Ngày 29/4/1970: Huyền thoại Andre Agassi xuất thế để viết nên một trong những câu chuyện quái dị nhất làng tennis
Hôm nay, ngày 29/4/2020 vừa đúng sinh nhật lần thứ 50 của huyền thoại tennis Mỹ, Andre Agassi. Nhắc đến đứa con của Las Vegas ở thời điểm này chắc chắn chỉ khiến những người làm quần vợt Mỹ tủi thân. Bởi hiện nay, các tay vợt nam của Mỹ hầu như không có đại diện nào trong Top 20 thế giới! Tình trạng này khác hẳn thời của Agassi.
Chưa hẳn là tay vợt số 1 trong thế hệ do sinh nhầm thời với Pete Sampars, song Agassi vẫn kịp kết thúc sự nghiệp với bộ sưu tập danh hiệu vô địch hoàn hảo: 4 Australian Open (1995, 2000, 2001, 2003), 1 Roland Garros (1999), 1 Wimbledon (1992), 2 US Open (1994, 1999), 1 ATP Finals (1990) và 1 Olympic (1996).
Trên thực tế, tài năng của Agassi xứng đáng có nhiều danh hiệu lớn hơn thế. Tuy nhiên, tính bồng bột đã khiến anh đánh mất khá nhiều, thậm chí suýt nữa làm hỏng cả sự nghiệp. Một trong những câu chuyện quái dị nhất được chính Agassi thú nhận trong cuốn tự truyện "Open" phát hành lần đầu năm 2009: Anh đánh mất ngôi vô địch Roland Garros 1990 chỉ vì bộ tóc giả.
Đấy là thời điểm đầu của Agassi vẫn có tóc, nhưng rất thưa. Mặc cảm với cái đầu có dấu hiệu bị hói quá rõ đó, anh thường xuyên đội tóc giả. Ngặt nổi là vài ngày trước trận chung kết Roland Garros 1990, mái tóc giả của Agassi bị rách, buộc anh phải kẹp lại bằng mấy chiếc kim ghim.
Trong cuốn tự truyện "Open", Agassi ghi rõ: "Cứ mỗi bước nhảy là tôi lại sợ nó rơi xuống cát. Tôi bị ám ảnh bởi cảnh hàng triệu khán giả ngồi dán mắt vào truyền hình rồi bỗng dưng mắt trợn tròn, miệng thốt lên đủ thứ phương ngữ và ngôn ngữ kỳ quái khi tự hỏi thế quái nào mà mái tóc của Andre Agassi đang từ trên đầu anh ta rơi xuống."
Nỗi lo đó khiến Agassi chơi bóng như người mất hồn, giúp tay vợt Ecuador Andres Gomez giành được Grand Slam duy nhất trong sự nghiệp. Ngược lại, Agassi phải chờ gần 10 năm mới chinh phục được Grand Slam sân đất nện. Thất bại ngớ ngẩn này còn khiến Agassi mãi lẽo đẽo theo sau ông bạn Pete Sampras - tay vợt mở hàng bộ sưu tập Grand Slam bằng ngôi vô địch US Open 1990.
Cũng vì tính tình bồng bột, thích hào nhoáng và nổi loạn, Agassi bỏ lỡ không ít cơ hội thâu tóm danh hiệu như từng từ chối dự Wimbledon từ 1988-1990 do không thích mặc đồ toàn màu trắng.
Từ khi quen diễn viên Brooke Shields, Agassi khởi sắc với hàng loạt ngôi vô địch Grand Slam và đoạt HCV Olympic. Nhưng sau khi kết hôn với Brooke Shields năm 1997, anh bị đau cổ tay nên sa sút, rơi xuống hạng 141 thế giới.
Lại thêm quan hệ sứt mẻ với Brooke Shields dẫn đến ly hôn, Agassi tìm tới ma túy đá. Anh may mắn không bị cấm thi đấu và cũng may mắn khi tìm lại động lực thi đấu sau thời gian lết xuống chơi ở Challenger.
Ngôi vô địch Roland Garros 1999 đưa Agassi vào hàng ngũ 5 tay vợt hiếm hoi vô địch cả 4 giải thuộc hệ thống Grand Slam, bao gồm cả Fred Perry, Don Budge, Rod Laver và Roy Emerson.
Thậm chí anh giành được vị trí số 1 thế giới cuối năm 1999 sau chiến thắng đồng hương Todd Martin ở chung kết US Open. Tiếp tục thể hiện phong độ đỉnh cao, anh vô địch Australian Open 3 năm liền từ 2000-2003 để nâng tổng số danh hiệu Grand Slam lên 8, qua mặt các huyền thoại John McEnroe và Mats Wilander.
Giai đoạn thăng hoa này của Agassi trùng hợp với lúc anh làm quen cựu số 1 thế giới nữ người Đức Steffi Graf. Họ kết hôn năm 2001 và có 2 con. Chiến thắng giải ATP Tour thứ 60 năm 2005 tại Los Angeles lúc tuổi 33, Agassi lập kỷ lục là tay vợt lớn tuổi nhất giữ ngôi số 1 thế giới, thành tích sau này phải đợi tới Roger Federer mới phá nổi.
Vì chấn thương mãn tính ở lưng, Agassi kết thúc sự nghiệp tại US Open 2006. Trong giai đoạn từ 2017 đến đầu năm 2018, anh từng là thầy của tay vợt số 1 thế giới nam hiện nay - Novak Djokovic.