Phía sau chức VĐ Wimbledon trẻ của Lý Hoàng Nam: Chuyện một “lò đào tạo quốc tế”
Nhất
Đúng dịp Hoàng Nam bước lên ngôi cao nhất tại Grand Slam trẻ trên đất Anh, ở trong nước các đàn em của tay vợt 18 tuổi này B.Bình Dương cũng “làm mưa, làm gió” giải trẻ quốc gia. Họ đã giành được HCV ở 5 trên 9 nội dung, trong khi “đại gia” TP.HCM chỉ có đúng một lần đăng quang.
Chỉ sau mấy năm gây dựng, trung tâm đào tạo tennis Becamex, đặt dưới sự điều hành của Công ty Cổ phần kinh doanh và thể thao Bình Dương đã chứng tỏ sức mạnh áp đảo của mình trong làng banh nỉ Việt Nam. Dự báo lò đào tạo theo mô hình xã hội hóa duy nhất tại Việt Nam, vốn theo đúng chuẩn quốc tế, với điều kiện cùng cách nghĩ, cách làm hoàn toàn vượt trội so với mặt bằng chung, sẽ vô đối. Họ sẽ sớm vượt khỏi “cái ao làng” để hướng tới các mục tiêu quốc tế, nhất là sau cú “hích” mang tên Hoàng Nam.
6 thầy kèm 20 trò
“Lò” B.Bình Dương đang có 20 tay vợt (19 VĐV nam và 1 VĐV nữ) các tuyến được dẫn dắt bởi 6 HLV có phân cấp rõ ràng, gồm 1 chuyên gia ngoại cầm chịch, 3 HLV chính cùng 2 HLV tập sự. Việc phát hiện, đào tạo VĐV nằm trong một quy trình chặt chẽ, bài bản theo một chương trình thống nhất.
Trong hàng loạt yếu tố tạo khác biệt cho B.Bình Dương, có lẽ quyết định nhất chính là người thầy. Có thể khẳng định, với chính sách chiêu mộ và sử dụng đặc biệt, họ luôn có lực lượng HLV hùng hậu và chuyên nghiệp nhất nước. Ngay lúc mới thành lập, B.Bình Dương đã mời được chuyên gia Nghê Phát Đạt – cựu HLV trưởng ĐTQG, người tạo nên những Trần Đức Quỳnh, Ôn Tấn Lực, Đỗ Minh Quân… và có quan hệ rất tốt với các tổ chức quốc tế. Chính ông đã tư vấn giúp Trung tâm này có được chiến lược và giải pháp mang tính đột phá. Tiếp sau HLV này là một học trò tên tuổi của ông, HLV Trần Đức Quỳnh, ông thầy trẻ đã trực tiếp phát hiện, rèn giũa Hoàng Nam.
Kinh phí không giới hạn
Theo ước tính, tổng mức B.Bình Dương đầu tư cho các tay vợt mỗi năm đều trên 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, kinh phí đào tạo ở trung tâm này là không giới hạn mà phụ thuộc vào khả năng, bước tiến của các VĐV. Cụ thể, họ không đưa ra con số cụ thể.
Trường hợp của Lý Hoàng Nam là điển hình nhất. Trong năm 2014, nhà vô địch Wimbledon trẻ này đã được đầu tư với số tiền lên đến 4 tỷ đồng nhưng không hề nhận được sự đặc cách hay ưu tiên so với các VĐV khác. Khi Hoàng Nam thể hiện được khả năng để chơi ở các sân chơi lớn hơn thì mức đầu tư sẽ tăng theo kiểu đầu tư kế tiếp.
Có nghĩa là, các tay vợt có tố chất, khả năng và khát vọng vươn cao sẽ không phải lo đến chuyện thiếu kinh phí đầu tư mà quyết định là phải chứng tỏ được mình.
“Lò” đào tạo trong màu áo B.Bình Dương đang sở hữu một hệ thống cơ sở vật chất khiển các địa phương khác phải “lác mắt” với một tổ hợp công trình thể thao: Cụm 9 sân quần vợt trong nhà và mái che tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có 1 sân trung tâm có các khán đài; cụm hồ bơi tiêu chuẩn quốc tế với đầy đủ các phòng xông hơi, massage trị liệu, phục hồi thể lực; cụm sân bóng đá, bóng rổ, cầu lông..
VĂN NHÂN