Có chăng việc tuyển thủ Judo đẩy lùi phong trào Ju-jitsu Việt Nam?
Việt Nam: Bài toán ngược giữa mối quan hệ Judo - Ju-jitsu thế giới
Trên đấu trường thế giới, đã từng có tình trạng võ sĩ Ju-jitsu “đổ quân” sang thi đấu các giải Judo. Tuy có cách tính điểm khác nhau nhưng Jujitsu có đặc thù kỹ thuật rất dễ “đổ bê tông” trận đấu và khiến cho võ sĩ thuần Judo khó có được chiến thắng tuyệt đối (Ippon). Kể từ năm 2010, Liên đoàn Judo Thế giới (IJF) liên tục đưa ra nhiều thay đổi để ngăn chặn ảnh hưởng từ Jujitsu, thay đổi luật đấu để võ sĩ Jujitsu không thể lợi dụng yếu tố khắc chế kỹ thuật. Bởi thế, Judo - Ju-jitsu bước vào thời kỳ “nước sông không phạm nước giếng”.
Ở Việt Nam lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Khi Ju-jitsu gia nhập vào Việt Nam từ năm 2009, các võ sĩ Judo lại là người chủ động cross-train (tập chéo) và trở thành một phần của làng Ju-jitsu Việt Nam. Chu Minh Tuấn - cánh chim đầu đàn của tuyển Ju-jitsu Kimura Huế là một ví dụ, một võ sĩ Ju-jitsu tài năng đã có… 20 năm kinh nghiệm tập luyện và thi đấu Judo.
Chu Minh Tuấn (võ phục trắng), một trong những ví dụ tiêu biểu cho khả năng hòa nhập giữa lực lượng võ sĩ Judo và Jujitsu
Còn nhớ Đại hội thể thao bãi biển châu Á lần thứ 4 (tháng 11/2014 tại Thái Lan), cộng đồng Ju-jitsu “underground” Việt Nam bất ngờ khi chứng kiến những tên tuổi lạ lẫm được Tổng cục cử đi thi đấu và giành thành tích ấn tượng: 2 HCB thuộc về Đào Lê Thu Trang -58kg nữ, Nguyễn Thị Hường +68kg nữ; 6 HCĐ thuộc về Hà Anh Thư -58kg nữ, Nguyễn Thị Quỳnh -68kg nữ, Nguyễn Thị Thanh Thủy -68kg nữ, Nguyễn Thị Lan +68kg nữ (nội dung đối kháng), Lê Tiến Thành - Đào Lê Thu Trang đôi nam nữ, Đào Lê Thu Trang - Nguyễn Thị Thanh Thủy (nội dung biểu diễn đối kháng).
Và những cái tên ấy lại đến từ đội tuyển… Judo Hà Nội.
Khi tuyển thủ Judo lại là “hỏa lực chính”
Việc đưa tuyển thủ Judo đi tập luyện Ju-jitsu trong thời gian ngắn và đem ra thi đấu nhanh chóng vấp phải sự chống đối của cộng đồng người tập luyện. Ai cũng hiểu mối quan hệ và tương đồng kỹ thuật giữa Ju-jitsu và Judo đều phản đối việc đem tuyển Judo đi đấu giải Ju-jitsu.
Thế nhưng, rất nhanh sau đó, trước những chiến thắng không thể chối cãi, cộng đồng cũng hiểu ra vấn đề của bài toán ngược. Hệ thống kỹ thuật của Ju-jitsu cực kỳ phức tạp và rất khó để VĐV các môn thể thao khác nhảy ngang vào tập luyện thi đấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, cũng chính vấn đề chuyên nghiệp đã nảy sinh ra yếu tố mà làng Ju-jitsu Underground của Việt Nam không đáp ứng được: cường độ tập luyện.
