Nhà báo Phan Đăng: Cái giá của “chín ép”
Cái suất đá V.League “từ trên trời rơi xuống” ấy giúp một địa phương bóng đá hẻo lánh bỗng lần đầu tiên có mặt ở sân chơi số 1 bóng đá nước nhà, và lúc ấy nhiều người nghĩ nó sẽ là một động lực để phong trào bóng đá của địa phương này phất lên.
Thực tế, chẳng riêng gì Đồng Nai, bất cứ địa phương nào lần đầu tiên có đội bóng chơi V.League, bất luận là chơi nhờ giành vé thăng hạng chính thức hay nhờ ai đó nhường suất cho mình, đều nghĩ như thế. Vĩnh Long ngày xưa, cái ngày mà khái niệm “V.League” còn chưa khai sinh, rồi Kiên Giang, An Giang vừa rồi đấy...
Kết quả là sao?
Trong hội nghị tổng kết mùa giải 2015, một lãnh đạo Đồng Nai đứng lên phát biểu một vấn đề rất đáng chú ý: “Thưa lãnh đạo VFF, VPF. Các anh có để ý không, sau khi xuống hạng cả Kiên Giang lẫn An Giang đều đã giải thể. Còn chúng tôi bây giờ thì đang bỏ lửng, chưa biết thế nào. Các anh có để ý và lý giải gì không?”. Chỉ tiếc là câu hỏi này, vấn đề này bị chìm nghỉm trong hàng loạt vấn đề nóng bỏng khác, mà đáng nói nhất là màn “xả stress” (nếu có thể nói thế) của Chủ tịch CLB Hải Phòng với ông Trưởng giải Nguyễn Minh Ngọc, nên sau đó nó đã không được trả lời một cách thoả đáng.
Nhưng không thể lờ câu trả lời ấy mãi được, rằng tại sao khi lần đầu chơi V.League thì ai cũng tin tưởng, kỳ vọng nhưng khi xuống hạng là lập tức những con người từng tin tưởng, kỳ vọng ấy đã đứng trước nguy cơ bị chính cái nơi, cái đơn vị đẻ ra mình chán nản mà... khai tử?
Tại vì bản thân những đội bóng này đã cố chơi V.League theo kiểu “chín ép” hay tại vì V.League với rất nhiều vấn đề của nó đã khiến người ta không thể không chán nản? Cả 2 lý do này đều đúng, và nếu đã tin là nó đúng thì tại sao đến tận bây giờ vẫn phải cố tìm đủ các đội bóng để tham dự V.League và giải hạng Nhất theo kiểu... đủ mâm, đủ bát, đủ hội hè?
Chuyện lùm xùm mới nhất giữa Cà Mau và Bình Định chẳng hạn. Ai cũng biết sau khi giành quyền lên chơi hạng Nhất, Cà Mau đã xin rút vì không đủ kinh phí, thế là VFF lập tức nghĩ đến phương án đôn Bình Định lên thay thế. Nó chẳng khác gì việc 3 năm trước người ta cũng cố đôn Đồng Nai lên V.League để rồi 3 năm sau Đồng Nai đứng trước nguy cơ vỡ phong trào. Hẳn nhiên truyền thống bóng đá Bình Định khác rất nhiều so với Đồng Nai nhưng ở bối cảnh hiện tại, cả Bình Định và Đồng Nai có lẽ đang thuộc cùng một “mẫu số kinh tế”, “mẫu số nội lực”.
Câu chuyện của Cà Mau, mỗi lúc một bi hài khi mới đây họ lại cố “chín ép” để có đủ tiền và lại xin dự giải, khiến VFF, VPF đang không biết phải ăn nói, xử trí như thế nào.
Mùa giải 2 năm trước, khi nhiều đội bóng tuyên bố có thể bỏ giải vì bất mãn chuyện này chuyện kia, nhiều lãnh đạo VFF đã đưa ra chỉ đạo rất hùng hồn: “Không sợ các đội bỏ giải”, “có bao nhiêu ta đá bấy nhiêu, miễn là đảm bảo chất lượng”. Vậy thì bây giờ, khi đội này, đội kia không đủ tiềm lực đá V.League và giải hạng Nhất tại sao không thấy ai nói như vậy nữa? Có những cái phết phẩy hay những vấn đề tế nhị nào đó phía hậu trường mà người ta cứ phải cố để 2 giải chuyên nghiệp chạy đủ với cái số lượng vạch ra lúc đầu?
Hôm qua, một phái đoàn của BĐVN sang Hàn Quốc học làm bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì cần nhắc lại: Ở vạch xuất phát đầu tiên, giải chuyên nghiệp Hàn Quốc khởi đi với chỉ 5 đội - một số lượng quá ít nhưng bù lại, đấy là 5 đội “chín” thực sự, chứ không phải là chín ép. Để rồi với cái nền “chín” thật, “chín” tử tế ấy, bóng đá xứ Kim chi đã phất lên nhanh chóng.
Ở đời này, trong mọi hoàn cảnh, mọi sự “chín ép” đều phải trả giá đau!