Lê Trần Minh Nghĩa: Bóng rổ là người-tình-không-bao-giờ-thay-đổi
Lớn lên trong một gia đình phát triển theo nhiều ngành nghề khác nhau, Lê Trần Minh Nghĩa có thừa lựa chọn cho tương lai với sự hậu thuẫn vững chắc. Tuy nhiên, nghiệp thể thao cùng trái bóng cam mới là mối lương duyên đi cùng anh suốt cả thời thanh xuân.
Ngồi trong góc nhỏ ở quán cà phê quen thuộc, vị phó tướng của Thăng Long Warriors trầm tư nhớ về khung cảnh của 20 năm trước của mảnh sân Nguyễn Văn Trỗi quen thuộc nằm ngay góc ngã tư đối diện sân khấu kịch Phú Nhuận, nay là công trường ngổn ngang với dự án lớn.
Mùa hè năm 1998. Trời oi bức. Ve cũng chẳng còn sức rên rỉ trên những cành phượng đỏ. Mảnh sân lồi lõm với hai cột rổ. Thằng nhỏ còi cọc, đen nhẻm năm đó sắp vào cấp 3 đang bập bẹ những cú nhồi bóng cơ bản đầu tiên. Đến khi về nhà, hắn tròn xoe mắt trước những pha phối hợp mà hồi đấy hắn xem là cực kỳ ghê gớm trên truyền hình trong bộ phim "Cú nhảy cuối cùng".
Thời đó nào đã có mạng xã hội. Thế nhưng, nét đẹp lãng tử của Jang Dong Gun vẫn cứ thế bay hết vào tim các chị em. Song song đó chính là cơn sốt về bộ môn bóng rổ đối với giới trẻ, trong đó có cả Minh Nghĩa.
Những năm ấy sân bãi nào đã nhiều như bây giờ. Anh nhớ lại khoảng thời gian nóng sốt ấy. Có cả trăm người kéo đến tập chơi, khiến cho cả buổi trời mà anh chỉ cầm bóng ném được có 5-6 trái.
"Những thời gian sân trống thì đều ngay lúc mình phải đi học, thế là cúp học để được chơi bóng rổ, chẳng biết sao khi đó mê quá!" - Minh Nghĩa bồi hồi khi nhắc lại quãng thời gian làm quen với người-tình-bóng-rổ. "Có lần ba phải lên sân để lôi về và cấm mình chơi bóng rổ. Nhưng mình đã lén bỏ một đôi giày vào rổ banh để vẫn có thể được tập mà không bị gia đình phát hiện".
Thể hình lý tưởng cùng sự đam mê của Minh Nghĩa đã lọt vào mắt xanh của cô Cao Thị Thanh Thuỷ, người thầy đầu tiên dẫn dắt anh trong sự nghiệp bóng rổ.
"Bất cứ khi nào mình lên sân chơi là đều thấy cô Thuỷ đã ở đó, mọi thứ đều được chuẩn bị kĩ càng cho từng buổi huấn luyện," HLV phó của Thăng Long Warriors chia sẻ về sự nghiệp bóng rổ học đường của mình khi bước chân vào trường THPT Phú Nhuận. "Phong trào của Phú Nhuận cũng chỉ mới bắt đầu, còn nhiều khó khăn cho nên tự thân các cầu thủ phải tự khổ luyện. Ý chí và niềm đam mê là điều quan trọng nhất".
Suốt 3 năm trời, Minh Nghĩa đều vô duyên với con đường chinh phục một chức vô địch đến nỗi chàng thiếu niên 17 tuổi năm ấy đã phải bật khóc trong giải đấu cuối cùng thời cấp 3 của mình. "Đó là pha phát bóng biên cuối cùng khi Phú Nhuận đang dẫn trước 1 điểm, nhưng cú chuyền bóng lên của Sanh Tấn không như ý muốn và đối phương đã cướp được bóng. Cuối cùng Phú Nhuận thua và bị loại. Mình nhớ là mình đã khóc rất nhiều, mình và cả Tấn đều tiếc nuối".
Niềm đam mê cháy bỏng với người-tình-bóng-rổ còn ảnh hưởng lên những quyết định về sự nghiệp của người đàn ông 35 tuổi này. Anh chọn trường Đại học Thể dục Thể thao TP.HCM với mong muốn nâng cao chuyên môn và sau này có thể trở thành HLV của các đội tuyển. Tuy nhiên quyết định ấy lại vấp phải sự ngăn cản của gia đình bởi ở thời điểm đó, đồng lương của giáo viên thể chất rất thấp và liệu rằng bản thân anh có sống nổi với điều kiện kinh tế như vậy không.
Nhưng đã quyết là làm. Từ lúc đó, Minh Nghĩa biết rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với bóng rổ và quyết tâm có thể mưu sinh từ chính niềm đam mê.
