Tại sao người bơi giỏi chuyển sang triathlon lại dễ dàng hơn?
Trước đây, chúng tôi đã có bài phân tích “Từ một chân chạy chuyển sang chơi 3 môn phối hợp khác biệt thế nào?” để nói về những khó khăn của một người chuyên chạy bộ giờ chuyển sang tập thêm cả bơi và đạp xe. Mỗi một người có một sở trường hoặc xuất phát điểm chơi tốt một môn nào đó trước khi chuyển sang bơi-đạp-chạy. Vậy người bơi tốt rồi thì có thuận lợi gì?
Với đa số người chơi triathlon thì bơi là môn được đánh giá “khoai” nhất. Để có thể bơi 1,9km trên biển hoặc ngoài môi trường nước mở (sông, hồ, ao…), người tập phải có những kỹ năng nhất định. Theo các chuyên gia thì người tập bơi rất hay gặp phải những sai lầm “chết người”, từ đó dẫn đến bơi kém hoặc có thành tích không như mong đợi.
Phạm Minh Quang, một vận động viên triathlon sống ở Singapore, từng là người Việt Nam đầu tiên giành suất tham dự giải vô địch thế giới Ironman 70.3 tại Mỹ, thành viên ban huấn luyện của đội tuyển triathlon Việt Nam dự SEA Games 30, cho biết:
“Nếu nói về cự ly Olympic (các cuộc thi như Olympic, SEA Games) trong đó cự ly thi đấu ngắn, việc bơi nhanh lên bờ sớm cùng các VĐV hạt giống rất quan trọng do khi đạp xe được quyền núp gió. Một nhóm 3 người có thể thay nhau kéo 45km/h và chỉ cần bỏ ra 1/3 sức so với người phải tự đạp một mình 45km/h. Vì vậy bơi nhanh cực kỳ quan trọng.
Bơi cũng là môn khó tập vì cần kỹ thuật và phải tập từ bé. Những người bơi có nền tảng thể lực sẵn để chuyển sang chạy/đạp. Còn những VĐV đạp chạy rất khó có thể học bơi và có kỹ thuật tốt khi đã 20-30 tuổi”.
Minh Quang cũng nhận định rằng, hiện ở Việt Nam, những người có tiềm năng lớn trở thành một VĐV triathlon giỏi khi có xuất phát là tuyển thủ bơi thì có Lâm Quang Nhật (nam) và Nguyễn Thị Kim Tuyến (nữ). Cả Quang Nhật và Kim Tuyến đều là tuyển thủ quốc gia triathlon tham dự SEA Games 30 tại Philippines năm 2019. Và cả hai đều từng là kiện tướng bơi lội, đạt nhiều thành tích đáng nể với môn bơi, trước khi sang chơi triathlon.
Lâm Quang Nhật từng giành 2 HCV và 1 HCB bơi 1.500m tại SEA Games 2013-2015-2017. Trong khi đó, Kim Tuyến từng là kình ngư nữ số 1, trước cả thời Nguyễn Thị Ánh Viên. Cô gái sinh năm 1994 này từng có thời điểm giành tới 16 HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2010. Cả Nhật và Tuyến đều đã chia tay sự nghiệp bơi lội khi còn khá trẻ và giờ chuyên tâm tập triathlon.
Ở SEA Games 30, Kim Tuyến cùng Phạm Thúy Vi thi nội dung triathlon nữ cho tuyển Việt Nam. Trong khi đó, Lâm Quang Nhật góp mặt ở nội dung tiếp sức. Với sở trường bơi lội, những VĐV này thường hoàn thành phần bơi rất tốt, không thua kém các hảo thủ mạnh đến từ Philippines, Singapore hay Malaysia.
Quá trình chuyến sang triathlon của hai VĐV này rất ngắn, nhưng cả hai đã thích nghi rất tốt, bù đắp lại sở đoản ở phần thi chạy. Hiện nay, với thời gian tập luyện dài và được chuẩn bị kỹ càng hơn, hai tuyển thủ này đã cải thiện và tiến bộ rõ nét ở các phần không phải sở trường của mình là đạp xe và chạy để trở thành những VĐV tiềm năng của tuyển triathlon quốc gia.
Hiện tại, ở đội tuyển quốc gia triathlon Việt Nam, các nhân sự không có xuất phát điểm bơi tốt như Nguyễn Tiến Hùng (Hùng Hải, sở trường chạy) và Nguyễn Thị Phương Trinh (sở trường đạp xe)… đều đã được sắp xếp vị trí phù hợp hơn là thi đấu ở nội dung duathlon (chạy-đạp xe-chạy). Cả hai đã chứng tỏ khả năng bắt nhịp tốt khi Phương Trinh giành tấm HCĐ quý giá nội dung duathlon SEA Games 30, mở ra những kỳ vọng mới cho bộ môn này tại SEA Games 31 năm tới.
Triathlon/Duathlon không có tên trong danh sách 36 môn thể thao chính thức do chủ nhà Việt Nam lựa chọn cho SEA Games 31. Tuy nhiên, có thông tin môn này có khả năng nằm trong số 4 môn bổ sung sẽ được quyết định trong cuộc họp các nước tham dự SEA Games 31 tại Hà Nội vào cuối năm nay. Nếu Triathlon/Duathlon được chọn thì địa điểm tổ chức sẽ là Tuần Châu (Quảng Ninh).