V-League 2019: Hãy đừng là gam màu xám ẩn sau bức họa huy hoàng!
Mọi thứ đã thực sự sẵn sàng?
Tuy nhiên, câu chuyện buồn đó hoàn toàn có thể rẽ sang một hướng khác nếu như các nhà làm bóng đá nước nhà cùng chung tay vì mục tiêu phát triển giải đấu quốc nội. Mà bước đà thuận lợi nhất chính là dựa trên hiệu ứng thành công của thầy trò HLV Park Hang seo qua các cấp độ, để kéo khán giả đến sân, mạnh dạng triển khai hệ thống đào tạo và tích cực hơn ở những giải đấu trẻ.
Dẫu vậy, để thực thi và duy trì điều đó là không hề dễ dàng. Tân chủ tịch VFF cũng đã ra sức hành động để thúc đẩy sự đi lên của hệ thống giải VĐQG, mà điển hình là việc đang tiến hành tiếp nhận VAR và hứa hẹn sẽ áp dụng vào giai đoạn hai của mùa bóng năm nay.
Điều đó sẽ góp phần lớn vào việc xây dựng sự trong sạch cho nền bóng đá nước nhà, cải thiện vấn đề trọng tài, hay câu chuyện "ba đi ba về" có phần lộ liễu giữa các CLB, khiến các khán đài ngày càng trở nên trống vắng hơn như cách mà niềm tin nơi người hâm mộ vơi đi vậy.
Nhưng những dấu hiệu tích cực đó là chưa đủ khi mà mùa giải đá chính thức khởi tranh thì có vẻ như tất cả đều chưa hề sẵn sàng. Nhà tài trợ dù đã lộ diện nhưng vẫn chưa được công bố chính thức. Truyền thông của BTC giải đấu, bản thân của các CLB vẫn rất hời hợt. Nhưng hình ảnh, trailer vẫn lặng mất tin, thông tin vé, bản quyền truyền hình vẫn khá kín khiến khán giả chưa biết đường nào mà lần.
Nguy cơ thua ngay trên sân nhà!
Trong khi giải đấu hàng đầu của Việt Nam chỉ đang xếp thứ 17 ở khu vực Châu Á, thì Thai-League đang không ngừng thăng tiến khi sau khi lọt vào Top 10. Mùa giải vừa qua, giải đấu của họ đã vượt mặt A-League của Australia để leo lên vị trí thứ 8 và chưa hề có dấu hiệu chững lại.
Nhiều ngôi sao của các ĐTQG trong khu vực đang góp phần giúp giải đấu của những người hàng xóm thu hút sự quan tâm của nhiều người hâm mộ trên toàn khu vực Đông Nam Á. Và năm nay, họ đã chính thức đánh vào thị trường Việt Nam khi chiêu mộ thành công Văn Lâm và Xuân Trường, rất có thể trong tương lai gần Anh Đức cùng Văn Hậu cũng sẽ góp mặt ở giải đấu này.
Chỉ qua những hoạt động ngoại khóa, những buổi tập luyện, hay các trận giao hữu có sự góp mặt của các cầu thủ này đều nhận được sự háo hức chờ đón của hàng nghìn người hâm mộ nước nhà. Vậy đấy, bản quyền của V-League vẫn là một câu chuyện mịt mờ, nhưng nhiều khán giả đã bắt đầu bày tỏ sự quan tâm tới việc liệu có nhà đài nào ở Việt Nam mua bản quyền giải đấu của người Thái chưa?
Đáng buồn hơn khi nhà tài trợ mùa bóng trước của V-League là Toyota cũng chuyển sang đầu tư vào một thị trường có tiềm năng hơn rất nhiều là Thai-League. Sự chuyên nghiệp của giải đấu này chắc chắn sẽ còn khiến nhiều người hâm mộ thích thú, nhưng cũng không ít người cảm thấy chạnh lòng với tình cảnh ảm đạm của nền bóng đá nước nhà ở cấp CLB.
Xem ra có quá nhiều thứ vẫn chưa sẵn sàng khi mà mùa giải đã khởi tranh và hiệu ứng ĐTQG lẫn nỗ lực từ một vài cá nhân, tổ chức là không đủ. Khi mà sự đồng bộ để V-League có thể đường hoàng gắn với hai chữ “chuyên nghiệp” vẫn chưa hề tồn tại.