Sân Cần Thơ được bầu chọn là 1 trong 5 SVĐ điên rồ nhất Đông Nam Á
Chuyên trang thể thao FourFourTwo mới đưa ra danh sách Top 5 sân bóng kỳ quặc và điên rồ nhất trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó, Việt Nam cũng đóng góp một đại diện.
Theo cây viết của FourFourTwo, sự đặc biệt của SVĐ đến từ khu vực đường đua chạy vòng quanh sân vận động có sức chứa khoảng 45.000 người này.
"Việc các cuộc đua diễn ra thường xuyên trên một SVĐ bóng đá thực sự là một điều bất bình thường. Thậm chí, sân Cần Thơ còn là địa điểm quen thuộc để tổ chức giải đua xe vô địch quốc gia của Việt Nam, bên cạnh những cuộc đua nhỏ lẻ khác. Sẽ ra sao nếu như các giải đua này bị trùng lịch với các trận bóng đá diễn ra tại đây? Đó sẽ là mối nguy hiểm không khỉ cho các cầu thủ, mà còn các những CĐV nữa", tờ FourFourTwo nhận định.
Đó là một sự đặc biệt khác của sân Cần Thơ so với các SVĐ khác trên cả nước, thậm chí là khu vực. Nơi đây thường xuyên tổ chức các cuộc đua xe gắn máy để phục vụ khán giả. Trong đó, giải đua xe thường niên được tổ chức vào ngày mùng 4 Tết Nguyên Đán thu hút rất nhiều tay đua xe đường nhựa tranh tài.
Video: Cận cảnh đường đua xe nằm trong SVĐ Cần Thơ
"Đối với một đội bóng vật lộn ở nửa cuối bảng xếp hạng V.League 2017 như XSKT Cần Thơ, việc các NHM tới xem các giải đua nhiều hơn các trận bóng đá là điều không có gì ngạc nhiên", tờ FourFourTwo khẳng định.
Theo thống kê của VPF, XSKT Cần Thơ là đội bóng có lượng khán giả tới sân thấp nhất tại V.League 2017 với 26.500 CĐV, trung bình 2.038 người/trận. Rõ ràng, những lời nhận định trên của FourFourTwo nói lên một thực trạng đáng buồn về sự quan tâm của NHM xứ Tây Đô với đội bóng con cưng ở mùa giải năm nay.
Cần Thơ không phải là sân vận động đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách kỷ lục do chuyên trang thể thao này bình chọn. Trước đó, FourFourTwo từng đưa SVĐ Mỹ Đình vào danh sách 1 trong 10 SVĐ tốt nhất của Đông Nam Á, bên cạnh những sân bóng nổi tiếng khác như Bukit Jalil (Malaysia), Lanexang và SCG (Thái Lan) hay Gelora Bung Karrno (Indonesia).
Hình ảnh 4 sân bóng còn lại nằm trong Top 5 sân bóng kỳ quặc và điên rồ nhất Đông Nam Á
1. SVĐ Hang Jebat (Malaysia)
Điểm tạo nên sự khác biệt của sân bóng này chính là chính là loạt tranh tường khổng lồ, khắc họa tất cả những cầu thủ vĩ đại của đội bóng Johor Darul Ta'zim trong quá khứ. 19 bức tranh tường này chính là sản phẩm đến từ sự nỗ lực trong suốt 1 tuần của hơn 96 sinh viên đại học. Đây có lẽ là một trong những điểm đặc biệt không chỉ đối với sân bóng Hang Jebat, mà còn cả nền bóng đá trong khu vực.
2. The Float tại Vịnh Marina (Singapore)
Được coi là sân bóng nổi lớn nhất thế giới, The Float được xây dựng hoàn toàn bằng thép và mặt sân có thể tải được trọng lượng của hơn 9.000 người. Nơi đây từng được dự kiến tổ chức trận chung kết Singapore Cup giữa Warriors FC và Woodlands Wellington. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị hủy ngay sau đó vì lý do an toàn.
3. Asymmetrical Pitches (Thái Lan)
Nằm ở vùng Khlong Toei, ngoại ô Bangkok, Asymmetrical Pitches (Sân không đối xứng) chính là một kiệt tác do công ty bất động sản AP Thái Lan tạo nên trên mảnh đất vốn trước đây là nơi tập kết rác của người dân trong vùng.
Sân bóng này đã mang về cho AP Thái Lan rất nhiều giải thưởng cao quý như Giải thiết kế ấn tượng tại Liên hoan Sáng tạo Quốc tế Cannes Lions, 1 trong 25 phát minh hay nhất năm 2016 do tạp chí TIME bầu chọn.
4. Floating Pitch (Thái Lan)
Được bao quanh bởi các dãy núi đá vôi, sân nổi ở vùng Koh Paynee chính là nơi người dân cũng như đội bóng địa phương, Paynee FC, thả hồn mình vào trái bóng. Chính sự xuất hiện của sân bóng kỳ quặc này đã biến Koh Paynee trở thành một địa điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Hiện nay, các dự án nâng cấp sân bóng này cũng đã được tính đến, trong đó có việc... giăng lưới xung quanh sân nhằm giúp các cầu thủ dễ dàng nhặt bóng hơn khi chúng rơi xuống nước.