EURO 2016 khan hiếm tiền đạo cắm đẳng cấp
Khi EURO 2016 đã đi qua gần hết vòng bảng, dễ nhận thấy đây không phải giải đấu dành cho các tiền đạo hàng đầu khoe tài khi hầu hết đều chơi mờ nhạt.
Có rất ít bàn thắng được ghi cho đến thời điểm này, một phần do hàng phòng ngự chơi tốt và sự kết hợp nghèo nàn từ các tiền vệ tấn công, nhưng cũng chỉ đơn giản vì tình trạng khan hiếm tiền đạo đẳng cấp.
Tiền đạo cắm không đạt tiêu chuẩn
Tất nhiên, không phải mọi đội bóng đều thiếu những trung phong thực thụ chất lượng. Ba Lan và Thụy Điển mang đến chân sút đẳng cấp thế giới là Robert Lewandowski và Zlatan Ibrahimovic, mặc dù cả hai đều buộc phải bù đắp cho điểm yếu sáng tạo của đội bóng bằng cách chơi lùi sâu hơn. Pháp, Anh, Bỉ cũng phụ thuộc vào Olivier Giroud, Harry Kane, Romelu Lukaku.
Ở các đội bóng khác, họ có rất ít lựa chọn mà chủ yếu do thiếu chất lượng. Trong thời gian còn lại của EURO 2016, các HLV sẽ phải cố gắng giải quyết vấn đề. Nhưng có một thực tế cần thừa nhận rằng, việc tồn tại với một tiền đạo duy nhất là rất khó khăn.
Có thể chỉ ra nhiều ví dụ, chẳng hạn như Haris Seferovic của Thụy Sỹ. Tiền đạo này đảm nhiệm vai trò mũi nhọn và những đóng góp cho đội bóng là không thể phủ nhận. Cho đến nay, mặc dù có 7 cơ hội ghi bàn nhưng Seferovic đã không tìm đến mành lưới đối phương.
Một số HLV đã thay thế tiền đạo của mình ở trận đấu thứ hai vòng bảng, như Kyle Lafferty và Connor Washington của Bắc Ireland; Roman Zozulya và Yevhen Seleznev của Ukraine…
Sử dụng "số 9 ảo"
Đội tuyển Tây Ban Nha từng giành chức vô địch EURO 2012 với tiền vệ Cesc Fabregas được kéo lên phía trước. Thực tế là Fabregas chơi như một "số 9 ảo" trong trận mở màn gặp Italia có tỷ số hòa 1-1. Sau đó một lần nữa chiến thuật này được sử dụng ở trận chung kết thắng Italia 4-0.
Bốn năm sau, đến lượt nhà ĐKVĐ thế giới Đức cố gắng để chơi với một "số 9 ảo". Mario Goetze đã thường xuyên được sử dụng trong vai trò đó vài năm qua. Tuy nhiên, đến nay ngôi sao của Bayern cho thấy không thoải mái ở vị trí này, một phần vì Đức phải đối mặt với hệ thống phòng thủ được tổ chức sâu. Kết quả là Goetze có không gian để nhận bóng, hoặc kéo hậu vệ đối phương ra khỏi vị trí để tạo khoảng trống cho các đồng đội.
Một trường hợp khác sử dụng :số 9 ảo" là Slovakia. Ở trận đầu tiên, HLV Jan Kozak tung Michal Duris vào sân dù cầu thủ này thiên về đá cánh. Tới trận thứ hai, Doris bị gạt bỏ nhưng thay vì tiền đạo thực thụ Adam Nemec, Ondrej Duda lại được dùng cho vai trò này và trở thành số 9 ảo xuất sắc.
Sử dụng hai cầu thủ đá cánh
Bồ Đào Nha từ lâu đã thiếu một trung phong đẳng cấp nên không có gì ngạc nhiên khi HLV Fernando Santos đưa hai cầu thủ đá cánh là Cristiano Ronaldo và Nani vào đá cặp tiền đạo. Với một Eder quá mờ nhạt trước Iceland, Santos chấp nhận đặt cược vào Ronaldo và Nani dù biết rằng họ phù hợp với vai trò chơi rộng hai bên cánh trong sơ đồ 4-3-3.
Ronaldo tất nhiên là tay săn bàn nguy hiểm nhất ngay cả khi anh không thích chơi như một số 9, đặc biệt trong sơ đồ 4-3-3. Nhưng vị trí của Nani có lẽ hữu ích hơn so với Ronaldo, mặc dù ngôi sao của Real Madrid được báo trước là bị theo dõi chặt chẽ hơn.
Ở đội tuyển xứ Wales, điều tương tự cũng xảy ra khi HLV Chris Coleman Wales dùng Robson-Kanu, một cầu thủ chạy cánh ở CLB, đá cặp tiền đạo với Gareth Bale. Kết quả là cả hai cùng ghi bàn cho đến nay, trong đó Robson-Kanu chủ yếu tạo không gian cho Bale ở trận gặp Anh.
Sử dụng hai tiền đạo song song
Chỉ có một HLV đã thực hiện phương pháp này là Antonio Conte khi ông khắc phục sự thiếu chất lượng trong đội hình của Italia. Graziano Pelle ghi được một bàn thắng ở phút cuối trận gặp Bỉ, trong khi Eder có pha lập công duy nhất chống lại Thụy Điển. Cả hai tiền đạo có phong cách khác nhau nhưng họ đều có tác động mạnh đến lối chơi bằng khả năng ghi bàn của mình.
Cũng cần lưu ý rằng, nếu Italia chơi với một trung phong và Bỉ có một cầu thủ rảnh rỗi ở phía sau, Emanuele Giaccherini đã được theo dõi thay vì có không gian để đột nhập ghi bàn.