"VĐV bóng rổ Việt Nam có thể kiếm 100 triệu đồng một tháng"
Mới đây, trong hội thảo trực tuyến về xây dựng thương hiệu cho vận động viên và liên đoàn thể thao, PGS.TS Đặng Hà Việt, Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam, Hiệu trưởng trường Đại học TDTT Tp.HCM đã tiết lộ một phần về thu nhập của các vận động viên thi đấu tại các giải VĐQG, VBA và một số giải đấu khác tại Việt Nam.
Theo ông Đặng Hà Việt, trong mùa giải chuyên nghiệp thì các vận động viên sẽ được nhận lương theo năng lực và thương hiệu cá nhân, đồng thời nhận thêm thu nhập từ đơn vị chủ quản nếu thuộc biên chế các đơn vị tỉnh, thành, ngành. Các VĐV trình độ cao trong nước có thể có thu nhập 40-50 triệu đồng một tháng.
Ngoài mùa giải, các vận động viên bóng rổ ở những CLB chuyên nghiệp sẽ nhận được tiền từ việc luyện tập, đồng thời được quyền tham gia giảng dạy ở chính CLB đó, nhưng không được phép nhận mức lương cao hơn so với thời điểm trong mùa giải, với mục tiêu để các VĐV tập trung hoàn toàn vào việc thi đấu.
"Các VĐV có giá trị hình ảnh, có thể đại diện cho CLB thì mức thu nhập của họ có thể thêm tối đa là 1.000 USD, tương đương với 25 triệu Đồng. Các nguồn thu nhập khác bên ngoài của VĐV có thể dao động từ 10-50 triệu, tuỳ vào khả năng".
"VĐV bóng rổ top đầu sẽ có những hợp đồng quảng cáo, giảng dạy ở các trung tâm bên ngoài có thể kiếm thêm 40-50 triệu, một tháng tổng thu nhập có thể lên đến trên 100 triệu. Tuy nhiên, số lượng này không nhiều. Chỉ có chừng 5-10 VĐV đạt được mức thu nhập ấy".
Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn của Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam tiết lộ thêm, các VĐV trẻ sẽ nhận được tối thiểu 7 triệu đồng trong một mùa giải chuyên nghiệp. Các nội binh đã có thương hiệu sẽ có mức lương lên tới 24 triệu, còn các cầu thủ Việt Kiều sẽ nhận từ 1.300 - 2.500 USD (khoảng 30 - 55 triệu Đồng).
Ông Đặng Hà Việt cho biết, Liên đoàn Bóng rổ Việt Nam rất trăn trở trong việc xây dựng thương hiệu cho VĐV, qua đó gia tăng thu nhập để họ có thể tập trung thi đấu. Tuy nhiên, quá trình này vừa mới bắt đầu triển khai và còn gặp nhiều khó khăn.
"Cuối năm 2019, Giải bóng rổ chuyên nghiệp đã thống kê về giá trị hình ảnh của những vận động viên tiềm năng, giới thiệu họ với các cơ quan truyền thông, xây dựng hình ảnh, phối hợp xây dựng show truyền hình cho các VĐV, nhưng tiếc là vừa mới triển khai thì vướng phải dịch COVID-19".
"Định hướng sắp tới sẽ rất cần các đơn vị có chuyên môn, có nguồn lực tài chính để đầu tư cho việc xây dựng thương hiệu, đặc biệt là nguồn lực tài chính ban đầu. Với các câu lạc bộ, các nhà đầu tư đã bỏ ra khoản vốn rất lớn để đầu tư, trả lương cho các VĐV, vận hành bộ máy hoạt động CLB, vận hành, tổ chức các giải đấu. Ít nhất phải 10 năm, 20 năm mới hy vọng có lãi".
"Xây dựng thương hiệu không đơn giản chỉ là lâu lâu đưa ra một bài báo, lâu lâu đưa ra một câu chuyện. Đó là cả một kế hoạch dài hơi. Từ đơn vị chủ quản tới cá nhân các VĐV đều phải chung sức trong một kế hoạch cụ thể, chúng ta mới có thể triển khai việc xây dựng thương hiệu cá nhân".