Phân biệt giới tính trong tennis: Không chỉ là vấn đề tiền thưởng
Năm 2015, Novak Djokovic, tay vợt nam số 1 thế giới 2015, vô địch 3/4 Grand Slam, đạt tỷ lệ chiến thắng 93,18%. Tổng số tiền thưởng mà tay vợt người Serbia nhận được là 21,65 triệu USD. Serena Williams, tay vợt nữ số 1 của WTA (Hiệp hội quần vợt nữ), cũng giành được 3/4 Grand Slam, thậm chí có tỷ lệ thắng trận lên tới 94,64% nhưng tổng số tiền mà tay vợt người Mỹ giành được “chỉ” là 10,58 triệu USD.
Mặc dù vậy, cần nói rõ rằng, sự chênh lệch trên đến từ việc Djokovic cũng giành được nhiều chiến thắng ở các giải Master trong khuôn khổ ATP, trong khi Serena lại chịu ảnh hưởng của chấn thương giai đoạn cuối mùa.
Chưa hết, đó mới chỉ là tình hình tài chính của những số 1. Chưa cần đi xa khỏi Top 10, xét trên cùng thứ hạng cuối năm 2015, các tay vợt có vị trí thấp dần thì khoảng cách về tiền thưởng giữa họ cũng có xu thế rút ngắn lại. Thậm chí, theo thống kê của BBC, ở vị trí số 6 thế giới, tiền thưởng của tay vợt nữ Petra Kvitova (3,89 triệu USD) còn lớn hơn của Tomas Berdych (3,76 triệu USD), trong khi Jo-Wilfried Tsonga (hạng 10 ATP) cũng chỉ nhỉnh hơn khoảng 10.000 USD tiền thưởng so với Angelique Kerber (hạng 10 WTA).
Thực tế, khó có môn thể thao nào mà phái nữ lại được “ưu ái” về tài chính như trong quần vợt. Hiện tại, 4 Grand Slam và nhiều giải đấu được tổ chức ở cả 2 nội dung như các giải ở Indian Wells hay Miami, đều có số tiền thưởng như nhau ở cả nội dung nam và nữ.
Sự khác biệt đến ở những giải đấu thấp hơn, nơi mà các trận đấu của nam hấp dẫn nhiều nhà tài trợ và truyền thông hơn. Năm 2014, Serena giành 1 Grand Slam, 8 danh hiệu WTA và kiếm được 6,5 triệu bảng. Cùng có 1 Grand Slam, 8 danh hiệu ATP nhưng Djokovic thu về 9,9 triệu bảng.
Theo tính toán của ATP, lượng khán giả theo dõi quần vợt qua TV đạt mốc 973 triệu người, trong đó con số theo dõi ATP World Tour Finals là 102 triệu người. Các tour đấu của nữ thu hút 395 người xem truyền hình, với 32 triệu trong số đó theo dõi giải đấu cuối năm ở Singapore.
Trong hơn 10 năm qua, ATP thu về hơn 904 triệu bảng tiền bản quyền truyền hình. Con số này của WTA 365 triệu bảng. Đây là một phần nguyên nhân giúp cho các giải đấu của nam luôn có điều kiện tài chính dồi dào hơn giải nữ.
Việc khán giả quan tâm đến quần vợt nam hơn không phải là điều mới lạ. Tuy nhiên, lợi thế về mặt thể trạng của nam giới, dẫn đến khả năng thực hiện các đường bóng khó hơn, nhanh hơn có thực sự giúp họ thu hút khán giả hơn?
Năm 2014, kênh truyền hình CBS ước tính có khoảng 2,2 triệu người theo dõi trận chung kết US Open ở giữa Marin Cilic và Kei Nishikori. Trong khi đó, cuộc đối đầu của Serena Williams và Caroline Wozniacki thu hút đến 4,5 triệu khán giả, gấp đôi so với trận đấu CK đơn nam!
Xét cho cùng, hầu hết fan hâm mộ đến sân quần vợt vì tay vợt mà họ yêu mến. Một giải đấu lớn, uy tín, chỉ là một lý do nhỏ khán giả đến sân. Màn trình diễn, sự xuất hiện của tay vợt nổi tiếng, nhiều người mến mộ mới là thỏi nam châm khiến các sân tennis hút khán giả.
Liệu có mấy ai đến sân vào ngày chủ nhật vừa rồi thực sự muốn xem Milos Raonic, tay vợt bị đánh bại bởi Djokovic 2 set sau đó? Hay như chính phát biểu của Murray, mọi người bỏ tiền để mua vé vào xem Serena Williams thi đấu chứ không phải Sergei Stakhovsky, tay vợt nam hạng 115 thế giới và chỉ được biết đến với chiến thắng lịch sử trước Federer ở vòng 2 Wimbledon 2013.
Nếu có vấn đề nào đó buộc phải đem ra thảo luận, thì đó chính là thái độ phân biệt của người hâm mộ trong các trận đấu. Serena thống trị giải nữ được coi là nhàm chán, trong khi với điều tương tự, Djokovic lại được coi là người hùng phá vỡ những kỷ lục. Trong một trận đấu, những lúc các tay vợt nam liên tiếp bị bẻ game liên tục thì trận đấu đó được coi là hấp dẫn. Còn ở nữ, điều đó lại bị cho là tâm lý yếu cùng khả năng có hạn.
Thay đổi cách nhìn nhận về quần vợt nữ, đó có lẽ mới chính là điều mà những Serena, Venus Williams Azarenka, hay xa hơn nữa là Billie Jean King, Martina Navratilova, Chris Evert – những người tiên phong trong việc đấu tranh bình đẳng - mong chờ.