Kevin Anderson và hướng đi mới để trở thành tay vợt chuyên nghiệp
Dù không thể trở thành cựu sinh viên đầu tiên sau 33 năm vô địch Grand Slam, á quân US Open Anderson cũng đã mở ra hướng đi mới cho các tay vợt trẻ hiện nay.
Sau khi đánh bại Pablo Carreno Busta ở bán kết US Open 2017, Kevin Anderson đã chạy lên khán đài ăn mừng với vợ, gia đình, huấn luyện viên và bạn bè như thể vừa giành chức vô địch.
Hai ngày sau, không còn màn ăn mừng nào nữa khi Anderson thất bại 0-3 trước Nadal trong trận chung kết. Nhưng như vậy không có nghĩa Anderson thất bại. Tay vợt 31 tuổi đang thi đấu thứ tennis hay nhất sự nghiệp sau khoảng thời gian phải ngồi ngoài vì chấn thương.
Video Nadal vượt qua Anderson để đăng quang US Open 2017:
Anderson không chỉ lần đầu lọt vào chung kết một giải Grand Slam sau 34 lần tham dự, anh còn là hạt giống thấp nhất (số 28) làm được điều này trong lịch sử, đồng thời là người Nam Phi đầu tiên trong Kỷ nguyên mở đi tới trận đấu cuối cùng US Open.
Ở tuổi 31, Anderson đang gặt hái những thành công lớn đầu tiên, và khác với nhiều tay vợt, Anderson trưởng thành từ môi trường đại học. Anh là cựu sinh viên đầu tiên giành quyền vào chung kết Grand Slam kể từ thời của Todd Martin tại US Open 1999.
“Tại Nam Phi, chúng tôi không có những chương trình hay quỹ học bổng như tại Mỹ, nơi tôi có thể thi đấu nhiều giải quanh năm để nâng cao trình độ. Điều này rất quan trọng”, Anderson nói.
Năm 2004, Anderson được tuyển vào trường đại học bởi HLV lão làng Craig Tiley, người đã xây dựng cho trường học ở Illinois một trong những giáo án quần vợt tốt nhất nước Mỹ và giúp đội tuyển trường vô địch giải NCCA (dành cho sinh viên Mỹ) và lập kỷ lục 64 chiến thắng liên tiếp.
“Lần đầu thấy Kevin, cậu ấy còn trẻ nhưng đã có sẵn sự chuyên nghiệp, khao khát thể hiện bản thân”, Tiley – hiện là CEO cho quần vợt Australia – nhớ lại: “Không dễ để đưa một tay vợt tới Illinois nhưng chúng tôi có một đội ngũ tốt với kế hoạch phát triển rõ ràng. Thật tuyệt khi thấy Kevin thành công”.
Trong số các học trò của Tiley như Amer Deliv, Brian Wilson, Rajeev Ram…, không có ai nổi trội hơn Anderson từng 3 lần vô địch quốc gia và từng đối đầu với John Isner tại giải NCCA năm 2007. Anderson và Isner cũng là 2 tay vợt thành công nhất khi chọn đại học làm nơi rèn luyện trong 15 năm qua.
“Đó là bước đi cần thiết nếu bạn không phải cá nhân xuất chúng và không có nguồn tài chính ổn định”, Anderson phân tích: “Đại học, cao đẳng là cơ hội rất lớn. Với tôi, nó giúp tôi tiến bước chắc chắn từ tay vợt trẻ trở thành chuyên nghiệp”.
Một trong những thuận lợi giúp huấn luyện viên ở các trường đại học tuyển mộ vận động viên thời gian gần đây là việc “tuổi thọ” tay vợt ngày càng được kéo dài. Do vậy, chọn trường học tập luyện 3-4 năm trước khi bước vào chuyên nghiệp năm 21 hoặc 22 tuổi không phải vấn đề lớn.
“Tôi đã học được rất nhiều, không chỉ có kỹ năng chuyên môn”, Anderson nói: “Tôi đã nói chuyện với rất nhiều đứa trẻ và khuyến khích chúng chọn môi trường đại học. Mọi thứ đang thay đổi. Tôi nghĩ xu hướng này sẽ ngày càng thịnh hành vì nó đem lại rất nhiều trải nghiệm quý báu”.
Theo Anderson, kinh phí cũng là yếu tố lớn ảnh hưởng tới chuyện tập quần vợt trong trường học: “Khi bạn 17 tuổi và có nhà tài trợ chu cấp 500.000 USD/năm, bạn có thể chơi chuyên nghiệp ngay. Nếu không, hoặc bạn chưa sẵn sàng về thể trạng và tâm lý, đại học là lựa chọn tuyệt vời với nhiều học bổng”.
Tay vợt gần nhất từng học đại học và vô địch Grand Slam là cựu số 1 thế giới, John McEnroe tại US Open 1984.