20 tỷ suông và 12 tháng sống thoi thóp trong ảo mộng bóng đá chuyên nghiệp của Nam Định
Giấc mơ chuyên nghiệp
Cuối năm 2017, Nam Định thăng hạng V.League trong sự sung sướng tột độ của các cầu thủ cũng như người hâm mộ. Vốn xuất thân của các cầu thủ chỉ là người địa phương hoặc ít tên tuổi nên gần hết đội hình của đội bóng thành Nam chưa một lần tận hưởng không khí V.League.
Họ mơ về những viễn cảnh tươi sáng khi đội nhà lên chơi ở V.League. Lúc đó, lãnh đạo tỉnh hứa “chi” 20 tỷ đồng cùng một số nhà tài trợ tìm đến, Nam Định như anh “nông dân” sắp đổi đời.
Giấc mơ chuyên nghiệp đến với họ ngay cả điều kiện ăn ở. Bấy lâu phải sinh hoạt ở Trung tâm TDTT tỉnh vốn tồi tàn và xuống cấp, nay, các cầu thủ được ra ở khách sạn chỉnh tề với điều kiện tốt gấp nhiều lần.
Ám ảnh… nợ tiền khách sạn
Nam Định dù tiềm lực hạn chế nhưng luôn thi đấu cống hiến. Tuy nhiên, thời gian qua đi, giấc mơ chuyên nghiệp dần ám ảnh họ với thứ chuyên nghiệp nửa vời. Khó khăn dần bủa vây và rồi, giấy không bọc được lửa.
Cuối mùa giải, các cầu thủ đình công vì bị nợ lương, 20 tỷ đồng mà lãnh đạo tỉnh hứa cũng không thấy đâu. Nhưng rồi, mọi chuyện tạm gác sang một bên để chiến đấu và lách qua “cửa tử” trụ lại V.League 2019.
Tuy vậy, mấy ai biết, trong suốt cả năm 2018, các cầu thủ Nam Định bị ám ảnh bởi đội bóng không có tiền trả khách sạn. Nhiều lần chủ khách sạn gọi đến BHL, lên tận công ty để đòi nhưng không có. Nhờ lòng thương, Nam Định mới ở hết mùa giải.
Đá xong, các cầu thủ cứ đinh ninh, mùa giải khó khăn nhất cũng qua rồi thì tương lai tốt đẹp sẽ đến. Bởi Nam Định không thiếu người muốn ủng hộ khi họ “máu” bóng đá lắm. Nhưng đó chỉ là suy nghĩ của các cầu thủ.
Không có tiền trả lương huống gì trả tiền khách sạn, BHL phải tính nát cả óc mới cho các cầu thủ tập sớm. Tập không phải để chuẩn bị cho mùa giải mới mà là vì tương lai không biết có tồn tại không nên phải tập sớm, để ít nhất cầu thủ thấy đội bóng đang tồn tại.
Nhiều trụ cột hết hợp đồng như Đinh Viết Tú, Sỹ Minh hay Phạm Văn Thuận đều phải tự thoát cho bản thân dù vẫn muốn cống hiến cho đội bóng quê hương. Họ không chờ được vì không có ai đứng ra giải quyết cả.
Khi lên tập trung lại, mọi suy nghĩ tích cực của các cầu thủ dần biến mất. Thay vào đó, họ trở lại với thực tại phũ phàng. Lương không có, không có động thái giữ quân, rồi không có tiền trả khách sạn nên mông lung.
Đội bóng phải đổi khách sạn mới. Nói là khách sạn cho sang bởi phòng ốc tồi tàn, ẩm thấp, tối om, nhiều mảng tiền bong tróc. Ấy thế, vẫn không có tiền trả. Ở khách sạn chẳng khác nào… địa ngục. Tập được khoảng hai tuần, các cầu thủ về nhà để… ngủ sướng hơn.
Giấc mộng nửa vời
Trở về nhà, hay tin có nhà tài trợ, các cầu thủ lại nhanh chóng cuốn gói lên tập lại với hy vọng mới. Họ hứng khởi, vui vẻ tập luyện và chờ ngày mai tươi sáng. Nhưng đùng một cái, nghe tin hai bên chưa tìm được tiếng nói chung, tất cả hụt hẫng đến tột độ.
Sắp đến tết mà tiền không có, tương lai không biết thế nào nên các cầu thủ còn hợp đồng trong đội thấy lo. Họ lo vì nếu không tham dự giải sẽ phải xuống đá ở hạng Ba, phía trước là màu đen xám xịt.
Thầy và trò đều nhìn nhau ngán ngẫm. Họ ra sân mà như cực hình. Chiều tập nhưng sau giờ ăn trưa chưa biết có tập hay không. Mọi thứ trống rỗng. Hóng tin Dược phẩm Nam Hà “ứng” 100 triệu đồng để tham dự giải Viettel mở rộng, ai nấy cũng vừa mừng vừa tủi vừa canh cánh nỗi lo. Họ mừng như nuốt nước mắt vào trong khi mọi thứ vẫn chỉ nửa vời.
Sau V.League 2018, Nam Định như thở ống với hơi thở thoi thóp. Họ như đang trong tình cảnh rút ống thở hay được sống.