Màn trình diễn năm cuối cấp đã giúp Minh Nghĩa được gọi lên tuyển Trẻ TP.HCM và tại đấy, anh đã gặp người thầy lớn thứ hai của mình: HLV Nguyễn Văn Sơn (Sơn "đen"). Hành trình chứng tỏ năng lực bản thân của Minh Nghĩa bắt đầu từ đây, khi các phẩm chất của anh được rèn giũa dưới sự dẫn dắt của người thầy tài giỏi.
Sau 2 năm, khả năng thi đấu của Minh Nghĩa tiến bộ rõ rệt, thể hiện qua hiệu quả trong những cú ném cộng với khả năng kiểm soát bóng, điều phối bóng cho đồng đội. Điều đó càng được công nhận với việc anh được khoác lên mình màu áo tuyển TP.HCM để chinh chiến các giải đấu Toàn quốc dưới thời của chuyên gia Ricky Magallanes (HLV trưởng HCM City Wings năm 2017).
Tiếp xúc với một chuyên gia nước ngoài đến từ quốc gia có nền bóng rổ phát triển mạnh, Minh Nghĩa đã học hỏi được rất nhiều những tư duy mới trong thi đấu. Nhưng đúng vào thời điểm đang chín mùi của đời cầu thủ khi anh bắt đầu cạnh tranh được suất đánh chính với Dư Quốc Tài (Cần Thơ Catfish năm 2018) thì biến cố xảy đến…
Vào một chiều thứ Bảy của tháng 7 cách đây hơn 10 năm, tại một buổi pepsi game thường niên tại sân tập luyện của đội tuyển TP.HCM, cơ thể dù thực sự không được khoẻ nhưng Minh Nghĩa vẫn vào thi đấu và điều gì đến đã đến. "Mình nhớ đó là một pha step back để ném ba điểm như bình thường vẫn hay làm. Nhưng trong khoảnh khắc sau khi chân tiếp đất, mình cảm thấy một cái gì đó như vỡ ra ở đầu gối. Mọi thứ xung quanh bỗng tối đen như mực vì quá choáng. Ricky nhanh chóng đưa mình vào viện để theo dõi tình hình".
Chuyện sau đó được anh diễn tả bằng một ánh mắt thật đượm buồn, hình như đang luyến tiếc một điều gì đó. Minh Nghĩa kết thân với cặp nạng để có thể đi lại, đó là phương án chữa cháy cho những chẩn đoán chấn thương phần mềm mà nền y học thể thao lạc hậu khi ấy tuyên bố. "Lúc đó mình đã có rất nhiều suy nghĩ tiêu cực, có lẽ đó là dấu chấm hết cho sự nghiệp cầu thủ của mình, thực sự rất đau đớn," Minh Nghĩa mô tả cảm xúc của bản thân sau chấn thương thật tai hại.
Nhờ sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng rổ TP.HCM, Minh Nghĩa lên đường sang Phillipines để chẩn đoán và tiến hành phẫu thuật cùng một cái tên quen thuộc khác là Lương Chí Mãnh (HCM City Wings 2017). Vỡ sụn chêm, đứt hai dây chằng là hệ quả của việc cố gắng quá sức trong khi cơ thể đang báo động - một bài học đáng nhớ cho Minh Nghĩa cũng như tất cả vận động viên trẻ sau này.
9 tháng sau chấn thương, Minh Nghĩa quay lại với trái bóng cam, tuy vậy anh chỉ còn có thể thi đấu bằng 40% so với trước đó mà thôi. Mỗi khi vào sân thi đấu, anh không còn đủ cảm giác cũng như khả năng để có thể bật nhảy hay bức tốc. Còn khi rời sân, đầu gối lại sưng to và hành anh trong những ngày trời trở lạnh.
Mọi chuyện về một suất đánh chính, một chức vô địch của Giải quốc gia đều tan biến, chàng thanh niên khi ấy đang trong độ tuổi cực đẹp của đời vận động viên đã giã từ sự nghiệp tuyển thủ của mình và rẽ sang hướng đi mới với vai trò huấn luyện viên. Những kinh nghiệm, kiến thức thu thập được khi còn thi đấu là hành trang để anh bước vào sự nghiệp huấn luyện và gìn giữ mối lương duyên giữa anh cùng người-tình-bóng-rổ.
Bắt đầu từ đào tạo tuyến trẻ TP.HCM, Minh Nghĩa trở thành trợ lý cho chuyên gia Eric Samson. Từ đây anh lại được tiếp xúc với những tư duy về đào tạo cầu thủ rất mới mẻ, qua đó vẽ lên những chuỗi ngày công tác huấn luyện đầy màu sắc.