Tại Asian Beach Games 5 (tháng 10/2016 tại Đà Nẵng), tuyển Judo Hà Nội lại cử quân tham dự các nội dung thi đấu Ju-jitsu và đem về 1 HCV, 3 HCB và 6 HCĐ. Những chủ nhân của số huy chương ấy đều là những gương mặt quen thuộc với từng giải đấu Ju-jitsu sau này, trong đó có cả những gương mặt đoạt được thành tích cao tại Giải vô địch Ju-jitsu các CLB Toàn quốc 2019 vừa diễn ra cuối tháng 4 vừa rồi.
Hoàng Mạnh Tùng (thứ 3 từ trái qua) - chàng Judoka đã đồng hành cùng quá trình tuyển thủ Judo Hà Nội chinh phục bộ môn Jujitsu
Ngay trước khi trở về Việt Nam tung hoành tại Giải vô địch Ju-jitsu các CLB 2019, các tuyển thủ “lai” Judo - Ju-jitsu đã có thành tích ấn tượng tại Giải Ju-jitsu Thái Lan mở rộng 2019 (ngày 30 và 31/3) với tấm huy chương vàng hạng cân 56kg của Đào Hồng Sơn.
Khác với các tuyển thủ Judo có chế độ ăn tập mỗi ngày trên dưới 8 tiếng với đầy đủ sự đầu tư của bộ môn, Ju-jitsu Việt Nam phần lớn lại là người chơi phong trào, hầu hết tập luyện vì đam mê với chế độ 8 tiếng mỗi… tuần chứ không định hướng trở thành VĐV chuyên nghiệp ngay từ đầu. Cũng không phải tự nhiên mà đôi khi chính trong cộng đồng vẫn gọi vui đó là “Ju-jitsu underground”.
Dù làng nhu thuật Việt đã sản sinh ra nhiều quái kiệt với quá trình tập luyện hoàn toàn thuộc về bộ môn Ju-jitsu nhưng ở đấu trường khu vực, bài toán “đẳng cấp chuyên nghiệp” vẫn không phải chuyện đùa. Nhìn vào kết quả Giải Vô địch Ju-jitsu các CLB Toàn quốc 2019 vừa qua – cuộc “nội chiến” đầu tiên giữa các tuyển thủ Judo với lực lượng võ sĩ Ju-jitsu phong trào, có thể thấy nước cờ trọng dụng các tuyển thủ Judo cách đây 5 năm cho cuộc chơi Ju-jitsu đã hoàn toàn chính xác.
Dương Thị Thanh Minh – cô gái đầy triển vọng của Judo Việt Nam lại trở thành nhà vô địch hạng cân 52kg của Giải vô địch các CLB Ju-jitsu Toàn quốc 2019.
Ju-jitsu Việt Nam đang đi đúng hướng
Trong bối cảnh bộ môn Ju-jitsu đang hoàn thiện hệ thống thi đấu thành tích cao ở châu Á, xuất hiện đầy đủ ở các mùa giải ASIAD, Beach Games hay SEA Games; đồng thời Tổng cục Thể dục Thể thao đã đưa Ju-jitsu vào hệ thống thi đấu chính thức toàn quốc nhằm chuẩn bị cho SEA Games 30 tại Philippines, việc đi tắt đón đầu và có một đội tuyển đáng tin cậy từ 5 năm trước là thành công lớn của Ju-jitsu Việt Nam.
Dù đã có giai đoạn tuyển thủ Judo lấn sân và “đàn áp” các võ sĩ phong trào nhưng đây lại là cơ hội tốt để nhu thuật Việt có những bước đi xa hơn. Ông Nguyễn Hữu An - Trưởng bộ môn Judo Hà Nội nhận định:
“Đây chỉ là giai đoạn đầu. Khi đã phát triển thì Judo - Ju-jitsu đâu phải vào đó theo từng chuyên môn. Còn trước mắt, Ju-jitsu đang thiếu lực lượng VĐV, đặc biệt là các hạng cân nữ. Việc các tuyển thủ Judo chuyển sang Ju-jitsu cũng là tín hiệu tốt vì điều đó chứng minh được sự hấp dẫn của bộ môn này. Tại giải tháng 9 tới, nội dung Nogi sẽ được đưa vào thi đấu và đó sẽ là cơ hội hay cho lực lượng võ sĩ thuần Ju-jitsu trong cộng đồng.”
