Bóng đá trẻ: Cần mô hình, hay cần sự tử tế?
1/Mùa hè năm ngoái, tôi có đến mục sở thị lớp học bóng đá cho các em nhỏ ở Trại hè bóng đá Yamaha được tổ chức sại SVĐ ĐH Bách Khoa (Hà Nội). Điều khiến tôi ngạc nhiên là các thầy dạy bóng đá người Nhật Bản ở lớp học này “bắt” các em học sinh nói lời cảm ơn sau khi chào tạm biệt cha mẹ, các bậc phụ huynh “bị” yêu cầu ra về, để con mình ở lại làm việc với thầy, rồi đến đón con khi lớp học kết thúc. 5 cam kết được đưa ra với các cầu thủ nhí, trong đó có 2 điều là luôn nói lời cảm ơn với các thành viên trong gia đình và luôn phải trân trọng những thành viên khác tham gia học bóng đá cùng mình.
Nguyên lý của Trại hè Yamaha là dạy các em nhỏ ứng xử trước và song song với dạy bóng đá.
Những ông thầy dạy bóng đá trong lớp học này luôn giữ một quan điểm: Phải mang theo những gì tốt đẹp nhất của bản thân mình khi đến với các học trò nhỏ. Đầu buổi học, thầy người lớn cúi chào học sinh nhỏ. Kết thúc buổi học, mỗi ông thầy Nhật Bản lại cúi chào, nói lời cảm ơn đến những học trò Việt Nam. Không ai bảo ai, không phải là thầy yêu cầu, các cậu nhóc vốn nghịch ngợm bỗng tự động đứng thành hàng dõng dạc chào thầy, bắt tay thầy rồi quay sang bắt tay các bạn mình.
“Đã đến sân bóng, nhất là sân bóng đá trẻ, thì phải mang đến đó những điều tốt đẹp nhất, tử tế nhất của bản thân mình”, triết lý này có ở rất nhiều các ông thầy gõ đầu trẻ con của bóng đá Việt Nam.
Tôi tình cờ gặp lại cựu cầu thủ Lưu Danh Minh, một trong những người cũng tham gia chương trình Trại hè bóng đá nói trên lúc anh Minh đang dạy bóng đá cho trẻ em ở một sân bóng khác. Khi quả bóng bị rơi xuống một rãnh sâu bên rìa sân bóng, một em nhỏ đang hưng phấn với trận đấu liên lao ngay theo định nhặt bóng; anh Minh đã lập tức ngăn lại: “Để thầy nhặt!”.
Vài lần quả bóng lại tọt xuống đó, lần nào cũng là anh Minh mồ hôi nhễ nhại lao xuống vớt quả bóng vào sân cho các học trò chơi tiếp, không cho học trò nhặt bóng bởi sợ có thể dẫn đến chấn thương.
Cựu danh thủ Nguyễn Đức Thắng của Thể Công, cầu thủ “hot boy” đẹp trai cách đây 20 năm giờ đã là cha của ba bé gái. Tôi từng chứng kiến anh Thắng gặp một tình huống khá vui ở một lớp bóng đá cho trẻ em do anh mở. Vài bà mẹ của mấy cầu thủ nhí tiến đến và nói rằng lý do cho con đi học ở lớp bóng đá này “Là vì ngày xưa hâm mộ thầy Đức Thắng lắm, giờ vẫn hâm mộ, thầy vẫn cứ đẹp trai như xưa”. Anh Thắng đành cười vui đáp lại, rất cảm ơn tình cảm của các mẹ trước khi chủ động tránh đi.
Anh chia sẻ rằng, dạy bóng đá cho các con là rất khó, bên cạnh chuyên môn thì lúc nào cũng phải dạy cả các kỹ năng tốt như sự tự giác, tinh thần đồng đội học ở sân cỏ để áp dụng vào cuộc sống.
Hay như ông Đặng Gia Mẫn, dù đã lớn tuổi nhưng thỉnh thoảng vẫn vào sân để “chơi cùng các cháu tí cho vui”. Một lần, huấn luyện xong, mãi đến lúc ra gạt mồ hôi, ngồi uống nước ở một góc xa, ông Mẫn mới rút một điếu thuốc ra rít một hơi, bởi “mình là thầy, là làm gương cho tụi nhóc, riêng ở chỗ này, cái gì mà hình ảnh không tốt là phải tránh ngay”.
2/Và giờ đây có chuyện một nhân vật từng nắm giữ một chức vụ to ở một trung tâm bóng đá trẻ tố cáo lãnh đạo của mình nhận hối lộ. Câu chuyện đưa, nhận hối lộ chưa biết đúng sai, phải trái thế nào, nhưng đó là chuyện không hề tử tế, tốt đẹp gì. Chuyện đưa – nhận, người tố hay người bị tố (nếu có) chỉ luôn khiến con người ta mất đi niềm tin. Chừng nào tất cả chưa được làm sáng tỏ, thì chừng đó sẽ vẫn còn những nghi ngờ, rằng sẽ có một ai đó, hoặc bên tố hoặc bên bị tố, đã có những hành vi sai trái.
Có nhiều người làm bóng đá bận đi học hỏi mô hình bóng đá ở nước ngoài. Tìm ra một mô hình hiện đại, phù hợp đương nhiên là một chuyện tốt; nhưng dù có mô hình nào đi chăng nữa, thì để thành công vẫn phải nằm ở yếu tố con người. Con người đến với bóng đá mà tâm không sáng, sự tử tế chưa đầy đủ thì có áp vào mô hình gì đi nữa cũng không thể mang lại thành công.
Sân bóng đá trẻ nói riêng và bóng đá nói chung, luôn luôn cần đến niềm tin vào những thứ tốt đẹp và sự tử tế.
QUANG THÁI