Wimbledon 2020 bị hủy: Nhiều tay vợt nhà nghề dễ trở thành Cái bang
Ngay sau khi Wimbledon 2020 trở thành "Grand Slam ma" của làng quần vợt năm nay do COVID-19, các ngôi sao hàng đầu thế giới như Roger Federer và Serena Williams đã bày tỏ sự tiếc nuối vì mất cơ hội bổ sung ngôi vô địch vào bộ sưu tập danh hiệu khổng lồ.
Thế nhưng, cảm xúc của họ so với những đồng nghiệp có thứ hạng kém hẳn thật chất chỉ là "muỗi". Bởi lẽ, có những tay vợt suốt năm chỉ chờ đợi đến các Grand Slam như Wimbledon để chi trả toàn bộ hóa đơn chỉ bằng việc cố gắng vào được đến vòng đấu chính.
Khát vọng được dự Wimbledon 2020 của các tay vợt "nhà nghèo" kỳ này càng mãnh liệt hơn, vì trước đó, BTC vừa công bố tổng tiền thưởng kỷ lục với con số vượt quá 40 triệu bảng (1.200 tỷ đồng).
Một thành viên trong Hội đồng ATP từng thừa nhận giá trị của các Grand Slam như Wimbledon: "Đối với nhiều tay vợt, tiền luôn là vấn đề.Tôi cho rằng các Grand Slam đang có những bước đi ấn tượng và chính xác. Trong mấy năm qua, các Grand Slam đã tăng tiền thưởng lên đến 300%."
Việc tham dự các Grand Slam như Wimbledon hiện càng là nhu cầu bức thiết của nhiều tay vợt, vì họ đã mất quá nhiều giải trong năm nay do COVID-19. Trong khi đó, chi phí phải trả thật không nhỏ. Ngoài những chấn thương cần điều trị và thuốc men hồi phục, một số tay vợt phải trả lương cho HLV và những khoản ăn ở.
Đây là những nguyên nhân mà ngay cả khi không đảm bảo thể lực, họ vẫn phải ra sân. "Có một điều mà những tay vợt hàng đầu có nhiều tiền hoặc nhà tài trợ nên không phải lo, nhưng trong trường hợp của mình, tôi phải cố gắng đạt được: Đó là chiến thắng nhằm kiếm được tiền," một tay vợt nữ người Romania từng leo đến hạng 59 thế giới tâm sự.
So với các giải khác, không gì kiếm tiền tốt bằng Grand Slam. Chỉ riêng năm trước, vào được vòng 1 Wimbledon là bỏ túi 45.000 bảng (1,3 tỷ đồng). Còn năm nay, tiền thưởng đã tăng lên 50.000 bảng (1,45 tỷ đồng).
Một tay vợt nữ người Bỉ hiện ngoài Top 100 thế giới cho biết: "Tình hình hiện nay thật khó khăn. Chúng tôi phải tập luyện, trả lương HLV, trả tiền thuê phòng, trả rất nhiều thứ. Nhưng nếu không thi đấu, chúng tôi chẳng có xu nào."
Một tay vợt có tiếng của Canada trong Top 100 thế giới nam từng thừa nhận chi phí di chuyển hàng năm của anh cùng HLV và 1 chuyên gia vật lý trị liệu cho khoảng 30 tuần thi đấu tốn kém đến 300.000-400.000 đô la (7-10 tỷ đồng).
Thế nhưng, rõ ràng là có không ít tay vợt cho đến tận lúc dự Wimbledon có lẽ chỉ mới bỏ túi mười mấy ngàn đô la tiền thưởng tính từ đầu năm, như một tay vợt nữ người Romania từng thừa nhận. Hãy thử hình dung tiền thưởng ở các giải nhỏ là rõ. Tay vợt vượt qua được 1 vòng loại ở Singapore có lẽ chỉ kiếm được hơn 100 đô la (2,3 triệu đồng) một tí.
Vì vậy, thành tích thi đấu ở các Grand Slam như Wimbledon sẽ quyết định họ có đủ tiền thanh toán hết chi phí không, hay sắp lâm vào cảnh nợ nần chồng chất? Buồn thay, năm nay lại không có Wimbledon - Grand Slam sân cỏ từng hứa hẹn những khoản tiền thưởng kỷ lục. Thay vào đó, viễn cảnh phải đi xin xỏ để tồn tại đang ngày càng hiện rõ trước mắt nhiều tay vợt nhà nghề.