Khi “Vua” không ngán bầu Đức
Cứ đà này, chắc sắp tới các ông Vua sân cỏ lại trở về tâm lý rất ngán bắt đội bóng của bầu Đức. Tất nhiên, không phải HA.GL lúc nào cũng phản ứng đúng.
Vì sao?
Nên nhớ rằng bầu Đức đang là ông chủ “cỡ bự” của nền kinh tế Việt Nam, chứ không riêng gì bóng đá. Bầu Đức cũng đang giữ cương vị PCT VFF. Hay nói cách khác, ông bầu quyền lực này có thể “hô mưa, gọi gió”. Vậy mà giới trọng tài vẫn “xa lánh” đội bóng của bầu Đức, không bị “át vía” bởi cái uy của ông chủ này.
Bóng đá cũng như cuộc đời, khi con người ta xa lánh nhau, không quan tâm đến nhau chắc chắn vì mối quan hệ không “khăng khít”. Giới trọng tài có vẻ không ưa và bắt chặt tay khiến đội bóng của bầu Đức có cảm giác bị ép, bị “đánh hội đồng” cũng có lý do.
Với BĐVN, từ thời bao cấp đến hiện nay, có luật bất thành văn rằng: trọng tài đi đến đâu, các địa phương đều có trách nhiệm chăm sóc, bất chấp giới cầm còi bây giờ được hưởng chế độ từ VPF và luôn được khuyến cáo phải giữ chừng mực với địa phương. Dù vậy, không lạ cảnh quan chức BTC, trong đó có trọng tài cùng đại diện các đội bóng thân thiết trên bàn trà, cà phê, thậm chí là những bàn nhậu, tất nhiên có kín đáo hơn.
Các đội bóng vẫn phải quan tâm và sợ trọng tài. Thực tế, đội ngũ trọng tài có quyết định rất lớn đến thành bại của mỗi trận đấu, mỗi mùa giải, đến thành tích chung cuộc của các đội bóng. Chỉ cần một quyết định phất cờ, một cú tuýt còi thiếu công tâm thì cục diện trận đấu sẽ thay đổi, thậm chí số phận một đội bóng cũng thay đổi… Nói vậy có bằng chứng hẳn hoi chứ không quy chụp. Chúng ta từng chứng kiến nhiều vụ án bóng đá khi bị khui ra mới thật ngỡ ngàng, là cầu thủ dàn xếp và trọng tài cũng “làm hàng” nhiều trận đấu cả rồi.
Trở lại câu chuyện của bầu Đức, giới trọng tài không ưa gì HA.GL vì nhiều lý do, trong đó có quan điểm ứng xử của ông bầu này. Sau vụ “lì xì” 200 USD ở Cúp QG năm 2003, bầu Đức suýt “thân bại danh liệt” và từ đó thấm đòn, thay đổi không cho trọng tài dù chỉ một đồng. Mùa trước, khi đôn lứa U.19 với những “idol của BĐVN” lên V.League, ông Đức “nổ” nhiều và động chạm đến nhiều người, nhiều giới trong đó có các ông Vua sân cỏ, khi yêu cầu Chủ tịch VFF bảo vệ quân mình. Bóng chưa lăn nhưng ông Đức với quyền lực, ảnh hưởng của mình đã gây áp lực cho giới cầm cờ, cầm còi rồi sau đó có nhiều phát ngôn thiếu chừng mực.
Giới trọng tài không ưa quân của bầu Đức, và những quyết định bị HA.GL phản ứng, bất kể đúng sai, có lẽ xuất phát nhiều từ những ám ảnh mà họ là “nạn nhân” nhưng từng chính là “thủ phạm”…
Tôn trọng luật chơi, không phải sợ trọng tài
BTC đã có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng trọng tài mà việc đảm bảo thu nhập là thiết thực nhất. Thu nhập của giới trọng tài hiện nay đã được cải thiện rất nhiều thì lý gì chất lượng cầm còi lại không cải thiện?
Xã hội đã chỉ ra rằng, chỉ khi người dân phạm luật thì mới sợ người thực thi pháp luật, rồi sinh ra xin xỏ, hối lộ. Ví dụ, dân ta ra đường rất sợ CSGT là vì hay phạm luật. Khi phạm luật rồi thì xin xỏ, đút lót nên tạo điều kiện cho CSGT “làm luật”. Nếu không phạm luật thì ra đường cứ hiên ngang mà đi chứ sợ gì CSGT? Và bóng đá cũng vậy, nếu các đội bóng cứ chơi đúng luật, không lo sợ thành tích ảnh hưởng do bị trọng tài ghét thì chẳng có gì phải ngại trọng tài cả.
Nếu có nhiều đội bóng kiên quyết không “o bế” trọng tài, không sợ bị trù dập, chắc chắn giới cầm cân nảy mực sẽ không phát triển lệch lạc như 16 năm chuyên nghiệp vừa qua.