Khả năng giao tiếp ứng xử tốt cùng kiến thức chuyên môn uyên bác khiến cho những vận động viên trẻ rất thích khi được Minh Nghĩa đứng lớp và truyền lửa. Sẽ rất bất ngờ nếu biết rằng những Lê Hiếu Thành, Phạm Duy Hậu, Dư Minh An hay Lai Xương Thành đều từng được dẫn dắt bởi HLV Lê Trần Minh Nghĩa tại các giải đấu vô địch quốc gia Trẻ.
Những năm đó, đội tuyển TP.HCM thống trị trên mọi mặt trận và chính thành phố mang tên Bác là nơi có phong trào bóng rổ mạnh nhất cả nước. Những vinh quang đó đã tiếp sức cho Minh Nghĩa rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp.
Đang trên đà thăng tiến, anh đột ngột tạm dừng việc huấn luyện tại tuyển Trẻ để du học tại Đài Bắc và đạt được học vị Thạc sỹ. Minh Nghĩa cập bến Đại học Tôn Đức Thắng để thử sức với vai trò giảng viên, đồng thời cũng làm huấn luyện viên trưởng của đội bóng rổ trường này.
Rời xa bóng rổ đỉnh cao và tiếp xúc với bóng rổ sinh viên, Minh Nghĩa vẫn giữ được sự mát tay của mình trong công tác huấn luyện. May mắn thay khi những cái tên như Nguyễn Xuân Quốc, Nguyễn Kỳ Quan và Nguyễn Hoàng Tuấn lần lượt theo học tại trường.
Dưới sự chèo lái của vị thuyền trưởng có niềm đam mê bóng rổ cháy bỏng, đội trường Đại học Tôn Đức Thắng đã thăng tiến rất nhanh trước sự bất ngờ của nhiều nhà chuyên môn. Vượt hơn cả là chức vô địch sinh viên Toàn thành dựa vào một tập thể mạnh và đoàn kết.
Sự nghiệp huấn luyện của Minh Nghĩa lại sang một trang mới vào giữa năm nay, khi anh được Ban lãnh đạo của Thăng Long Warriors mời về làm trợ lý cho HLV Pedrag Lukic tại mùa giải chuyên nghiệp 2018.
Triết lý phòng thủ của cả hai đã tạo ra sự thuận lợi trong công việc hợp tác của đôi bên. Minh Nghĩa hoà hợp rất nhanh với các đồng nghiệp cũng như cầu thủ mặc dù phải đơn thương độc mã Bắc tiến.
Cái duyên được làm việc cùng các chuyên gia nước ngoài đã giúp cho Minh Nghĩa học hỏi và trau dồi thêm thật nhiều kiến thức chuyên môn, càng làm anh thêm hăng say với công tác của mình.
Mặc dù kết thúc giải đấu, Thăng Long Warriors đã không thể bảo vệ được ngôi vương khi bị đối thủ cùng Thủ đô loại tại Bán kết nhưng cá nhân Minh Nghĩa đã có trải nghiệm khó quên ở cấp độ bóng rổ chuyên nghiệp.
Hình ảnh người đàn ông mồ hôi nhễ nhại, la hét đốc thúc tinh thần các cầu thủ là đặc trưng của Minh Nghĩa trong công việc đào tạo. 35 năm cuộc đời dạn dày sương gió, kín tiếng trong chuyện cá nhân, ai cũng thắc mắc về một bóng hồng nào đó sẽ đi cùng anh nhưng rồi người ta chỉ thấy nụ cười nở rộ khi và chỉ khi anh đến với bóng rổ.
"Bóng rổ đẹp chứ! Những pha phối hợp, kĩ thuật, tinh thần đồng đội, khóc khi thua, cười khi thắng, mọi thứ về bóng rổ đều rất đẹp. Bóng rổ lấy đi khả năng thi đấu của mình bằng chấn thương, nhưng mà tuyệt đối không phản bội mình, nó bù đắp lại bằng nghiệp huấn luyện viên, có vẻ đó mới là vị trí của mình", Minh Nghĩa chia sẻ về tình yêu bóng rổ.
"Tương lai thì mình không biết trước được, cái gì đến sẽ đến, nhưng chỉ mong là còn được cháy hết mình cùng bóng rổ thì sẽ không có muộn phiền gì trong cuộc sống này nữa. Không cần thiết để biết về chuyện tình cảm của mình. Hãy cứ biết đối với mình, bóng rổ chính là người tình duy nhất và không bao giờ thay đổi", Minh Nghĩa khẳng định.
Vẫn còn đó rất nhiều những con người có đam mê cháy bỏng với trái bóng cam và sẵn sàng hy sinh rất nhiều cho thứ mà Minh Nghĩa nói là rất đẹp và chung thủy kia. Họ được sống và làm việc mà mình yêu thích. Họ có thể mưu sinh bằng đam mê của chính mình và quan trọng nhất là được truyền cảm hứng ấy cho tất cả.
Võ Trần Chí Trung