V.League có “đổi đời” nhờ U23 Việt Nam?
Kỳ tích của U23 Việt Nam được xem là bước đột phá cho bóng đá nước nhà. Với đà đó, V.League có “đổi đời”?
Sau thất bại tủi hổ của U22 Việt Nam ở SEA Games 29, niềm tin cho bóng đá Việt Nam vơi dần. Bởi lẽ, lứa cầu thủ Công Phượng, Xuân Trường,... được kỳ vọng sẽ mang Vàng ở SEA Games nhằm kích cầu cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.
Tuy vậy, thất bại kéo theo một loạt hệ lụy xấu sau đó, điển hình là V.League chia tay nhà tài trợ chính Toyota. So với mức đầu tư mà Tập đoàn sản xuất xe hơi hàng đầu châu Á đầu tư vào Thai.League thì V.League chỉ là con số nhỏ nhoi. Lời chia tay của Toyota được ngầm hiểu là do giá trị thương mại ở Việt Nam xuống thấp khi U22 Việt Nam lẫn V.League liên tục thất bại về mặt chuyên môn và hình ảnh.
Ở Đại hội Cổ đông Cty CP bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) vào cuối năm 2017, tân Chủ tịch HĐQT Trần Anh Tú chỉ lấp lửng chia tay Toyota vì không tìm được tiếng nói chung và đang trong quá trình thương thảo để tìm nhà tài trợ mới. Đó là lời trấn an của đơn vị quản lý, tổ chức giải đấu.
Tuy nhiên, sự xuất hiện kịp thời của U23 Việt Nam đã cứu bàn thua trông thấy cho V.League. Trước khi hành quân lên đường sang Trung Quốc dự VCK U23 châu Á 2018, có là người lạc quan nhất thì không nhiều người nghĩ đến viễn cảnh U23 Việt Nam sẽ vào đến chung kết.
Theo chia sẻ của HLV Park Hang Seo thì mục tiêu của đội bóng được phía VFF giao chỉ là cố gắng tìm kiếm một chiến thắng. Thế nhưng, vượt xa cả sự trông đợi, Công Phượng và đồng đội đã chiến đấu ngoan cường và suýt bước lên bục vinh quang ở sân chơi châu lục.
Chiến tích lịch sử vượt ngoài mong đợi của hàng triệu người hâm mộ. Cũng từ đây, bóng đá Việt Nam đã sang trang mới. Hình ảnh dòng người nối dài trên phố đi bộ Nguyễn Huệ (Tp.HCM), sân Mỹ Đình (Hà Nội) chứng kiến cả gần 10 vạn người xem chung kết U23 Việt Nam với U23 Uzbekistan hay trên mọi nẻo đường cả nước đều rợp cả bay, người dân ùn ùn đổ ra đường chia vui cùng thầy trò HLV Park Hang Seo lan tỏa ra cả châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Như một hiệu ứng domino, lần lượt các mạnh thường quân, doanh nghiệp đến với bóng đá Việt Nam sau hình ảnh mang tính bước ngoặt đó. Ông Trần Anh Tú cũng tiết lộ rằng đã có nhiều doanh nghiệp tìm đến tài trợ cho V.League. Chỉ sau đó vài ngày, VPF đã giới thiệu nhà tài trợ chính cho giải đấu là nhãn hàng Nutifood với số tiền không dưới 20 tỷ đồng/năm trong vòng 3 năm.
Hiệu ứng U23 Việt Nam được kỳ vọng sẽ lan tỏa đến các sân bóng ở V.League sắp tới. Cách đây 3 năm, khi các cầu thủ của Học viện HAGL JMG được đôn lên đội 1, sự thành công từ khi khoác áo U19 Việt Nam, đã lan sang cả V.League.
Cảnh tượng dòng người đến sân chật cứng, vỡ sân mỗi khi Công Phượng cùng đồng đội thi đấu là hình ảnh minh chứng cho sức hút của các cầu thủ trẻ. Cũng cách đây hơn 20 năm, khi ĐT Việt Nam trở về với HCB SEA Games 1995, các cầu thủ cũng được chào đón nồng nhiệt ở giải VĐQG.
“Muốn khán giả đến sân, điều quan trọng là xuất hiện những nhân tố mới của đội bóng. Chẳng hạn như ngoại binh mới hay các cầu thủ trẻ bởi người hâm mộ thường chờ đợi những điều mới mẻ trong bóng đá”, HLV Phan Thanh Hùng chia sẻ.
Đã có bước đệm để bóng đá Việt Nam tạo nên sự đột phá. Vấn đề còn lại là VPF sẽ thực hiện ra sao để V.League thực sự đổi đời.