hoặc cupchienthang.vn