Những khẩu hiệu ấn tượng và đặc biệt nhất của các kỳ SEA Games
Cách nay không lâu, nước bạn Campuchia - chủ nhà của SEA Games 2023 - đã chơi trội khi công bố khẩu hiệu (slogan) "Thể thao sống trong hòa bình" ("Sports live in peace") còn sớm hơn cả "người tiền nhiệm" Việt Nam 2021.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng tìm được một khẩu hiệu ấn tượng và đặc biệt cho SEA Games chẳng đơn giản. Lịch sử Đại hội Thể thao Đông Nam Á không thiếu khẩu hiệu, nhưng hàm ý súc tích thì chẳng phải kỳ nào cũng có.
“We Win as One” (Chúng ta cùng thắng) của SEA Games 2019 tại Philippines xứng đáng được xếp vào nhóm ấn tượng và đặc biệt.
Bởi lẽ, thông điệp này không đơn giản bao quát tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác của mọi thành viên khối ASEAN, mà còn lưu ý đây là kỳ Đại hội lớn nhất lịch sử với 56 môn và 529 nội dung thi đấu.
Nếu xét kỹ thì người Philippines thật sự rất có năng khiếu tạo slogan! Vì trước đó ở SEA Games 2005, họ đã có "One Heritage, One Southeast Asia" hay còn gọi là "One ASEAN, One Heritage" (Một di sản, một Đông Nam Á).
Đây là một khẩu hiệu rất dễ nhớ mà lại phản ánh trọn vẹn mong muốn đoàn kết và hợp tác giữa 11 thành viên của ASEAN.
"Rising Together" hoặc "Bangkit Bersama" (Cùng nhau lớn mạnh) là một khẩu hiệu đặc biệt ấn tượng của SEA Games 2017 ở Malaysia.
Nguyên nhân là do khẩu hiệu này không chỉ phù hợp với khát vọng luôn hướng tới của giới thể thao, mà còn phản ánh đúng thời điểm lịch sử: Kuala Lumpur 2017 là SEA Games đầu tiên sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN ngày 31/12/2015, hứa hẹn một kỷ nguyên phát triển toàn diện của khu vực.
Tương tự Philippines, Malaysia xứng đáng là bậc thầy viết slogan do ở SEA Games 2001, họ từng giới thiệu khẩu hiệu "Let's Make It the Best" (Hãy làm thành tốt nhất).
Đây là khẩu hiệu thoát khỏi những khái niệm thường xuất hiện trong các slogan thể thao, lại rất phù hợp với kỳ SEA Games đầu tiên của thế kỷ 21 và Thiên niên kỷ thứ 3.
Ở SEA Games 2011, Indonesia cũng có một khẩu hiệu độc đáo: "United and Rising" (Đoàn kết và phát triển). Khẩu hiệu này cho thấy tấm lòng người Indonesia muốn tạo cộng đồng ASEAN ngày càng hòa hợp.
Song song đó, đây còn là lời hiệu triệu hướng về người bản xứ, vì Indonesia với biệt danh "vạn đảo" rõ ràng không dễ để đạt được sự đoàn kết hoàn hảo.
Ngoài ra, chẳng thể bỏ sót một khẩu hiệu mang tính chất "ôm đồm" mà người Thái Lan thấy khó nhưng không bỏ qua: "Spirit, Friendship and Celebrations" (Tinh thần, Tình hữu nghị và Lễ kỷ niệm).
Tất cả không chỉ phù hợp với tiêu chí của SEA Games 2007, mà còn dùng được cho cả lễ thượng thọ 80 tuổi diễn ra trong cùng thời điểm đó của Nhà Vua Bhumibol Adulyadej từng đua thuyền đoạt HCV SEAP Games 1967.