Nội dung Nogi được xem như “thành trì cuối cùng” của lực lượng võ sĩ chuyên Jujitsu vì có sự khác biệt kỹ thuật rất lớn với Judo
Anh Vũ Đình Tiến – một trong những võ sĩ Ju-jitsu “underground” nổi tiếng nhất TP.HCM chia sẻ: “Dù xuất thân từ phong trào tập luyện thuần Jujitsu nhưng tôi rất ủng hộ việc ưu tiên tuyển thủ Judo thi đấu cấp độ khu vực. Rõ ràng người tập Ju-jitsu phong trào ở Việt Nam đâu có ai tập một ngày 8 tiếng như tuyển thủ Judo, làm sao mà có được VĐV ở tầm chuyên nghiệp?
"Dẫu vậy, tôi mong rằng cộng đồng chuyên Jujitsu sẽ được quan tâm và đầu tư từ các cấp lãnh đạo nhiều hơn. 10 năm qua làng Ju-jitsu đã tự “bơi” mà có được ngày hôm nay, đó cũng là thành tích đáng lưu ý. Chúng ta đã có phần ngọn là đội tuyển thi đấu nòng cốt, bây giờ cần phát triển phong trào để có nền tảng chọn lọc các tuyển thủ chuyên nghiệp của Ju-jitsu. Tuyển thủ Judo không hề kéo cộng đồng Ju-jitsu đi xuống, mà thậm chí còn mở đường cho sự phát triển phong trào.”
“Dân chơi Underground tuyệt đối không được sợ tuyển thủ Judo”
Trần Ngọc Lượng, võ sĩ MMA tự do và cũng là tuyển thủ Jujitsu đáng chú ý trong cộng đồng phong trào cũng thông cảm với hiện trạng Judo "lấn sân" Jujitsu. Anh nhận xét:
“Về vấn đề này, cũng phải chấp nhận một điều rằng khi có giải BJJ thì Judoka tham gia là điều hiển nhiên. Thứ nhất, nguồn tuyển Judo thì tỉnh nào cũng đã có sẵn, nền tảng thể lực có, cách khống chế và giữ thăng bằng tốt, các Judoka chỉ cần tập thêm về kỹ thuật BJJ nữa là có thể thi đấu được. Họ sẽ mất ít thời gian hơn là một người bình thường khi tập luyện BJJ từ cơ bản lên."
"Thứ 2 là các dân chơi BJJ từ Underground tại Việt Nam còn chưa nhiều, đang trong quá trình phát triển và hội nhập. Số lượng còn khó đảm bảo đủ số lượng vận động viên khi tham gia một giải đấu thì rất khó để sàng lọc khi họ chạm trán với các Judoka, nhất là khi giải vừa rồi cũng như giải tháng 9 sắp tới đều là những giải đấu với mục tiêu sàng lọc các võ sĩ hay và xuất sắc nhất để đại diện cho Việt Nam đi tham dự SEA Games 2019."
Võ sĩ Trần Ngọc Lượng tin rằng sự xuất hiện của những tuyển thủ Judo càng làm tăng chất lượng các giải đấu, tạo động lực phát triển cho cộng đồng Ju-jitsu
"Tôi nghĩ rằng dân chơi Ju-jitsu underground không cần “sợ” tuyển thủ Judo. Dân Judo takedown rất tốt, nhưng đổi lại là kỹ thuật người ta ít. Khi thi đấu nếu BJJ gặp Judo thì bên BJJ có thể chủ động xuống fullguard trước, nên việc sợ takedown của dân Judo cũng không lớn!"