"Búp bê" Sharapova: Không chơi quần vợt, kiếm sống kiểu gì?
Maria Sharapova vừa thắng trận đầu tiên trên đất Mỹ sau 2 năm. Nhưng cột mốc ấy không gây tò mò bằng cuộc sống bên lề của "Búp bê Nga" trong 24 tháng qua, khoảng thời gian vốn bị phủ bóng đen tối gần hết vì scandal Doping.
Sau khi bị từ chối suất đặc cách ở Roland Garros và không thể tham dự vòng loại Wimbledon vì chấn thương, Maria Sharapova đã trở lại với giải đấu chính thức đầu tiên Bank of the West Classic tại Stanford, Mỹ.
Thử thách đầu tiên cho Sharapova là tay vợt hạng 80 thế giới Jennifer Brady và sau hơn 2 giờ thi đấu Masha đánh bại Brady với tỷ số 6-2, 4-6 và 6-0.
Kể từ sau trận thắng trước Victoria Azarenka ở Indian Wells 2015, đây mới là lần đầu tiên Sharapova được hưởng cảm giác chiến thắng trên đất Mỹ.
Video Sharapova đánh bại Brady ở vòng 1 Bank of the West Classic:
Tái xuất sau 15 tháng cấm thi đấu vì doping, Sharapova đã thi đấu 3 giải trong năm nay trước khi nghỉ thi đấu do chấn thương bắp đùi gặp phải tại giải ở Rome cuối tháng 5. Trong lúc dưỡng thương, tay vợt 30 tuổi không chỉ duy trì tập thể lực mà còn dành thời gian cho nhiều hoạt động bên lề khác.
Tháng 6 vừa qua, Sharapova đã ra mắt bộ phim tài liệu “The Point” dài 55 phút, kể lại những ngày tháng thăng trầm khi cô dính tới scandal doping sử dụng chất cấm meldonium và bị phát hiện mùa trước.
Nghỉ thi đấu, Sharapova có thêm thời gian để làm việc với những nhà tài trợ vốn đã bị sứt mẻ niềm tin sau bê bối doping như Nike, HEAD và đặc biệt là hãng xe Porsche, đối tác từng tạm ngừng hợp đồng với cô. Ngoài ra, thương hiệu kẹo Sugarpova của Masha vẫn đang phát triển ổn định và ước tính công ty sẽ đạt giá trị 20 triệu USD trước năm 2018.
Bên cạnh đó, Sharapova còn du đấu và tham dự một số giải giao hữu vừa để tìm lại phong độ, vừa có thể cải thiện thu nhập với những tour đấu trả phí. Giải quần vợt đồng đội World Team Tennis Tháng mà Sharapova thi đấu tháng 7 vừa qua là một ví dụ như vậy.
Gần đây, Sharapova cũng trải lòng với bài viết gần 4.000 chữ cho Player’s Tribune, nói về những suy nghĩ của bản thân trước những ít chỉ trích từ chính những đồng nghiệp, trong đó Eugenie Bouchard là người phản ứng mạnh nhất khi gọi cô là “kẻ lừa dối”.
“Tôi biết đồng nghiệp nói gì về mình và mức độ ra sao khi một vài người phát biểu thẳng với truyền thông. Là người bình thường, thật khó để tảng lờ tất cả cũng như không cảm thấy tổn thương”.
“Nhưng đồng thời, tôi luôn cố gắng giữ thái độ rộng lượng. Tôi không muốn đáp lại những người phản đối mình bằng việc làm tương tự”, Sharapova viết.
Với vị trí 171 thế giới cùng số giải đấu tham dự hạn chế trong thời gian qua, Sharapova sẽ không thể vào thẳng vòng đấu chính US Open. Tay vợt từng vô địch giải đấu năm 2006 sẽ phải vượt vong vòng đấu loại hoặc suất đặc cách nếu muốn góp mặt tại Grand Slam cuối cùng trong năm.
Mặc dù vậy, Sharapova khẳng định đó không phải mối tập trung duy nhất lúc này: “Đó không phải thứ tôi bận tâm. Tôi không thi đấu trong thời gian dài, vì vậy mỗi trận đấu, giải đấu với tôi ở thời điểm này quan trọng hơn là nghĩ đến việc mình góp mặt ở US Open hay không”.
US Open sẽ khởi tranh vào ngày 28/08 nhưng vào lúc này, sự quan tâm lớn nhất của Sharapova là trận đấu tại vòng 2 Bank of the West Classic với Lesia Tsurenko.
Với "búp bê nước Nga", một hành trình mới tìm lại chính mình giờ mới thực sự bắt đầu...
Maria Sharapova, 30 tuổi, đang sở hữu 5 danh hiệu Grand Slam và là một trong 10 tay vợt nữ trong lịch sử giành trọn bộ 4 Grand Slam. Cựu số 1 thế giới hiện có 36,6 triệu USD tiền thưởng sự nghiệp. Tuy nhiên, thu nhập của cô chủ yếu đến từ tiền tài trợ và quảng cáo với trung bình 25 triệu USD/năm trước scandal doping năm ngoái.